Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự bồi thường như thế nào?

Người mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho phương tiện xe ô tô, mô tô khi tham gia giao thông gây tai nạn thì sẽ được đền bù như thế nào? 

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự bồi thường như thế nào?

Trường hợp người điều khiển xe ô tô là người có lỗi lao về bên trái đường, đâm vào xe máy. Về xe ô tô đó có mua đầy đủ bảo hiểm và có đủ giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe… Do đó, người điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ được hưởng quyền bảo hiểm trừ khi trường hợp thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới sau đây:

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại.

2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe.

4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Do đó trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn phải gửi thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo các tài liệu sau để yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của xe cơ giới:

– Tài liệu liên quan đến xe, lái xe;

– Các giấy tờ chứng minh thiệt hại về người và tài sản;

– Tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn.

Tại Điều 9 Thông tư 22/2016/TT-BTCquy định về mức trách nhiệm bảo hiểm:

Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể như sau:

1. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

2. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

3. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.

Theo đó, đối với thiệt hại về người:

– Mức bồi thường được xác định căn cứ vào quyết định của tòa án.

– Trong trường hợp không có quyết định của tòa án, mức bồi thường được xác định dựa trên Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về người quy định tại Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC

– Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực bảo hiểm trước.

Đối với thiệt hại về tài sản:

– Mức bồi thường được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới.

– Trường hợp chủ xe cơ giới đồng thời tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho cùng một xe cơ giới thì số tiền bồi thường chỉ được tính theo hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực bảo hiểm trước.

– Chi phí cần thiết và hợp lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế tổn thất liên quan tới vụ tai nạn mà chủ xe cơ giới đã chi ra.