Những trường hợp nào được cấp Sổ đỏ

Đất chưa được cấp sổ đỏ, đất chưa chính chủ thì những trường hợp nào người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất?

– Căn cứ pháp lý:
+ Luật Đất đai 2013
+ Nghị định 43/2014/NĐ-CP
+ Nghị định 01/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Luật Đất đai 2013 tại khoản 1 Điều 99 thì Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) cho những trường hợp sau đây:

1. Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận
Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 Luật Đất đai, cụ thể:
+ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
+ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
+ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất

2. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất
– Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày 1/7/2014, trừ những trường hợp sau:
+ Người đang sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn (thuê đất công ích của xã).
+ Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý.

3. Người nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho…
Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ. Cụ thể:
+ Người được chuyển đổi: Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác. Điều kiện để chuyển đổi đất nông nghiệp là phải chuyển đổi cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng một xã và mục đích sử dụng vẫn là đất nông nghiệp (trên thực tế các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi cho nhau để dồn điền, đổi thửa, tiện đi lại, chăm sóc..).
+ Nhận chuyển nhượng (người mua đất), tuy nhiên trường hợp này phải mua có đất có đủ điều kiện cấp Sổ đỏ hoặc đã được cấp Sổ đỏ.
+ Nhận tặng cho quyền sử dụng đất: Khi nhận tặng cho thì phải làm thủ tục sang tên (thủ tục sang tên trước bạ).
+ Được thừa kế: Người được thừa kế bằng di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật (nếu di sản thừa kế là quyền sử dụng đất mà có đủ điều kiện cấp Sổ đỏ thì khi khai nhận di sản sẽ làm thủ tục chuyển tên).

4. Người được sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án; quyết quả hòa giải thành
Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

5. Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất

6. Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp
Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Lưu ý, người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì không được cấp giấy chứng nhận.

7. Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất

8. Người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

9. Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa

Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có.

10. Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất

Theo Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong 04 trường hợp sau:

– Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;

– Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;

– Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

Ngoài ra, theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì người sử dụng đất có vi phạm hoặc có vướng mắc được cấp Sổ đỏ trong 5 trường hợp sau:
– Đất được giao không đúng thẩm quyền.
– Sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước 01/7/2014.
– Cấp Sổ đỏ với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất.
– Cấp Sổ đỏ cho đất có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau.
– Cấp Sổ đỏ với thửa đất đã đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.

» Các mẫu đơn về đất đai

» Luật sư giải quyết tranh chấp đất đai