Luật sư bào chữa tham gia từ giai đoạn điều tra thế nào cho hiệu quả

Luật sư bào chữa tham gia từ giai đoạn điều tra thế nào cho hiệu quả. Vai trò luật sư ở giai đoạn điều tra là vô cùng quan trọng, như vậy pháp luật có quy định như thế nào, đã phù hợp chưa?

Giai đoạn điều tra có tính quyết định của quá trình tiến hành tố tụng, vì người bị tạm giữ, bị can chỉ là đối tượng bị “bị tình nghi phạm tội”, nếu thiếu thận trọng thì khoảng cách giữa không phạm tội và phạm tội hoặc giữa lỗi và tội dễ bị xóa nhòa.

Luật sư bào chữa hiệu quả ngay từ giai đoạn điều tra

Trong tố tụng hình sự, luật sư tham gia vào nhiều giai đoạn của vụ án với tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định của pháp luật về tư cách người bào chữa với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là khác nhau. Mặc dù vậy, luật sư tham gia tố tụng với tư cách nào, ở giai đoạn tố tụng nào đều có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ công lý, bảo đảm cho các hoạt động tố tụng được tiến hành khách quan, đúng pháp luật. Luật sư bào chữa hình sự

I. Vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra:

– Cán bộ điều tra là người nắm quyền chủ động, dễ coi thường người bị tình nghi phạm tội, thường không khách quan, toàn diện, phần lớn thiên về hướng “quy tội”;

– Người bị “tình nghi phạm tội” là người yếu thế, bị động, thường có tâm lý hoang mang, dao động, không ổn định trong lời khai (dễ có lời khai khác nhau);

– Luật sư bào chữa đóng vai trò “bác sĩ pháp lý” cho bị can, người được tiếp cận bị can với tư cách người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, có trách nhiệm giải thích cho bị can về những quyền được pháp luật bảo đảm, chuẩn bị tâm lý để từ đó giúp người bị “tình nghi phạm tội” bình tĩnh, sáng suốt trong quá trình khai báo, trung thực, khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật và xem xét toàn bộ nội dung điều tra để minh oan cho người bị “tình nghi phạm tội”.

1. Luật sư làm thủ tục đăng ký bào chữa:
Trong giai đoạn điều tra này, việc đầu tiên mà luật sư bào chữa phải làm là thực hiện thủ tục để được tham gia với tư cách là người bào chữa của người bị tạm giữ, bị can. Trước đây, luật sư phải làm thủ tục để cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận người bào chữa, chỉ sau khi được cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì luật sư mới được chính thức tham gia vào tố tụng. Nhưng để được cấp “giấy chứng nhận” đương nhiên theo luật thì luật sư thường bị gây khó, phiền hà từ phía cơ quan điều tra, một phần do nhận thức chưa thấu đáo của cơ quan điều tra, một phần do chủ ý của một số cán bộ điều tra cản trở sự “vào cuộc” của luật sư. Từ những bất cập nêu trên mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã thay thế thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”, theo đó: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký người bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa trong hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.”

Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, văn bản này sẽ hết hiệu lực trước khi kết thúc vụ án. Đó là khi người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa; người đại diện của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa” (Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Quy định này của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đơn giản hóa thủ tục, tạo một bước tiến đáng kể trong việc để luật sư nhanh chóng được “nhập cuộc”, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, phù hợp với khoản 2 Điều 9 Luật Luật sư về nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề luật sư.

2. Sau khi đăng ký bào chữa được chấp nhận, luật sư chính thức có tư cách người bào chữa, tham gia vào giai đoạn điều tra. Luật sư cần gặp gỡ, làm việc với cơ quan điều tra, có thể trao đổi về nội dung vụ án nếu cần thiết, đảm bảo có lợi cho người được bào chữa.

– Luật sư tiến hành gặp gỡ, tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can. Công việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm tính khách quan của việc điều tra, hạn chế được các vi phạm pháp luật có thể xảy ra như: ép cung, mớm cung, bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án…

– Luật sư bào chữa tham gia vào các hoạt động điều tra khác như: khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, xem xét dấu vết thân thể… cũng là một hoạt động cần thiết và có ý nghĩa; thông qua các hoạt động của luật sư trong giai đoạn điều tra, luật sư có thể phát hiện được những tình tiết mới của vụ án hoặc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, các tình tiết có ý nghĩa minh oan cho bị can trong trường hợp bị can vô tội, làm hạn chế tình trạng oan sai ngay từ giai đoạn điều tra trong tố tụng hình sự.

Tuy là giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự nhưng ngay từ công việc điều tra, luật sư đã phải định hướng cho mình cách nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ và định hướng việc bào chữa cho bị can nhằm bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp cho họ.

II. Trên thực tế, có một số vấn đề ảnh hưởng đến vai trò của người bào chữa của luật sư trong giai đoạn điều tra như sau:

1. Sau khi đăng ký bào chữa được cơ quan điều tra chấp nhận thì việc tiếp cận bị can vẫn còn có thể gặp những khó khăn mới nảy sinh. Mặc dù việc gặp gỡ bị can trong giai đoạn này là hoạt động cần thiết và được luật tố tụng hình sự cho phép, tuy nhiên nhiều trường hợp khi luật sư muốn tiếp cận bị can thì thường không thực hiện được do cơ quan điều tra đưa ra lý do là “điều tra viên đang bận công tác khác” hoặc “án phức tạp nên chưa gặp được bị can”…

2. Quá trình lấy lời khai, hỏi cung ở những giai đoạn quan trọng thường ít có sự chứng kiến của luật sư. Thông tư 46/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định “1. Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó.”

Nhưng thực tế, có những trường hợp luật sư bị hẹn sai giờ, không được thông báo hoặc thậm chí có trường hợp bắt đầu hỏi cung bị can thì điều tra viên mới thông báo cho luật sư biết nên luật sư không thế bố trí thời gian kịp để tham gia hỏi cung…

3. Việc luật sư tiếp cận tài liệu, chứng cứ của vụ án còn có phần hạn chế. Pháp luật tố tụng hình sự cho phép luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án, nhưng có nhiều vụ án luật sư rất khó tiếp cận hồ sơ do cơ quan điều tra trả lời hồ sơ chưa được hoàn thiện, vụ án có tính chất phức tạp, viện kiểm sát chưa phúc cung…

4. Pháp luật quy định bị can có quyền được mời luật sư bào chữa nhưng thực tế có nhiều trường hợp xuất hiện sự bất thường từ chối luật sư bào chữa do tác động của phía cơ quan điều tra.

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình điều tra vụ án hình sự và phát huy vai trò của luật sư bào chữa trong giai đoạn này, theo chúng tôi cần thực hiện những giải pháp sau:

Cơ quan điều tra, điều tra viên phải coi việc có mặt của luật sư ngay từ đầu chính là điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra đảm bảo khách quan, toàn diện và trực tiếp vào việc xác lập chứng cứ của vụ án, giúp cho công tác điều tra đạt hiệu quả.

Cần có quy định về quyền gặp riêng bị can của luật sư bào chữa. Pháp lệnh Luật sư năm 1987 đã ghi nhận về quyền gặp riêng bị can của luật sư, nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã không còn quy định về quyền này.

Cần có cơ chế bảo đảm cho luật sư bào chữa có thể tiếp cận hồ sơ vụ án bất kỳ lúc nào, ở giai đoạn nào khi cần thiết. dịch vụ thu nợ, dich vu thu no

Luật Luật sư cũng cần sửa đổi, bổ sung cho thích ứng kịp thời với các bộ luật mới được ban hành, bảo đảm nâng cao trách nhiệm và quyền của luật sư khi tham gia tố tụng nói chung, giai đoạn điều tra nói riêng, góp phần làm minh bạch hoạt động tố tụng, phòng ngừa oan sai, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Việt Nam hiện nay.

Để sự tham gia của luật sư vào quá trình hỏi cung, lấy lời khai đạt hiệu quả, luật sư trước hết cần phải chủ động, tích cực, kiên quyết, khéo léo, gây được thiện cảm với cơ quan điều tra cũng như điều tra viên, phối hợp, nắm bắt được kế hoạch làm việc của điều tra viên để có mặt kịp thời khi lấy lời khai, hỏi cung. Trong các buổi lấy lời khai, hỏi cung, luật sư phải dự liệu sẵn những câu hỏi, vấn đề cần làm rõ để cùng điều tra viên làm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu vụ án.

Luật sư cần phải có kỹ năng hành nghề phù hợp trong thu thập tài liệu, đồ vật có giá trị chứng minh, chứng cứ trong việc bào chữa cho bị can. Việc tiến hành thu thập phải được thực hiện đầy đủ, đúng trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Giai đoạn điều tra được ví như “đầu vào” của vụ án, hướng đi của hồ sơ có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình tiến hành tố tụng. Nếu hướng điều tra bị “bẻ ghi” thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường, vì vậy, luật sư là người “gác ghi” của vụ việc cần phải nắm vững pháp luật, tâm lý bị can, kỹ năng hành nghề để vào cuộc tự tin, vững vàng và góp phần đưa sự việc đi theo đúng hướng khách quan của vụ án. Có làm được như vậy thì vai trò, vị trí của luật sư sẽ được đề cao, người bào chữa mới hoàn thành chức năng xã hội của mình đối với người bị “tình nghi phạm tội”.

» Luật sư bào chữa vụ án hình sự

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

Kế toán trong lĩnh vực họat động của văn phòng luật sư, công ty luật

Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Một luật sư có được tham gia hai tổ chức hành nghề luật sư cùng lúc không?

Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo