Các trường hợp bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng

Các trường hợp bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng. Điều khoản về các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng và nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm do sự kiện bất khả kháng cho đối tác khi thực hiện hợp đồng.

Khi giao kết hợp đồng mua bán các bên đều mong muốn thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ để hưởng được lợi ích phát sinh từ hợp đồng. Tuy nhiên vì những lý do nào đó mà một hoặc cả hai không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Về nguyên tắc khi không thực hiện nghĩa vụ thì phải gánh chịu những hậu quả bất lợi tuy nhiên pháp luật quy định chủ thể vi phạm được miễn trách nhiệm vi phạm khi rơi vào trường hợp bất khả kháng.
Để các cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ bất khả kháng là gì? Các trường hợp nào được xem là bất khả kháng mời quý vị xem nội dung sau:

1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Luật Thương mại năm 2005

2. Thế nào là các trường hợp bất khả kháng?

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bất khả kháng tại Khoản 1 Điều 156. Ta có thể đưa ra khái niệm bất khả kháng như sau:

“Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;”

Từ khái niệm sự kiện bất khả kháng ta có thể xác định một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:

  • Thứ nhất, đó là những sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng. Ví dụ: sự kiện bão, lũ, động đất, sóng thần…
  • Thứ hai, hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm
  • Thứ ba, hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, chỉ khi đáp ứng cả ba điều kiện nêu trên thì một sự kiện mới có thể được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm.

3. Các trường hợp bất khả kháng trong thực hiện hợp đồng

  • Các hiện tượng xã hội như: chiến tranh, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ
  • Các hiện tượng thiên nhiên như mưa, lũ, hỏa hoạn, bão, sóng thần, núi lửa phun trào…. Việc coi những hiện tượng thiên tai là sự kiện bất khả kháng được áp dụng thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật
  • Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận những sự kiện như: thiếu nhiên liệu, mất điện, lỗi mạng… là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm khi vi phạm

Pháp luật hiện nay đưa ra khái niệm sự kiện bất khả kháng bằng cách định nghĩa chính vì vậy nó mang tính khái quát nhưng thiếu tính cụ thể dễ tranh chấp. Trên thực tiễn áp dụng các bên thường xuyên tranh chấp liên quan đến việc xác định trường hợp được xem là bất khả kháng. Chính vì điều này nên khi soạn thảo hợp đồng các bên nên có điều khoản về sự kiện bất khả kháng và nghĩa vụ thông báo của bên vi phạm do sự kiện bất khả kháng.

Lựa chọn phương pháp xây dựng điều khoản bất khả kháng như sau:

  • Phương pháp định nghĩa: Khi sử dụng phương pháp này các bên phải đưa ra một khái niệm về sự kiện bất khả kháng. Ưu điểm của phương pháp này là mang tính khái quát, tránh bỏ sót những trường hợp được xem là bất khả kháng. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất của phương pháp này là mang tính trừu tượng, khi áp dụng sẽ phát sinh tranh chấp.
  • Phương pháp liệt kê: Khi sử dụng phương pháp này các bên phải tiến hành liệt kê các trường hợp được xem là sự kiện bất khả kháng. Việc giúp xác định các trường hợp bất khả kháng cụ thể, rõ ràng tuy nhiên lại dẫn đến việc liệt kê thiếu các trường hợp được xác định là bất khả kháng
  • Phương pháp tổng hợp: Phương pháp này là sự kết hợp của hai phương pháp trên. Như vậy đây là biện pháp khá tối ưu khi soạn thảo điều khoản bất khả kháng.

» Dịch vụ tư vấn hợp đồng

» Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng