Những vướng mắc trong quá trình bào chữa án ma túy?
Án ma túy luôn là một trong những loại án phức tạp và khó khăn trong quá trình tham gia bào chữa của luật sư. Ngoài những khó khăn do tính chất đặc thù của loại án này như quy mô vụ án lớn, địa bàn rộng, đối tượng phạm tội phức tạp, phạm tội có tổ chức, … thì một khó khăn khác mang tính trọng yếu đó là quy định pháp luật chưa rõ ràng, thống nhất đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Kinh nghiệm luật sư giải quyết và bào chữa hiệu quả án ma túy
Hệ thống các quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ, kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện BLHS còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn diễn biến tình hình tội phạm.
BLHS quy định nhiều tội danh trong cùng một điều luật với chế tài, khung hình phạt chung cho tất cả các hành vi phạm tội là chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc định tội danh và quyết định hình phạt chính xác, công bằng vì tính chất, mức độ, nguy hiểm của mỗi hành vi không giống nhau.
Một số văn bản có những nội dung không còn phù hợp với hành vi phát sinh trong xã hội dẫn đến việc áp dụng BLHS còn xảy ra quan điểm không thống nhất nhau cần được hướng dẫn cụ thể. Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật như Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự 1999 chưa rõ ràng, kịp thời và thống nhất.
Ngay sau khi Thông tư liên tịch số 17 ban hành, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề, gây ra những cách hiểu và áp dụng khác nhau tại các địa phương, trong đó có nội dung 1.4 mục I hướng dẫn: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất” hướng dẫn này không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu không thống nhất và thực tế không phù hợp với quy định tại các Điều 193, 194, 195 của Bộ luật Hình sự.
Trong các Điều luật này chỉ quy định trọng lượng làm căn cứ định tội, định khung hình phạt để truy tố, xét xử. Vì vậy, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy, tại Hội nghị sơ kết 01 năm và 03 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 17 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức, có đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và lãnh đạo VKSND địa phương cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và đề nghị bỏ quy định giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy, mà chỉ thực hiện việc giám định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy đối với các chất quy định tại điểm a, b nêu trong phần 1.1 Mục I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II Thông tư liên tịch số 17 (cụ thể gồm: Ma túy pha vào dung dịch; xái thuốc phiện; thuốc có chứa chất gây nghiện). Từ kết quả hội nghị, VKSND tối cao đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi Bộ Công an đề nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 17. Tuy nhiên, đến nay Thông tư liên tịch số 17 chưa được sửa đổi, bổ sung.
» Luật sư bào chữa vụ án ma túy
Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Công văn số 234 và Thông báo số 264.
Tính pháp lý của Công văn số 234 và Thông báo 264
Ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS hướng dẫn Tòa án các địa phương giải quyết án ma túy, trong đó có nội dung: “Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999” (sau đây viết tắt là Công văn số 234).
Về tính pháp lý của Công văn số 234 thì đây là công văn đơn ngành do Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn Tòa án địa phương áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, Công văn số 234 đã vượt quá quy định của pháp luật khi có thêm cụm từ “để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo”. Tiếp theo đó, ngày 29/10/2014, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông báo số 264/TANDTC-TB trong đó quy định “việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xử phạt bị cáo (trọng lượng chất ma túy được hiểu là trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất)”. Thông báo 264 lại có những nội dung vượt quá quy định của pháp luật: (trọng lượng chất ma túy được hiểu là trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất)”.
Theo quy định hiện hành:Việc xử lý các tội phạm về ma túy đều căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Thông tư liên tịch số 17, trong đó chất thu được phải được quy định trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành. Việc truy tố, xét xử căn cứ vào trọng lượng, số lượng chất ma túy thu giữ được quy định chỉ có 03 trường hợp cụ thể tại điểm a, b tiểu mục 1.1, mục 1, phần I và tiểu mục 3.5, mục 3, phần II thông tư liên tịch số 17.
Do đó, với các quy định của pháp luật hiện hành ngoài các trường hợp cụ thể nêu trên thì không có trường hợp nào được xác định trọng lượng chất ma túy trên cơ sở giám định hàm lượng. Việc quy định thêm các trường hợp xác định trọng lượng trên cơ sở tỷ lệ hàm lượng ma túy là trái với quy định của Bộ luật Hình sự, không phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và sẽ nảy sinh mâu thuẫn trong áp dụng thực tiễn. công ty luật.
Chỉ đặt vấn đề bắt buộc giám định hàm lượng chất ma túy trong các trường hợp quy định tại Điểm a, b Mục 1.1 Phần I và quy định tại Mục 3.5 Phần II Thông tư liên tịch số 17. Mặt khác, cũng tại điểm 1.4, Mục I Thông tư liên tịch 17 quy định: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma tuý hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma tuý hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì tuỳ hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma tuý”.
Căn cứ vào quy định này, thì ngay cả trong trường hợp giám định chất đã thu giữ không phải là ma túy mà người thực hiện ý thức chất đó là ma túy vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy. Do đó, Công văn số 234 và Thông báo 264 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như trên là không đúng với quy định của Bộ luật hình sự, Thông tư liên tịch số 17 (vì tại Luật và văn bản này không quy định về việc bắt buộc giám định hàm lượng của tất cả các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định trọng lượng chất ma túy (ma túy tinh chất, ma túy nguyên chất) làm căn cứ xử phạt bị cáo.
Mặt khác, theo quy định tại điểm 5 Mục III Thông tư liên tịch số 17 quy định: “Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu thấy có vướng mắc hoặc cần phải hướng dẫn, giải thích bổ sung thì đề nghị phản ánh về Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp để có giải thích, hướng dẫn kịp thời”. Việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 234 để hướng dẫn Tòa án địa phương trong việc áp dụng pháp luật nhưng lại có giá trị thực tiễn rất quan trọng đối với cả ba cơ quan tố tụng Công an, Kiểm sát, Tòa án, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc, gây cản trở tới công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy thời gian qua.
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng không nước nào quy định phải giám định hàm lượng của tất cả các chất thu giữ nghi là ma túy để tính trọng lượng ma túy tinh chất, ma túy tinh chất và cũng không coi việc giám định hàm lượng các chất ma túy là căn cứ duy nhất để kết tội.
Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Công văn 234 và Thông báo 264
Khi cơ quan Tòa án các cấp thực hiện Công văn số 234 và Thông báo số 264, phần lớn Tòa án địa phương đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra bổ sung với lý do chưa giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy và Viện kiểm sát tiếp tục trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra do không có sự thống nhất về nhận thức pháp luật. Từ đó, đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát các cấp trong thực tiễn giải quyết án ma túy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp như sau:
– Khi bắt quả tang, bắt khẩn cấp đối tượng phạm tội ma túy gặp nhiều khó khăn trong công tác phê chuẩn các quyết định, lệnh của cơ quan điều tra vì không thể xác định ngay được hàm lượng chất ma túy để xử lý hình sự hay xử lý hành chính cũng như việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam.
Đối với những trường hợp bắt giữ đối tượng mà trọng lượng ma túy thu giữ chỉ tương đương với mức khởi điểm để xử lý hình sự sẽ gặp khó khăn vì không xác định được ngay hàm lượng nên Viện kiểm sát khó ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc phê chuẩn áp dụng biện pháp ngăn chặn (tạm giữ, tạm giam) của cơ quan điều tra.
Thời gian vừa qua, xuất hiện tư tưởng chỉ bắt các vụ có khả năng thu giữ số lượng ma túy lớn, không bắt những vụ buôn bán, tàng trữ nhỏ lẻ, trong khi chính những vụ buôn bán ma túy nhỏ lẻ thường là yếu tố gây mất trật tự trị an, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, có nhiều trường hợp đã gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không còn căn cứ để gia hạn tạm giam thì liên ngành tư pháp địa phương chưa có hướng giải quyết, chờ hướng dẫn của liên ngành trung ương, dẫn đến việc áp dụng biện pháp tạm giam gặp rất nhiều khó khăn và không theo quy định của pháp luật (Điện Biên, Cơ quan điều tra gia hạn: 57 vụ/72 bị can; Viện kiểm sát: 16 vụ/22 bị can; Tòa án: 18 vụ/37 bị cáo; Hà Nội các cơ quan tiến hành tố tụng phải hợp thức lệnh tạm giam đối với 613 đối tượng bằng việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng nhiều lần mà không đưa ra xét xử được)…
Bên cạnh đó, thời gian qua Cơ quan điều tra chưa bắt được vụ án nào các đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy nguyên chất mà các chất ma túy đều ở dạng thành phẩm qua chiết xuất như bánh heroin, bột heroin và các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy khi mua bán ma túy cũng không bao giờ mặc cả giá về hàm lượng.
Viện kiểm sát đã hoàn thành cáo trạng truy tố nhưng chưa giám định hàm lượng chất ma túy, khi chuyển hồ sơ vụ án để xét xử thì Tòa án không nhận gây tồn đọng số lượng lớn các vụ án ma túy ở Viện kiểm sát và ở Tòa án. Tại Tp. Hồ Chí Minh là 1.229 vụ/1.829 đối tượng, trong đó: Giai đoạn điều tra: 612 vụ/862 bị can; giai đoạn truy tố: 300 vụ/500 bị can; giai đoạn xét xử: 317 vụ/467 bị cáo. Tại Hà Nội 924 vụ/1.096 đối tượng: Giai đoạn điều tra 557 vụ/684 bị can (trong đó có 400 vụ không đủ trọng lượng ma túy tinh khiết thì không truy tố, xét xử được phải đình chỉ điều tra); giai đoạn truy tố: 141 vụ/187 bị can, sau khi giám định có 100 vụ không đủ trọng lượng ma túy tinh khiết phải đình chỉ điều tra; giai đoạn xét xử: 157 vụ/190 bị cáo, có khoảng 120 vụ không đủ trọng lượng tinh khiết phải đình chỉ điều tra; Bà Rịa – Vũng Tàu 79 vụ/101 đối tượng (giai đoạn điều tra 28 vụ/41 bị can; giai đoạn truy tố 05 vụ/05 bị can; giai đoạn xét xử 46 vụ/55 bị cáo); Tiền Giang 38 vụ/53 bị can…
Đối với các vụ án ma túy điều tra qua truy xét không thu giữ được ma túy quá trình điều tra, truy tố xác định đối tượng phạm tội đã mua bán, vận chuyển… hàng chục, trăm bánh heroin (khẳng định qua các lời khai, còn thực tế không thu giữ được bánh heroin nào) nhưng không có vật chứng để giám định hàm lượng nên không có căn cứ để xử lý đối tượng phạm tội theo hàm lượng được. Hoặc các đối tượng trước đây bị khởi tố điều tra theo trọng lượng ma túy truy xét qua lời khai, bỏ trốn bị truy nã nay bắt được để xử lý, việc trưng cầu giám định hàm lượng là bất cập, dẫn đến không thể xử lý được các đối tượng là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Khó xử lý các đối tượng phạm tội Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, trọng lượng ma túy thu được rất ít, đã tổ chức giám định loại, trọng lượng ma túy trước đây, nay không còn đủ lượng hoặc không còn mẫu để giám định hàm lượng dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Mặt khác, có những vụ án bắt giữ hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp có nhiều loại ma túy khác nhau thì sẽ phải giám định hàm lượng từng viên một thì cơ quan giám định không thể thực hiện được và không đảm bảo thời gian, dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết án theo quy định của BLTTHS. Do đó, thời gian vừa qua, một số địa phương đã không bắt, giữ, xử lý các vụ án truy xét.
Sau khi văn bản số 234 ban hành, tại nhiều địa phương Tòa án các cấp đã trả lại phần lớn hồ sơ cho Viện kiểm sát để yêu cầu giám định hàm lượng, tập trung nhiều ở cấp huyện, dẫn đến tình trạng giám định đi, giám định lại nhiều lần, trả hồ sơ vụ án nhiều lần làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến tiến độ, gây ách tắc trong quá trình giải quyết án, nhiều vụ án sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu giám định, sau khi giám định xác định hàm lượng không còn đủ định lượng để khởi tố, truy tố đã dẫn đến:
+ Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung để giám định hàm lượng ma túy: Hà Nội 613 vụ; TP Hồ Chí Minh 325 vụ; Lai Châu 119 vụ; Thanh Hóa 83 vụ; Nghệ An 65 vụ; Nam Định 63 vụ; Điện Biên 61 vụ; Sơn La 47 vụ; Bắc Ninh 43 vụ; Đà Nẵng 29 vụ; Lạng Sơn 26 vụ; Vĩnh Phúc 25 vụ; Yên Bái 23 vụ; Hải Phòng 31 vụ; Hải Dương 16 vụ; Tiền Giang 14 vụ…
Tạm đình chỉ điều tra: Sơn La 91 vụ/95 bị can; Thanh Hóa 50 vụ/63 bị can Hải Phòng 13 vụ/13 bị can; Điện Biên 04 vụ/04 bị can…
Đình chỉ điều tra: Bắc Ninh 23 vụ/26 bị can (căn cứ Khoản 1 Điều 25 BLHS); Vĩnh Phúc 09 vụ/09 bị can; Đà Nẵng 04 vụ…
Không đủ trọng lượng truy tố và không còn vật chứng là ma túy để giám định hàm lượng: Đăk Lăk 11 vụ; Thừa Thiên – Huế 10 vụ; Đà Nẵng 10 vụ; Yên Bái 04 vụ…
Nhiều vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy đã, đang khởi tố, điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử sẽ không cấu thành tội phạm Nam Định có 65 vụ…
Nhiều vụ án phải hoãn phiên tòa làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án để chờ ý kiến chỉ đạo của liên ngành: Nam Định 16 vụ; Sơn La 12 vụ…
Nhiều vụ phải chuyển khoản truy tố: Hải Phòng 07 vụ/8 bị can; Nam Định 03 vụ…
Xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại để giám định hàm lượng ma túy: TP Hồ Chí Minh 08 vụ/11 bị cáo; Đồng Nai 03 vụ/03 bị cáo; Lai Châu 03 vụ/03 bị cáo; Thanh Hóa 02 vụ; Vụ 1C 01 vụ; Sơn La 01 vụ…
Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật và án ma túy đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì xử lý thế nào. Đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật nếu áp dụng xác định hàm lượng có thể thay đổi khung, khoản xét xử, mức hình phạt… thì có phải xem xét lại không. Tương tự đối với án ma túy đã xét xử sơ thẩm nay có kháng cáo, kháng nghị thì kết quả giám định hàm lượng cũng có thể làm thay đổi mức hình phạt đối với các bị cáo có xử lý theo hướng giảm hình phạt không. Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành thì có được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hay không? Nếu áp dụng pháp luật hồi tố thì những bản án đã được xét xử có hiệu lực pháp luật ở tất cả các cấp (kể từ khi Thông tư 17 có hiệu lực đến nay) phải được xem xét sẽ có khả năng có rất nhiều bị cáo được tuyên không phạm tội, nếu không hồi tố thì dẫn đến pháp luật không công bằng trong các trường hợp bị án đã thi hành án (kể cả án tử hình). Mặt khác, thời gian gần đây, qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự nhiều vụ án ma túy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã hoãn nhiều phiên tòa hoặc hủy nhiều vụ án để điều tra lại với lý do để giám định hàm lượng chất ma túy.
Có địa phương, cơ quan Tòa án cho rằng công văn số 234 là chỉ đạo nghiệp vụ của Tòa án cấp trên. Do vậy, Tòa án cấp dưới phải chấp hành thực hiện và phải trả hồ sơ để giám định hàm lượng chất ma túy. Nếu Tòa án thực hiện không đúng theo chỉ đạo tại công văn số 234 tâm lý sợ bị Tòa án cấp trên hủy án ảnh hưởng đến việc xét thi đua hoặc bổ nhiệm lại của thẩm phán. Tại Lai Châu: Tòa án địa phương đã đưa nhiều vụ án ra xét xử và vận dụng cách tính hàm lượng ma túy cụ thể là lấy trọng lượng Hêrôin nhân với hàm lượng Hêrôin chia cho 100 để ra kết quả Hêrôin tinh chất để tính lượng ma túy phải chịu TNHS.
Việc giám định hàm lượng chất ma túy hoặc tiền chất ma túy hầu hết các cơ quan giám định ở địa phương chưa đủ điều kiện về con người, phương tiện kỹ thuật, mẫu ma túy chuẩn so sánh để giám định, nếu thực hiện theo hướng dẫn của công văn 234 thì tất cả các vụ án thu được chất ma túy ở địa phương đều phải đưa về Viện khoa học hình sự, Bộ Công an giám định. Việc tổ chức đưa đối tượng cùng tang vật đi giám định, chuẩn bị kinh phí rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều bất trắc không an toàn. Việc giám định hàm lượng tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Hà Nội thường không có kết quả ngay mà phải chờ đợi, dẫn đến việc phê chuẩn bắt khẩn cấp, tạm giữ ban đầu sẽ gặp khó khăn. Theo cơ quan giám định Công an quy định các mẫu nghi ma túy gửi đến giám định phải có đủ từ 0,3 gam trở lên mới đủ điều kiện giám định. Vậy các vụ án mà lượng ma túy thu giữ dưới 0,3 gam sẽ không đủ điều kiện giám định thì xử lý như thế nào. Đối với những vụ án xảy ra trước khi có Công văn 234 vật chứng thu giữ ít dẫn đến mẫu vật giám định ít, dưới 0,1 gam hoặc 0,1 gam đã gửi toàn bộ mẫu vật giám định, không còn mẫu vật nhưng Tòa án vẫn trả hồ sơ yêu cầu giám định hàm lượng thì xử lý như thế nào. Đối với những vụ án truy xét không thu được chất ma túy hoặc các bị can trốn, nay bắt truy nã trong khi đó chất ma túy đã tiêu hủy theo bản án đã có hiệu lực pháp luật thì cũng chưa biết xử lý thế nào? Nhiều nơi do đợi kết quả giám định đã phải gia hạn thời gian điều tra, tạm giam nhiều vụ án/bị can làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Nhiều địa phương cho rằng các trường hợp vướng mắc nêu trên Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung sau khi có công văn số 234 thì trước đây các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xử lý và giải quyết các vụ án ma túy đảm bảo đúng pháp luật, không có khiếu kiện gì. Mặt khác, tại TP Hồ Chí Minh việc nhận thức Công văn 234 của Tòa án cũng chưa thống nhất, trong một số vụ án cụ thể như: có Hội đồng xét xử tuyên hủy trả hồ sơ để điều tra lại (yêu cầu giám định hàm lượng). Bên cạnh đó, có Hội đồng tuyên bác kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm (các vụ này trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra chưa giám định hàm lượng ma túy).
Do vậy, nhiều địa phương, cơ quan Công an, Viện kiểm sát e ngại trong việc bắt, phê chuẩn các đối tượng có hành vi phạm tội về ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật, làm giảm tinh thần đấu tranh đối với loại tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội. Việc giám định, xác định hàm lượng chất ma túy hiện nay là khó khăn, tốn kém (ít nhiều làm ảnh hưởng tâm lý của những người trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, nhiều nơi lượng án ma túy khởi tố mới trong Quý I năm 2015 giảm so với cùng kỳ 2014, tại Điện Biên giảm 41 vụ/66 bị can. Số liệu giảm không phải tội phạm ma túy giảm mà do các chiến sỹ ngại không dám bắt các đối tượng phạm tội tàng trữ, vận chuyển số lượng ma túy nhỏ, lẻ.
Giải pháp, kiến nghị
Thứ nhất, đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên.
Thứ hai, đề nghị lãnh đạo liên ngành pháp luật Trung ương khẩn trương chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17 cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy hiện nay.
Thứ ba, Công văn số 234 và Thông báo số 264 của riêng ngành Tòa án ban hành nhưng nội dung hướng dẫn đã vượt quá quy định của BLHS hiện hành, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trong quá trình giải quyết án ma túy. Do đó, đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên.