Tư vấn thủ tục khiếu nại, khởi kiện bồi thường giải phóng mặt bằng

Tư vấn thủ tục khiếu nại, khởi kiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá thị trường. Thủ tục thực hiện khi nhà nước thu hồi đất của người dân nhưng bồi thường lại không thỏa đáng, không đúng với giá đất thị trường thì làm như thế nào.

Luật sư tư vấn thủ tục khiếu nại, khởi kiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá thị trường

Danh mục chính:

  • 1. Đất thu hồi được hưởng chính sách bồi thường như thế nào?
  • 2. Căn cứ để xác định giá đất đền bù khi bị thu hồi
  • 3. Thủ tục khiếu nại khi không đồng ý với giá đền bù khi thu hồi đất
  • 4. Thủ tục khởi kiện ra tòa án khi không đồng ý với quyết định khiếu nại

1. Đất thu hồi được hưởng chính sách bồi thường như thế nào?

a. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
  • Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
  • Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi tiến hành thu hồi đất, người bị thu hồi cũng được bồi thường đất. người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất nếu đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng bồi thường được quy định tại điều 75 luật đất đai 2013 thì được bồi thường.

Việc bồi thường sẽ được thực hiện bằng hình thức giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

b. Trường hợp nhà nước thu hồi đất thì theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai 2013, nhà nước khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất kinh doanh, như sau:

  • Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
  • Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với trường hợp này, người sử dụng đất được thỏa thuận với chủ đầu tư dự án về giá chuyển nhượng (giá mua bán) quyền sử dụng đất.

2. Căn cứ để xác định giá đất đền bù khi bị thu hồi đất

Như đã phân tích ở trên, trong trường hợp nhà nước thu hồi đất nhưng không đền bù bằng hình thức giao đất cùng mục đích sử dụng với loại đất đã thu thì người sử dụng đất được đền bù bằng tiền. Giá trị khoản đền bù sẽ được tính theo giá đất như sau:

Giá đất cụ thể tại khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013 do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cùng với sự giúp đỡ xác định giá đất cụ thể của Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có quyền thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

Quá trình xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Căn cứ vào kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

Căn cứ theo quy định tại Điều 112, khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Điều 15 Nghị định 44/2014/NĐ-CP, giá đất cụ thể được xác định trên cơ sở các yếu tố sau:

a. Dựa trên nguyên tắc định giá đất:

  • Việc định giá đất phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đối với loại đất được định giá.
  • Định giá đất có xem xét đến thời hạn sử dụng đất đối với loại đất được định giá.
  • Phù hợp với giá đất trên thị trường. Trong đó, giá đất trên thị trường được hiểu là giá đất phổ biến trên thị trường chuyển nhượng, giao dịch bất động sản của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; giá đất thu thập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
  • Đảm bảo các thửa đất liền kề mà sử dụng vào cùng một mục đích sử dụng, có khả năng sinh lợi, tạo ra thu thập từ việc khai thác, sử dụng đất trong cùng một thời điểm sẽ có mức giá ngang nhau, không có sự chênh lệch.

b. Dựa trên các phương pháp định giá đất được quy định tại Khoản 1,2,3,4 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP.

c. Dựa trên nội dung báo cáo kết quả tổng hợp, thông tin về thửa đất trong tương quan đối chiếu với giá đất thị trường.

Giá đất cụ thể trên được lấy làm căn cứ để tính tiền đền bù khi nhà nước thực hiện việc thu hồi đất.

3. Thủ tục khiếu nại khi không đồng ý với giá đền bù khi thu hồi đất

Trường hợp không đồng ý với mức giá bồi thường, theo quy định tại Điều 204, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.

  • Cụ thể trong trường hợp này có thể khiếu nại quyết định thu hồi đất để được xem xét về giá đền bù. Trình tự, thủ tục giải quyết về khiếu nại đối với quyết định thu hồi đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
  • Khi có căn cứ cho rằng quyết định thu hồi đất với mức giá đền bù không phù hợp với giá thị trường, người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định thu hồi đất hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
  • Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại vẫn chưa được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
  • Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định mà người khiếu nại vẫn không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

4. Thủ tục khởi kiện ra tòa án khi không đồng ý với quyết định khiếu nại

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện: Người sử dụng đất nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đơn khởi kiện qua đường bưu điện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

  • Đơn khởi kiện có đầy đủ nội dung theo Điều 118 Luật Tố tụng Hành chính 2015.
  • Cam kết của người khiếu kiện không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
  • Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
  • Bản sao quyết định hành chính, quyết định luật buộc thôi việc, quyết định, giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao các quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có).
  • Cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giải quyết việc hành chính, hồ sơ xét kỷ luật mà căn cứ vào đó để đưa ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, hoặc thực hiện hành vi hành chính,…
  • Giấy ủy quyền tham gia tố tụng (nếu có).
  • Bản sao hộ khẩu, giấy chứng minh thư nhân dân (có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
  • Bản thống kê danh mục các tài liệu (ghi rõ bản chính, bản sao).

Xem: Mẫu đơn khởi kiện quyết định thu hồi đất

Bước 2: Xem xét thụ lý đơn: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu kiện, Chánh án Tòa án xem xét đơn khởi kiện để quyết định có thụ lý vụ án hay không phân công một Thẩm phán trực tiếp xét xử. Thẩm phán sẽ dựa trên các tài liệu, chứng cứ được các bên cung cấp hoặc tài liệu, chứng cứ tự mình thu thập được để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Bước 3: Phiên tòa hành chính sơ thẩm

Người khởi kiện, đại diện, luật sư của người khởi kiện tham gia phiên tòa sơ thẩm.

» Luật sư tranh tụng đất đai tại Tòa án

» Luật sư tư vấn luật đất đai

Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về Thủ tục khởi kiện hưởng tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường. Trường hợp quý bạn đọc có thắc mắc về nội dung trên và cần chúng tôi tư vấn, hỗ trợ của luật sư khởi kiện liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, vui lòng liên hệ: