Hoãn thi hành án theo đơn sau khi đã thực hiện việc kê biên tài sản

Tổ chức thi hành bản án, quyết định là một quá trình liên tục bắt đầu từ khi nhận bản án, quyết định, nhận đơn yêu cầu thi hành án cho đến các thủ tục thông báo về thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án…. và cuối cùng là việc trực tiếp đảm bảo quyền lợi của các đương sự và người có liên quan đến việc thi hành án như chi trả tiền, giao tài sản, cưỡng chế giao tài sản cho người thứ 3 mua được tài sản đấu giá… cũng có khi là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước mới là bước cuối cùng của quá trình thi hành án như thu phí thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án, mọi hoạt động tác nghiệp của Chấp hành viên diễn ra liên tục và theo trình tự do pháp luật quy định. Tuy nhiên, tính liên tục đó đôi khi cũng mang tính chất tương đối, cụ thể trong những trường hợp do pháp luật quy định, việc thi hành án tạm thời bị gián đoạn. Một trong những trường hợp đó là việc “Hoãn” thi hành án. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, do vậy khi thực hiện đòi hỏi Chấp hành viên phải bám sát các quy định của pháp luật để kịp thời tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị ban hành Quyết định hoãn thi hành án đúng pháp luật, tránh thắc mắc và khiếu kiện về sau. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, trách nhiệm bồi thường Nhà nước luôn được đặt lên hàng đầu.

Hoãn thi hành án đối với nghĩa vụ theo đơn sau khi đã thực hiện việc kê biên tài sản

Mặc dù các căn cứ để thực hiện việc hoãn thi hành án đã được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự, nhưng trong thực tiễn thực hiện cũng gặp phải nhiều vấn đề đáng để bàn. Tôi xin nêu ra một tình huống cụ thể như sau:

Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2010/DSST, ngày 03/12/2010 của Tòa án nhân dân huyện B tuyên:

“ … xử buộc vợ chồng ông Vũ Xuân V và bà Nguyễn Thị N phải trả cho vợ chồng ông Hồ Văn T và bà Phạm Thị H 300.000.000 đ tiền gốc và tiền lãi tính từ ngày 23/11/2009 đến hết ngày 22/11/2010 ( 12 tháng) là 54.000.000 đ. Tổng cộng cả gốc và lãi là 354.000.000 đ. Về án phí: vợ chồng ông Vũ Xuân V và bà Nguyễn Thị N phải chịu 17.700.000 đ án phí dân sự theo giá ngạch.”

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án nhân dân huyện B thực hiện việc chuyển Bản án, ngày 05/11/2010, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B đã ban hành Quyết định thi hành án số 75/QĐ-THA cho thi hành khoản án phí đối với vợ chồng ông V, bà N. Cùng ngày, ông Hồ Văn T, bà Phạm Thị H cũng có đơn yêu cầu gửi Chi cục Thi hành án dân sự huyện B yêu cầu tổ chức thi hành khoản buộc vợ chồng ông V, bà N phải trả cho vợ chồng ông T, bà H số tiền 354.000.000 đ. Ngày 06/11/2010, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B đã ban hành Quyết định thi hành án số 80/QĐ-THA cho thi hành khoản tiền trả nợ nói trên.

Chấp hành viên được phân công có trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định thi hành án số 75 và Quyết định thi hành án số 80 đối với người phải thi hành án là vợ chồng ông Vũ Xuân V, bà Nguyễn Thị N.

Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ việc thông báo Quyết định thi hành án, thời gian tự nguyện thi hành án cũng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Xét thấy, vợ chồng ông V, bà N có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành án. Ngày 31/8/2012, Chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất mang tên ông V, bà N để thi hành án. Ngày 07/9/2012 đã tiến hành việc kê biên theo đúng trình tự pháp luật quy định. Hết thời hạn để các bên đương sự thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá nhưng các bên không có thỏa thuận, ngày 17/9/2012, Chấp hành viên ký hợp đồng với Trung tâm tư vấn & dịch vụ tài chính thuộc Sở Tài chính tỉnh H để thực hiện việc thẩm giá quyền sử dụng đất đã kê biên.

Ngày 18/9/2012, người được thi hành án là vợ chồng ông Hồ Văn T, bà Phạm Thị H và người phải thi hành án là vợ chồng ông Vũ Xuân V, bà Nguyễn Thị N cùng đến trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện B đề nghị cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành án đối với khoản ông V, bà N phải trả cho ông T, bà H số tiền 354.000.000 đ.

Vấn đề vướng mắc nảy sinh 02 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất, Cơ quan thi hành án không chấp nhận yêu cầu hoãn thi hành án mặc dù được sự đồng ý của người được thi hành án, đồng thời không được ban hành Quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp này. Lý do, bởi vì đến thời điểm hiện tại, Chấp hành viên đã áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người phải thi hành án và đang tiến hành các thủ tục xử lý tài sản kê biên, hơn nữa, người phải thi hành án còn phải thi hành khoản tiền án phí thuộc diện thi hành án chủ động nên không thể hoãn việc thi hành án lại được.

Quan điểm thứ hai, Cơ quan thi hành án phải chấp nhận yêu cầu và ra Quyết định hoãn thi hành án theo đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.

Xuất phát từ tình huống thực tế đã nêu, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi những căn cứ như sau:

Thứ nhất, tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định:

” Điều 48. Hoãn thi hành án

  1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:
  2. b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;…”

Thứ hai, việc người được thi hành án là ông T, bà H và người phải thi hành án là ông V, bà N cùng yêu cầu cơ quan thi hành án hoãn thi hành án được coi là một dạng thỏa thuận trong thi hành án dân sự. Điều này luôn được khuyến khích và tôn trọng nếu đảm bảo đúng thủ tục và nội dung pháp luật quy định, cụ thể tại Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:

 Điều 6. Thoả thuận thi hành án

  1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.

Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.

  1. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.”

Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định:

 Điều 3. Thỏa thuận thi hành án

  1. Việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.

Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó.

Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.

  1. Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do.

Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự.

  1. Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án.

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Trường hợp thỏa thuận nêu trên được thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án.”

Như vậy, có thể thấy rằng, trong các quy định trên, việc thỏa thuận về thi hành án dân sự nói chung và thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ việc cụ thể nói riêng không bị giới hạn bởi bất cứ một giai đoạn nào trong quá trình Chấp hành viên tổ chức thi hành bản án mà chỉ bị ràng buộc bởi điều kiện về nội dung là không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội và điều kiện về hình thức là phải đảm bảo đúng các thành phần tham gia, chứng kiến việc thỏa thuận.

Quay trở lại tình huống nêu trên, nếu các đương sự cùng đến trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện B và yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến thỏa thuận giữa họ về việc hoãn thi hành án thì Chấp hành viên phải có trách nhiệm chứng kiến, ghi nhận ý kiến của họ làm cơ sở đề xuất với Thủ trưởng đơn vị ra Quyết định hoãn thi hành án. Như vậy mới đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự.

Tuy nhiên, thực hiện theo quan điểm này cũng chưa triệt để bởi vì bên cạnh nghĩa vụ trả nợ (thuộc diện thi hành án theo đơn yêu cầu), người phải thi hành án còn có nghĩa vụ thi hành khoản án phí (thuộc diện thi hành án chủ động). Nếu cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành đối với nghĩa vụ theo đơn yêu cầu và việc xử lý tài sản đã kê biên bị tạm dừng lại thì đương nhiên kéo theo việc thi hành nghĩa vụ chủ động cũng sẽ bị kéo dài thời gian do phải chờ hết thời gian hoãn thi hành án khoản theo đơn thì mới tiếp tục xử lý tài sản. Còn nếu cơ quan thi hành án vẫn ra quyết định hoãn thi hành nghĩa vụ theo đơn và tiếp tục đôn đốc thi hành nghĩa vụ chủ động thì cũng không ổn vì thực tế tài sản đã bị kê biên là để đảm bảo thi hành cả nghĩa vụ chủ động và nghĩa vụ theo đơn.

Đây là một trong số những tình huống vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật trong việc giải quyết thi hành án. Theo quan điểm của cá nhân tôi, để vận dụng có hiệu quả mà vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đối với vụ việc nêu trên, Chấp hành viên trước khi chấp nhận thỏa thuận về việc hoãn thi hành án cần giải thích rõ và động viên người phải thi hành án là ông V, bà N thi hành ngay khoản tiền án phí. Sau đó hoàn tất việc thỏa thuận và đề xuất Thủ trưởng đơn vị căn cứ điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự ban hành Quyết định hoãn thi hành án đối với khoản nghĩa vụ theo đơn.

Trên đây là một tình huống thực tiễn xảy ra tại đơn vị, xin nêu ra để các đồng chí, đồng nghiệp quan tâm cùng trao đổi để thực hiện một cách có hiệu quả nhất./.

Lương Thanh Tùng. Chi cục THADS huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”.

» Những trường hợp hoãn thi hành án dân sự