Được làm gì khi hàng xóm xây nhà? Khi hàng xóm xây dựng nhà ở rất dễ ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ gia đình xung quanh như: Ảnh hưởng đến nhà bên cạnh, tập kết vật liệu xây dựng trên ngõ đi chung, gây khó khăn cho việc đi lại, gây tiếng ồn… là khó tránh khỏi. Vì thế, pháp luật cho phép họ có một số quyền khi hàng xóm xây nhà.
Do vậy, cần có những ứng xử phù hợp, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng, vì ai cần được xây nhà mới để cải thiện chất lượng cuộc sống. mỗi chúng ta đều vinh dự khi có được khu xóm, khu phố đẹp, chất lượng cuộc sống cao, văn minh vì thế các cụ ta có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Mục lục bài viết
Tư vấn được làm gì khi hàng xóm xây nhà?
Khi hàng xóm xây nhà, theo quy định của pháp luật, bạn sẽ có những quyền lợi sau đây:
1. Buộc hàng xóm che chắn công trình xây dựng
Theo Luật Xây dựng 2014, trong quá trình thi công xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tiếng ồn…
Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định, nếu thi công xây dựng công trình là nhà ở riêng lẻ mà không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Vì thế, nếu hàng xóm không che chắn khi xây nhà làm bẩn sang nhà bạn hoặc lối đi chung, bạn có quyền yêu cầu khắc phục ngay vấn đề này. Nếu họ vẫn không thực hiện, bạn có thể gửi đơn phản ánh đến Ủy ban nhân dân cấp xã để được giải quyết.
2. Đề nghị ngừng thi công khi có dấu hiệu ảnh hưởng đến chất lượng nhà bên cạnh
Theo Nghị định 06/2021, hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh.
Theo Nghị định 16/2022, các hành vi gây mất an toàn cho công trình lân cận có thể kể tới như: gây nứt, lún, hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật; gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận,… Hành vi này có thể bị phạt rất nặng.
Vì thế, khi hàng xóm thi công dẫn đến nhà bạn có dấu hiệu nứt, lún, có nguy cơ đổ, sập thì có quyền yêu cầu hàng xóm ngừng thi công.
Theo Nghị định 16, việc thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác bị phạt như sau:
– Từ 30 – 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
– Từ 50 – 60 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
– Từ 80 – 100 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
3. Yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại
Theo Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015, khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Ngoài ra, Bộ luật này cũng quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Như vậy, nếu nhà bạn hư hỏng, sụt lún, nứt tường… do hàng xóm xây nhà, bạn có quyền yêu cầu chủ sở hữu công trình đang xây dựng phải bồi thường. Nếu người thi công xây dựng cũng có lỗi thì phải liên đới bồi thường.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 Bộ luật Dân sự quy định như sau:
– Thiệt hại phải là thiệt hại thực tế, không phải thiệt hại ước tính hay thiệt hại trong tương lai. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Người phải bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Nếu mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;
– Nếu bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Lưu ý rằng, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về bên yêu cầu bồi thường, bạn phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc thiệt hại của mình.
» Biên bản cam kết bảo đảm an toàn cho hộ liền kề khi xây dựng