Những quyền lợi nào được đảm bảo khi phụ nữ ly hôn

Những quyền lợi nào được đảm bảo khi phụ nữ ly hôn?
Hiện nay, việc ly hôn xảy ra khá phổ biến và người phụ nữ thường bị thua thiệt. Nhiều người đặt câu hỏi hỏi hiện pháp luật quy định thế nào để đảm bảo quyền lợi khi người phụ nữ ly hôn?

Giải đáp thắc mắc này, luật sư Đặng Thành Chung, Công ty luật An Ninh, cho biết:

Về nguyên tắc, pháp luật về hôn nhân và gia đình luôn hướng tới bảo vệ cho đối tượng là phụ nữ, trẻ em, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ. Riêng về đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ khi ly hôn thì, Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014 đã quy định như sau:

Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn: Điều 51, 56 Luật HN&GĐ quy định vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn nếu có căn cứ theo luật định. Tuy nhiên, pháp luật lại hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thứ hai, về quyền nuôi con: Điều 81 Luật HN&GĐ quy định vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn. Trường hợp không thể thỏa thuận thì Tòa án sẽ xem xét ý kiến của con đủ 07 tuổi trở lên và điều kiện mỗi bên đảm bảo quyền lợi cho con để quyết định. Tuy nhiên, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Thứ ba, về quyền chia tài sản khi ly hôn: Điều 59 Luật HN&GĐ quy định trừ trường hợp có thỏa thuận, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi và tính đến các yếu tố sau: Hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng, lao động của vợ, chồng trong gia đình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên để tiếp tục lao động tạo ra thu nhập; lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ của mỗi bên. Đồng thời quy định rõ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Thứ tư, quyền lưu cư khi ly hôn: Điều 63 Luật HN&GĐ quy định: Trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư tại nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Thứ năm, quyền yêu cầu cấp dưỡng: Điều 115 Luật HN&GĐ quy định: “Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”.

Luật sư Đặng Thành Chung (Công ty luật An Ninh) trả lời trên báo phunuvietnam.vn

» thủ tục ly hôn đơn phương

» Luật sư tư vấn ly hôn