Người nợ khốn đốn vì bị bêu xấu trên mạng xã hội

Người nợ khốn đốn vì bị bêu xấu trên mạng xã hội, gọi điện cho người thân.

Bỗng dưng thấy hình ảnh của mình bị bôi xấu trên face book, liên tục bị số điện thoại lạ gọi tới quấy rối, đe dọa… Đó là những “chiêu bẩn” của các đối tượng cho vay nặng lãi, các công ty thu hồi nợ thuê, hay thậm chí cả những ngân hàng, nhằm gây áp lực cho những người ngoài cuộc để đòi tiền khi con nợ chính đã cao chạy xa bay.

» Tư vấn thu hồi nợ cho cá nhân

Tai vạ từ trên trời rơi xuống

Hòng thu nợ, các đối tượng dùng điện thoại gọi cho những người thân quen, thậm chí là người chẳng liên quan gì với người vay nợ để đe dọa, bêu riếu và đăng ảnh chân dung của họ lên facebook khiến họ khó có thể giải thích với những ai chưa hiểu câu chuyện gì đang xảy ra.

Ngày 27-7 vừa qua, chị Phạm Thúy P (một nhân viên cửa hàng thời trang trên địa bàn Hà Nội) hoang mang khi được một người bạn rỉ tai trong lúc ăn trưa: “Chị P ơi, vào facebook mà xem đi…”. Dù chưa hiểu chuyện gì, nhưng thấy khuôn mặt nghiêm trọng của cô bạn đồng nghiệp, chị P vội vàng bỏ dở bữa cơm về cửa hàng. Khi vào trang cá nhân của mình, chị P sửng sốt bởi thấy mình được ai đó tag (gắn thẻ) vào một bức ảnh chụp hình chị L – người đang bị rêu rao là “bùng  nợ”. Chưa hết, kẻ tag chị P cũng không quên bếu riếu rằng, chính chị là người thông đồng, bao che cho “con nợ” của anh ta.

Quá bức xúc vì chẳng liên quan gì đến chuyện vay nợ kia, chị P liên hệ với số điện thoại được các đối tượng để lại. Kết quả là chị nhận được những câu nói rất khó nghe cùng tuyên bố sẽ tiếp tục đăng hình chị lên mạng xã hội và gửi cho người thân quen. Dù chị P cố giải thích không quen gì “con nợ” của các đối tượng, nhưng họ khăng khăng không nghe và yêu cầu chị phải đưa “con nợ” đến gặp họ để giải quyết thì câu chuyện bêu riếu kia mới chấm dứt. Đối diện với những trò vu khống, đe dọa, bêu xấu, làm nhục nhiều lần, một thời gian sau chị P cũng quen dần cho đến khi bạn bè, người thân hiểu câu chuyện này không có thật. “Tuy nhiên, để vượt qua được chuyện này, tôi đã phải mất một thời gian vô cùng căng thẳng, thậm chí khủng hoảng nghiêm trọng về tinh thần” – chị P chia sẻ.

Ngày 12-7, tài khoản facebook có tên “Tatto Cẩm Nhung” đã đăng lên trang cá nhân của bà Nguyễn Thu H (ở quận Ba Đình, Hà Nội) và nhiều thành viên khác trong gia đình bà 1 bức ảnh ghép mặt họ với nội dung: “Truy tìm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mượn nợ bỏ trốn. Đối tượng cầm đầu… H, cùng chồng là… D, bố… Đ, mẹ… V và các thành viên khác trong gia đình bao che, cấu kết, chuyên đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện chúng tôi thông báo trên toàn mạng xã hội cảnh báo yêu cầu đối tượng tự thú, hoặc gọi điện liên hệ (090.455.10xx) hoàn trả tài sản đã chiếm đoạt”.

Sau đó có một người đàn ông dùng số điện thoại 090.455.10xx gọi cho bà H và cha của bà để liên tục chửi bới, lăng mạ, đòi trả số tiền 74 triệu đồng mà bà không biết số nợ đó từ đâu ra. “Tôi đã giải thích mình không hề nợ anh ta, nên không có nghĩa vụ phả trả tiền, đồng thời yêu cầu ngừng gọi điện thoại chửi bới, lăng mạ, cũng như không được vu khống, bôi nhọ tôi và các thành viên trong gia đình. Thế nhưng, người đàn ông này vẫn tiếp tục gọi điện thoại đe dọa gia đình tôi. Chưa hết, anh ta còn gọi điện thoại, nhắn tin đến bạn bè tôi, tự nhận mình là “công an kinh tế” đang truy tìm kẻ lừa đảo và khẳng định người đó là tôi” – bà H bức xúc nói.

Cũng theo bà H, ngoài gọi điện trực tiếp, đối tượng trên còn  gọi cho anh em, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của bà, cô giáo của con bà để nói rằng gia đình bà chuyên đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Có thể xử lý hình sự

Sau khi tự tìm hiểu, bà H mới vỡ lẽ trước đây em dâu của bà có vay một khoản tiền từ Ngân hàng V để mua điện thoại di động trả góp. Người em dâu sau đó đã bị một số đối tượng lạ ráo riết đòi khoản nợ trên và nâng số tiền lãi lên rất cao so với thực tế. Tuy nhiên, với quan điểm ai làm người đó chịu, gia đình bà H đã làm đơn kêu cứu đến cơ quan công an yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vu khống, đe dọa, để đảm cuộc sống và lợi ích hợp pháp của gia đình bà.

Một điều tra viên CAQ Ba Đình cho biết, thời gian gần đây, tình trạng nhiều người bỗng dưng bị một số kẻ lạ mặt khủng bố tinh thần bằng cách đưa hình ảnh, thông tin vu khống họ lên mạng xã hội nhằm bêu xấu, nhục mạ để gây áp lực đòi nợ. Các đối tượng này sử dụng nhiều sim rác, nick facebook ảo nên việc truy tìm thủ phạm rất mất công. “Quá trình xác minh điều tra, chúng tôi thấy đủ căn cứ có thể khởi tố hình sự các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, do tâm lý chung, nhiều “bị hại” sau một thời gian thấy yên ổn trở lại thì không muốn khuấy lên sự việc nữa. Còn nếu làm đến cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, thì việc truy các đối tượng vi phạm cũng không phải là khó” – điều tra viên này cho biết.

Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, việc đăng những thông tin có nội dung đòi nợ thông thường lên facebook không bị pháp luật ngăn cấm nếu giữa các cá nhân có vay nợ thực sự với nhau. Còn với các trường hợp không có vay nợ mà lại bị kẻ khác vu khống, đe dọa, thì tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng internet đã ghi rõ: Nghiêm cấm hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân và tiết lộ những bí mật khác do pháp luật quy định. 

Trong những trường hợp đã kể trên, có thể thấy một số đối tượng cho vay nặng lãi, hay một số ngân hàng sử dụng công ty đòi nợ thuê để đăng thông tin giả mạo, bịa đặt, đe dọa, thóa mạ, hạ thấp danh dự của người khác nhằm gián tiếp đòi khoản nợ đã cho vay là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện những hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi xét thấy có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Ngoài ra, người bị đăng thông tin vu khống có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu người có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai.

Về xử phạt hành chính: tại điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013 thì mức phạt cho các hành vi vi phạm “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”; “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 tại các Điều 155 – Tội làm nhục người khác, hoặc Điều 156 – Tội vu khống, hoặc Điều 170 – Tội cưỡng đoạt tài sản nếu cơ quan có thẩm quyền xem xét và nhận thấy hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành các tội phạm này.

Luật sư Đặng Thành Chung có phần trả lời trên anninhthudo.vn

» Cần làm gì khi bị bôi xấu trên mạng xã hội

» Dịch vụ nộp đơn tố cáo với hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự