Khấu trừ lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của người phải thi hành án để thi hành án. Theo quy định, một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài khoản là tiền đó là “Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án”. Nội dung này được quy định trong Điều 78 Luật Thi hành án dân sự như sau:
a, Theo thỏa thuận của các đương sự:
Trên thực tế, Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực thi hành được hơn 3 năm nhưng số lượng việc thi hành án sử dụng biện pháp cưỡng chế “Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án” là khá hạn chế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế khác thuận lợi hơn, phù hợp hơn với người phải thi hành án, dễ dàng áp dụng hơn hoặc người lao động không phải người làm công ăn lương mà là nông dân, người buôn bán nhỏ… thì còn có một nguyên nhân khá quan trọng liên quan đến các quy định của pháp luật về biện pháp cưỡng chế này và sự tham gia của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Đối với các quy định của pháp luật hiện nay, các cơ quan bảo hiểm xã hội gặp khá nhiều khó khăn trong việc thực hiện việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đưa ra một vài nội dung pháp lý cần được thực hiện khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án: Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án để các cơ quan thi hành án dân sự cũng như các cơ quan Bảo hiểm xã hội có thể tham khảo.
Điều 78 Luật Thi hành án dân sự về trừ vào thu nhập của người phải thi hành án quy định: Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quyết định của Chấp hành viên. Như vậy, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì chỉ cần quyết định khấu trừ thu nhập của Chấp hành viên là đủ cơ sở để cơ quan Bảo hiểm thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án. Trong khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về việc này thì để đảm bảo tính chặt chữ, hồ sơ khấu trừ thu nhập của Cơ quan thi hành án dân sự gửi Bảo hiểm xã hội sẽ gồm các loại giấy tờ sau:
+ Quyết định cưỡng chế thi hành án về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án;
+ Bản án, quyết định (bản phô tô, có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự);
+ Quyết định thi hành án.
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quyết định của Chấp hành viên. Do vậy, nếu Bảo hiểm xã hội cấp huyện là đơn vị trực tiếp chi trả tiền lương hưu, trợ cấp cho người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển quyết định khấu trừ thu nhập và hồ sơ cho đơn vị đó để khấu trừ.
Trường hợp người phải thi hành án chuyển đến đơn vị mới thì Bảo hiểm xã hội nơi đang thực hiện việc khấu trừ phải thông báo cho Cơ quan thi hành án dân sự nơi ra quyết định khấu trừ biết. Cơ quan thi hành án sẽ thực hiện thủ tục khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án đối với đơn vị Bảo hiểm xã hội mới nơi người phải thi hành án chuyển đến theo quy định.
Về nguyên tắc, chi phí thực hiện việc khấu trừ thuộc chi phí cưỡng chế thi hành án. Về chi phí cưỡng chế thi hành án, Điều 73 Luật Thi hành án dân sự quy định:
+ Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
– Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
– Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
– Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
– Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
– Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
– Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
+ Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
– Chi phí xác minh trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nên đã yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh; chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
– Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
+ Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:
– Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
– Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật Thi hành án dân sự;
– Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ, theo quy định tại Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, bao gồm: Chi phí họp bàn cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức họp với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế; chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án; các khoản chi phí thực tế cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài liệu của người phải thi hành án; chi phí cho việc bố trí phiên dịch, biên dịch trong trường hợp đương sự là người thuộc dân tộc thiểu số của Việt Nam mà không biết tiếng Việt.
– Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể ai chịu đối với những khoản chi phí phục vụ cho việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án mà cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện như: chi phí chuyển tiền, chi phí in ấn sách, chi phí quản lý…Vì vậy, trong khi chưa có quy định cụ thể thì trước mắt chi phí chuyển tiền nên do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện được trích từ số tiền khấu trừ của đương sự. Đối với các chi phí khác như in ấn, quản lý… thì cần có sự hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Theo quy định tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự thì:
+ Đối với tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động thì: Mức cao nhất được trừ vào là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng. Tuy nhiên, pháp luật dân sự rất tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nên trong trường hợp các đương sự có thỏa thuận khác với mức khấu trừ trên thì Chấp hành viên cần tôn trọng sự thỏa thuận đó. Điều đó có nghĩa là mức khấu trừ có thể thấp hơn, cũng có thể cao hơn mức 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, tùy vào sự thỏa thuận của các đương sự. Có nhiều trường hợp đương sự nghĩ mình bị áp dụng biện pháp khấu trừ thu nhập nên không đến cơ quan Bảo hiểm để nhận khoản tiền còn lại sau khi khấu trừ. Trong trường hợp đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan Bảo hiểm xã hội có thể ấn định một khoảng thời gian nhất định kể từ ngày nhận được thông báo để đương sự đến nhận khoản tiền còn lại của họ sau khi khấu trừ. Hết thời hạn này, nếu đương sự vẫn không đến nhận thì làm thủ tục gửi tiết kiệm theo mức lãi suất một tháng và lập sổ theo dõi riêng, thông báo cho đương sự, cơ quan thi hành án dân sự biết.
+ Đối với các khoản thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án. Mức này phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xem xét quy định trên thì mức khấu trừ này do Chấp hành viên tự quyết định hay do thỏa thuận của đương sự hay Chấp hành viên có thể quyết nhưng coi trọng sự thỏa thuận của các đương sự hơn thì pháp luật lại chưa quy định cụ thể. Vì vậy, quy định này cũng phần nào gây khó khăn Chấp hành viên cũng như cơ quan Bảo hiểm xã hội trong quá trình áp dụng.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang trong quá trình dự thảo Thông tư liên tịch về cung cấp thông tin và khấu trừ thu nhập để thi hành án với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Rất mong những ý kiến đóng góp của tôi có thể được các đồng chí tham khảo để bổ sung, hoàn thiện dự thảo, sớm ban hành Thông tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, tạo điều kiện cho Cơ quan thi hành án dân sự cũng như cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện được các nhiệm vụ, quyền hạn được giao một cách thuận lợi nhất.
Hoàng Thu Thủy nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”
» Dịch vụ nhận ủy quyền thi hành án dân sự
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất…
Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo