Hàng xóm lấn đất đã làm nhà đòi lại như thế nào?

Hàng xóm lấn đất đã làm nhà đòi lại như thế nào? Pháp luật đất đai nghiêm cấm hành vi lấn đất, chiếm đất. Đây là hành vi xảy ra thường xuyên và đặc biệt phổ biến ở những người sống cạnh nhau. Nếu bạn đang trong trường hợp đất nhà của mình bị hàng xóm lấn đất đã làm nhà, hành vi lấn đất xây để xây nhà của hàng xóm đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bạn nhưng bạn không biết phải làm thế nào để đòi lại đất thuộc quyền sở hữu của mình.

Quy định pháp luật về việc xây nhà trên phần đất lấn chiếm người khác

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật Đất Đai 2013 thì lấn, chiếm đất đai là hành vi bị nghiêm cấm.

Định nghĩa về hành vi lấn, chiếm đất đai

Theo Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định về hành vi lấn, chiếm đất như sau:

Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự dịch chuyển mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không có sự cho phép của một trong hai chủ thể:

  • cơ quan quản lý nhà nước về đất đai;
  • người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó.

Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp:

  • Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
  • Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
  • Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
  • Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định như trên, việc xây nhà trên phần đất lấn chiếm của người khác là hành vi vi phạm và bị xử lý theo quy định pháp luật.

Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai

Theo Điều 206 Luật Đất đai 2013, người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

  • Cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý hành chính hành vi lấn, chiếm đất theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP
  • Cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự đối với hành vi lấn chiếm đất đai Điều 228 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Các phương thức xử lý khi hàng xóm lấn đất xây dựng nhà

Hòa giải

Là thủ tục bắt buộc đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

  • Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở: các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, biện pháp khắc phục…
  • Nếu các bên tranh chấp đất đai không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có tranh chấp đất đai để hòa giải: Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức hòa giải. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất tại Ủy ban nhân dân xã được thực hiện không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải được lập thành văn bản và có chữ ký của các bên và xác nhận của UBND cấp xã.
  • Nếu hòa giải thành thì hai bên làm theo biên bản hòa giải thành.

Yêu cầu/Khởi kiện giải quyết tranh chấp

Nếu tranh chấp đất đai hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì nộp đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 204 Luật đất đai, cụ thể:

  • Trường hợp tranh chấp đất mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật Đất đai: nộp đơn khởi kiện đến TAND giải quyết;
  • Trường hợp tranh chấp đất mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật Đất đai thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức:
  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND có thẩm quyền: tranh chấp giữa hộ gia đình cá nhân do UBND cấp huyện giải quyết;
  • Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự: TAND cấp huyện theo Điều 26, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sư 2015.

» Đòi lại đất đã bán chưa sang tên sổ đỏ

» Các chứng cứ cần có trong vụ án tranh chấp đất đai