Đòi lại sổ đỏ do người khác giữ như thế nào?

Đòi lại sổ đỏ do người khác giữ như thế nào, có được không? Sổ đỏ bị người khác lấy, cầm, giữ thì có thể khởi kiện để đòi lại hay không? Hiện nay, nhiều trường hợp bị người khác cầm, giữ vì không có lý do chính đáng hoặc việc nhận được sổ đỏ thông qua các giao dịch không đúng với các quy định của pháp luật, dẫn đến việc cản trở các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị cầm, giữ sổ đỏ. Có đòi lại được không?

Tư vấn đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người khác lấy, cầm, giữ

Sự việc người khác cầm sổ đỏ của mình diễn ra trên thực tế làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người có đất. 

1. Sổ đỏ chỉ được xem là một chứng thư pháp lý

Tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Xét về tính chất thì sổ đỏ có thể được xem là một loại giấy tờ có giá. 

Căn cứ khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định:

“Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.”

Giấy tờ có giá, tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 Tòa án nhân dân tối cao giải thích giấy tờ có giá bao gồm các loại giấy tờ sau:

– Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

– Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

– Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;

– Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);

– Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”.

Cũng tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: 

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Từ các căn cứ trên thì sổ đỏ không được xem là một loại giấy tờ có giá mà sổ đỏ chỉ được xem là một chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Do đó, sổ đỏ không phải là một loại tài sản. 

2. Người khác được cầm cố sổ đỏ không?

Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”

Căn cứ theo quy định trên thì người sử dụng đất không có quyền cầm cố quyền sử dụng đất vì người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu. 

Tại Điều 166, khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ người sử dụng đất không có quyền cầm cố mà chỉ có các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất,…

Bên cạnh đó, như đã chứng minh ở trên thì Giấy chứng nhận không phải là tài sản, khi không phải là tài sản thì không được sử dụng để làm tài sản bảo đảm.

Như vậy, sổ đỏ không được cầm cố, nếu người khác giữ và không trả sổ đỏ sẽ không có quyền cầm cố thế chấp.

3. Có thể khởi kiện đòi sổ đỏ bị người khác lấy mất được hay không?

Sổ đỏ không phải là một loại tài sản tuy nhiên, sổ đỏ được xem là một chứng thư pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp, vì thế nếu chủ sở hữu sổ đỏ bị chiếm giữ sổ đỏ thì có thể sẽ bị ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất, quyền dân sự của bản thân có thể dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu (nhất là trong các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất).

Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.” 

Về Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”

Về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền, tại khoản 1 Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài.

Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án…”

Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại…”

Từ những căn cứ trên, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết đối với tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

4. Người khởi kiện sẽ nộp đơn tại đâu?

Theo Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền thụ lý và giải quyết (Nếu đương sự ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết).

5. Cách để đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trong trường hợp có tranh chấp đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có hai hướng giải quyết như sau:

Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có liên quan đến nghĩa vụ dân sự của chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất:

Trường hợp mất Giấy chứng nhận và bạn có thể đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất.

Theo quy định tại (Điều 77 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014) thì hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo về việc bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

Sau 30 ngày tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm: kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sử dụng đất.

Như vậy, bạn sẽ có thể làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong trường hợp bị mất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với Giấy chứng nhận có liên quan đến nghĩa vụ dân sự của chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất:

Tòa án giải quyết buộc các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trong đó có nghĩa vụ trả lại Giấy chứng nhận.

Trong bản án của Tòa án cần tuyên rõ, khi bản án có hiệu lực pháp luật, chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản đã thực hiện nghĩa vụ của mình mà bên giữ Giấy chứng nhận vẫn không trả lại Giấy chứng nhận thì chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất có quyền đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cấp Giấy chứng nhận mới và hủy bỏ Giấy chứng nhận đang bị chiếm giữ. 

» Quyền tài sản không phải là tài sản