Không thực hiện đúng hợp đồng do sự kiện bất khả kháng. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng dân sự, Hợp đồng kinh doanh thương mại và Hợp đồng Lao động. Trường hợp nào thì bên vu phạm được miễn trách nhiệm dân sự?
Việc giao kết hợp đồng dựa trên cơ sở tự nguyện, thiện chí. Một khi hợp đồng được giao kết thì hai bên phải có trách nhiệm thực hiện đúng những gì mình giao kết. Việc không thực hiện đúng hợp đồng sẽ làm phát sinh những nghĩa vụ bất lợi cho bên vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp việc không thể thực hiện đúng hợp đồng là do sự kiện bất khả kháng thì được xử lý như thế nào?
1. Thế nào là sự kiện bất khả kháng?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”
Theo đó, là sự kiện bất khả kháng cần có các điều kiện sau:
+ Sự kiện xảy ra một cách khách quan:
Sự kiện này có thể là do thiên nhiên gây ra như: thiên tai, địch họa… Nhưng cũng có thể do con người gây ra như hành động của một người thứ ba.
+ Sự kiện không thể lường trước được:
Khi giao kết hợp đồng các bên có thể không lường trước được sự kiện này sẽ xảy ra vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Trong trường hợp có mưa lũ, mặc dù có dự báo thời tiết, truyền thông đại chúng nhưng do chủ quan thì đây không thể xem là điều kiện này.
+ Sự việc xảy ra không thể khắc phục được:
Mặc dù đã áp dụng mọi khả năng và biện pháp cần thiết.
2. Đối với quan hệ hợp đồng dân sự trong trường hợp bất khả kháng
Tại khoản 2 Điều 351 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
“Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Tại khoản 2 Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
‘‘Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác’’.
Đây là những cơ sở pháp luật để xem xét trách nhiệm và giải quyết những vấn đề phát sinh trong trường hợp này.
Như vậy, nếu không thực hiện được nghĩa vụ của hợp đồng nhưng do sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm dân sự. Lưu ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu hai bên có thỏa thuận khác về vấn đề này nếu không trái với đạo đức xã hội, không trái với pháp luật thì thỏa thuận được công nhận.
3. Đối với quan hệ hợp đồng kinh doanh thương mại trong trường hợp bất khả kháng
Tại Điều 294 Luật thương mại năm 2005 quy định:
“Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm
1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.”
Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp được miễn trách nhiệm, bên vi phạm hợp đồng phải hết sức lưu ý quy định tại Điều 295 Luật Thương mại:
“Điều 295. Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm
1. Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
2. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
3. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.”
Đồng thời, trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng thì theo quy định tại Điều 296 Luật thương mại:
“Điều 296. Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng
1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
2. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
4. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.”
4. Về vấn đề lao động cho nhân viên nghỉ việc do bất khả kháng
Dịch bệnh làm cho doanh nghiệp mất đi thị trường, phải chấp nhận thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng sản xuất kinh doanh, lao động bị tinh giảm nhân sự theo hướng hoặc cho nghỉ việc tạm thời, nghỉ luân phiên, thậm chí cho nghỉ hẳn để giảm bớt áp lực khó khăn do doanh thu bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng. Vậy quyền lợi của người lao động trong tình huống này được giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012:
‘‘Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định’’.
Trường hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh mà người sử dụng lao động phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012:
“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;”
Trên đây là một số vấn đề phát sinh liên quan đến tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dưới góc nhìn luật pháp để các doanh nghiệp, người sử dụng lao động…