Chế tài xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng

Chế tài xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng. Chế tài xử lý trong việc không thực hiện đúng hợp đồng theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 quy định như thế nào?

I. Cơ sở pháp lý:

Luật Thương mại 2005;

Bộ luật dân sự 2015.

II. Luật sư tư vấn:

1. Buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng

Biện pháp này bảo vệ quan hệ hợp đồng và giúp các bên đạt được những lợi ích mà họ hướng đến khi giao kết hợp đồng. Điều 352 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ:

Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.”

Như vậy, biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng được thừa nhận. Tuy nhiên, các quy định này chỉ liên quan đến một số nghĩa vụ cụ thể. Ngoài ra, Luật thương mại 2005 quy định áp dụng biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng cho nghĩa vụ giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng nên có phạm vi rất rộng. Để nguyên tắc này hiệu quả hơn chúng ta nên bổ sung những quy phạm cho phép Tòa án áp dụng chế tài  phạt  nếu bên có nghĩa vụ vẫn không tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quyết định của Tòa án.

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Việc không thực hiện đúng hợp đồng thường làm phát sinh thiệt hại và vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra.

Pháp luật dân sự vẫn yêu cầu yếu tố “lỗi” bên cạnh ba yếu tố khác. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi hội đủ ba điều kiện sau (nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm): Có việc không thực hiện đúng hợp đồng, có thiệt hại và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và việc không thực hiện đúng hợp đồng.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Trường hợp các bên không có thỏa  thuận thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ được xác định theo Điều 419 Bộ luật dân sự 2015

“1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.

2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.

3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.”

Nhìn chung các hệ thống luật hiện nay cho phép bồi thường những lợi nhuận đáng lẽ bên có quyền được hưởng nếu hợp đồng được thực hiện.  

3. Yêu cầu trả lãi chậm thanh toán

Đa phần hợp đồng hiện làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán một khoản tiền. Theo Bộ luật dân sự 2015, khi chậm trả thì bên chậm trả phải chịu lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố trong khi đó lãi suất cho vay ở các ngân hàng khác lại cao hơn mức lãi suất này. Như vậy, người phải thanh toán nợ đến hạn có lợi hơn khi họ chịu lãi chậm trả so với việc họ trả đúng hạn bằng cách đi vay nơi khác. 

Theo pháp luật thương mại, lãi chậm trả là lãi quá hạn trung bình trên thị trường. Như vậy, cùng về lãi chậm trả, mức lãi rất khác nhau giữa pháp luật thương mại và pháp luật dân sự. Chúng ta nên có sự thống nhất về vấn đề này. Cách quy định như Bộ luật dân sự 2015 có ưu điểm là cho các bên hay thẩm phán khả năng biết được mức lãi chậm trả nhưng con số này không thuyết phục vì thấp hơn lãi của thị trường. Các quy định như trong Luật thương mại hướng lãi chậm trả sát với thị trường nhưng tiêu chí xác định chưa rõ ràng. Do vậy, chúng ta nên theo hướng mức lãi chậm trả là do Ngân hàng nhà nước công bố nhưng không phải là lãi suất cơ bản như hiện nay mà phải là con số cao hơn để có tính “răn đe” người có nghĩa vụ. Con số này có thể là 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước và lãi suất cơ bản phải được xác lập trên cơ sở lãi suất trên thị trường.

4. Hoãn thực hiện hợp đồng

Thông thường, việc hoãn hợp đồng chỉ được tiến hành khi việc không thực hiện đúng hợp đồng đã xảy ra. Nhưng theo Bộ luật dân sự 2015, một bên có thể hoãn thực hiện hợp đồng khi tài sản của bên kia bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết. Trong thực tế nguy cơ không thực hiện hợp đồng có thể xảy ra khi tài sản không bị giảm sút nghiêm trọng.

Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.Theo khoản 2, Điều 411, Bộ luật dân sự 2015:

Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn “.

Như vậy, chế định hoãn được đề cập trong phần thực hiện hợp đồng và liên quan đến hợp đồng “song vụ”.

5. Cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản là một quyền năng theo đó bên có quyền được nắm giữ tài sản chừng nào bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình. Đối tượng của quyền cầm giữ trong Bộ luật dân sự 2015 hiện nay là “tài sản”. Việc cầm giữ giấy tờ liên quan đến tài sản cũng rất hiệu quả. Bộ luật dân sự 2015 mới mở rộng theo hướng cho phép cầm giữ cả giấy tờ liên quan đến tài sản, đối tượng của hợp đồng quy định tại Điều 412 Về cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ:

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền xác lập quyền cầm giữ tài sản đối với tài sản của bên có nghĩa vụ theo quy định từ Điều 346 đến Điều 350 của Bộ luật này.”

6. Đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng

Trong pháp luật dân sự nếu các bên không có thỏa thuận thì việc đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng chỉ được chấp nhận khi có quy định của pháp luật. Trong thực tế, mặc dù không có văn bản quy định cụ thể và cũng không có thỏa thuận của các bên về việc đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng khi một bên không thực hiện đúng hợp đồng, Tòa án vẫn chấp nhận cho đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng.

Bộ luật dân sự 2015 theo hướng đưa ra quy định có tính khái quát cao cho phép đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng khi một bên không thực hiện đúng hợp đồng.

– Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự 2015.

+ Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

+ Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

+ Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

+ Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

+ Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

– Hủy bỏ hợp đồng Điều 423 Bộ luật dân sự 2015

+ Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

c) Trường hợp khác do luật quy định.

+ Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

+ Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Tuy nhiên, không phải việc không thực hiện đúng hợp đồng nào cũng dẫn đến đơn phương chấm dứt, hủy hợp đồng. Trong pháp hiện hành, điều kiện để đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng khi một bên không thực hiện đúng hợp đồng là như nhau. Tuy nhiên, hệ quả của đơn phương chấm dứt và hủy bỏ hợp đồng là rất khác nhau. Do đó, cần phải xác định trong trường hợp nào thì là đơn phương chấm dứt và trong trường hợp nào là hủy bỏ hợp đồng : Nếu hợp đồng mang đến cho các bên lợi ích mong đợi thì nên bảo lưu quá khứ, tức chúng ta có đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngược lại, nếu lợi ích mang đến từ hợp đồng không phù hợp với mong muốn của các bên thì nên cho hủy bỏ hợp đồng.

» Giải quyết khi hợp đồng vô hiệu

» Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng