Hành vi gây cản trở việc sử dụng đất của người khác bị xử lý như thế nào?

Hành vi gây cản trở việc sử dụng đất của người khác bị xử lý như thế nào? có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức có những hành vi gây cản trở đến việc sử dụng đất của người sử dụng. Vậy việc gây cản trở việc sử dụng đất của người khác thì bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? 

Tư vấn xử lý hành vi gây cản trở việc sử dụng đất của người khác

1. Thế nào là hành vi gây cản trở việc sử dụng đất của người khác?

Theo Khoản 4 điều 3 ND 105/2009/ND-CP: “Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác là hành vi đưa vật liệu xây dựng, chất thải, chất độc hại hay các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc lên thửa đất của mình hoặc đào bới, xây tường, làm hàng rào các hành vi khác mà hành vi này gây cản trở, làm giảm khả năng sử dụng đất của người khác hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.”

Cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi sau đây thì được xem là gây cản trở việc sử dụng đất của người khác:

Cá nhân, tổ chức đưa vật liệu xây dựng, chất thải, chất độc hại hay các vật khác lên thửa đất của người khác. Người dân sử dụng đất thường hướng vào các mục đích như: để ở, canh tác nông nghiệp, chăn nuôi,… Tức, đất đai ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ. Do đó, việc đưa vật liệu xây dựng hay chất thải độc hại lên thửa đất của người khác sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất của họ.

Cá nhân, tổ chức tác động trực tiếp đến nguồn đất của chủ sử dụng đất: đào bới, xây tường, làm hàng rào. Điều này làm ảnh hướng đến tính nguyên vẹn của thửa đất. Trong một số trường hợp, nó còn làm biến dạng hình thái đất, ảnh hưởng đến giá trị của hoa lợi, lợi tức có trên đất.

Cá nhân, tổ chức vi phạm có những hành vi gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của chủ sử dụng. 

Hành vi cản trở việc sử dụng đất của người khác gây ra những hậu quả tiêu cực đối với lợi ích sử dụng đất của các cá nhân, tổ chức. 

Thứ nhất, nó ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận và cấp phép của cá nhân, tổ chức.

Thứ hai, nó gây ra những ảnh hưởng trực tiếp về quyền và nghĩa vụ của người dân, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Thứ ba, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự công cộng của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

2. Người gây cản trở việc sử dụng đất của người khác bị xử lý thế nào?

Hành vi gây cản trở việc sử dụng đất của người khác gây ra những ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề đến lợi ích của chủ sử dụng. Do đó, Nhà nước đã đưa ra quy định về mức xử lý đối với hành vi này.

Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai về hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác như sau: 

– Đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì chủ thể vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

– Đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

– Đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt  tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

– Ngoài ra, các chủ thể vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Như vậy, có thể thấy, Nhà nước đã đưa ra những quy định hết sức cụ thể và rõ ràng về mức xử phạt đối với hành vi cản trở việc sử dụng đất của người khác. Đối với từng hành vi cụ thể, đối tượng vi phạm sẽ phải đứng trước mức xử lý khác nhau. Mức phạt hành chính mà Nhà nước đưa ra dựa trên sự khảo sát, xem xét thực tiễn giữa hậu quả có thể đem đến cho người sử dụng đất và tính chất của vấn đề. 

Hiện nay, hình thức xử phạt này vẫn luôn được các cơ quan chức năng ở từng địa phương bám sát vào và đưa ra mức xử lý linh hoạt đối với từng trường hợp cụ thể. 

Những quy định về mức xử phạt mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe, hình thức xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Thông qua cách thức xử phạt này, Nhà nước thể hiện sức mạnh, quyền hạn của mình trong việc quản lý trật tự an ninh xã hội. Đồng thời, các biện pháp xử phạt này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người dân một cách tối đa nhất.

3. Thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp quyền sử dụng đất của mình

Khi được Nhà nước giao đất và cấp quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với việc người dân được toàn quyền sử dụng đất của mình, và không chủ thể nào được xâm phạm. Nói cách khác, quyền sử dụng đất là quyền của công dân được Nhà nước công nhận, không ai có quyền gây ảnh hưởng hay xâm phạm đến loại quyền này. Chính vì vậy, khi có cá nhân, tổ chức khác có hành vi cản trở việc sử dụng đất, cá nhân, tổ chức sử dụng đất có quyền tố cáo lên phía cơ quan chức năng có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thực thế, khi thấy hành vi của cá nhân, tổ chức khác cản trở hoạt động sử dụng đất của mình, chủ thể bị cản trở quyền sử dụng đất có thể gửi đơn tố cáo đến cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để giải quyết. Đây là quyền tố cáo của công dân trước việc quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm. 

– Chủ thể bị vi phạm có thể đến trực tiếp Ủy ban nhân dân xã, phường nơi có miếng đất để thực hiện tố cáo. Tuy nhiên, để cơ quan chức năng có thể nắm bắt một cách khách quan và rõ ràng tình hình, cá nhân, tổ chức bị cản trở phải nộp một bộ hồ sơ tố cáo. Hồ sơ gồm những giấy tờ cụ thể như sau:

+ Đơn tố cáo.

+ Căn cước công dân của chủ thể tố cáo.

+ Thông tin của chủ thể vi phạm (người bị tố cáo).

+ Các tài liệu, bằng chứng chứng minh về hành vi cản trở sử dụng đất;

+ Văn bản thể hiện tình trạng hiện tại của tài sản bị ảnh hưởng do hành vi lấn chiếm đất gây ra; hình ảnh minh chứng cho hiện trạng thiệt hại mà hành vi cản trở kia mang lại.

Ủy ban nhân dân xã phường nơi có miếng đất bị cản trở sẽ tiến hành thụ lý hồ sơ và đưa ra phương hướng giải quyết cho cả hai bên. Nếu có đầy đủ bằng chứng chứng minh hoạt động cản trở việc sử dụng đất của chủ thể bị tố cáo, cơ quan chức năng sẽ đưa ra biện pháp xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ thể bị cản trở việc sử dụng đất còn có thể thực hiện khởi kiện và yêu cầu Tòa án nơi có miếng.

Hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ cụ thể như sau:

+ Đơn khởi kiện.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của người khởi kiện;

+ Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện; 

+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, mức độ cản trở, thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Tòa án sẽ tiến hành thụ lý hồ sơ của công dân. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử để giải quyết vấn đề.

Từ nội dung phân tích ở trên, có rất nhiều cách thức để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị cản trở quyền sử dụng đất. Khi người dân thấy quyền và lợi ích hợp của mình bị hành vi cản trở của các đối tượng khác xâm phạm, họ hoàn toàn có quyền thực hiện các biện pháp nêu trên. Nhà nước sẽ đưa ra những biện pháp hỗ trợ kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 

» Tư vấn Tố cáo vi phạm đất đai