Đổi Giấy phép lái xe bị sai họ tên, năm sinh, địa chỉ

Đổi Giấy phép lái xe bị sai họ tên, năm sinh, địa chỉ như thế nào? GPLX khi cấp bị sai thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ so với thông tin ghi trên CMND hoặc CCCD được cấp. 

Tư vấn đổi Giấy phép lái xe bị sai họ tên, năm sinh, địa chỉ

1. Có bắt buộc đổi lại Giấy phép lái xe bị sai họ tên, năm sinh, địa chỉ? Có bị phạt không?

Vậy khi xảy ra các trường hợp như trên thì có buộc phải đổi GPLX không?

– Khoản 4 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định: Năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên giấy phép lái xe sai lệch với chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) thì cơ quan quản lý Giấy phép lái xe làm thủ tục đổi Giấy phép lái xe mới phù hợp với thông tin ghi trên CMND hoặc CCCD.

Như vậy pháp luật không bắt buộc trường hợp GPLX bị sai lệch họ tên, năm sinh phải đổi lại. Tuy nhiên, để thuận tiện trong quá trình sử dụng (ví dụ khi bị CSGT kiểm tra, lập biên bản vi phạm hoặc khi cần tra cứu thông tin GPLX), thì cá nhân có bằng nên đổi lại GPLX để có thông tin phù hợp, thống nhất với CMND/CCCD.

– Trường hợp thông tin trên Giấy phép lái xe bị sai lệch về địa chỉ nơi cư trú (bị sai hay do thay đổi) thì cũng không cần thiết phải xin cấp lại giấy phép lái xe vì do luật không quy định. Tuy nhiên có thể đổi lại GPLX cho thống nhất với CCCD/CMND cũng được.

– Khi có lực lượng chức năng kiểm tra mà giấy phép lái xe bị sai thông tin về ngày sinh, năm sinh, địa chỉ hay họ tên thì cũng không bị sao cả, không bị xử phạt vì đây chỉ là thủ tục hành chính, không phải là lỗi vi phạm. 

– Các thông tin khác ghi trên GPLX (Số GPLX, loại bằng, hạn sử dụng, ngày cấp) nếu lực lượng chức năng khi kiểm tra GPLX của bạn và tiến hành tra cứu không có thông tin trên hệ thống thì buộc bạn phải cầm hồ sơ thi GPLX gốc đến sở GTVT để họ kiểm tra và cập nhật thông tin vào hệ thống (áp dụng cả GPLX bằng giấy bìa và thẻ nhựa PET). 

2. Đổi giấy phép lái xe khi điều chỉnh họ tên, năm sinh ở đâu

– Nếu gởi trực tiếp thì người đổi giấy phép lái xe nộp hồ sơ tại một trong những địa điểm sau:
  • Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp GPLX;
  • Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Tp thuộc Trung ương nơi đã cấp GPLX;
  • Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
– Nếu kê khai nộp hồ sơ trực tuyến thì truy cập vào trang web “Dịch vụ công đổi giấy phép lái xe” của Tổng Cục đường bộ Việt Nam để làm thủ tục. 

Chi tiết cách nộp hồ sơ trực tuyến:

https://dichvucong.gplx.gov.vn/faces/registration/home.xhtml

(Đây là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, cho phép người đổi bằng điền và gửi trực tuyến các mẫu đến sở GTVT. Sau đó đến tại sở GTVT để nhận bằng và thanh toán lệ phí). 

3. Thủ tục đổi bằng xe ô tô, mô tô bị sai thông tin

1. Người cần đổi GPLX đến trực tiếp địa điểm nêu trên, nộp hồ sơ gồm:

– Giấy chứng nhận sức khỏe do Bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám Đa khoa có đủ điều kiện cấp, thời gian khám sức khỏe trong vòng 6 tháng trở lại (nếu bằng A1, A2, A3 thì khỏi cần);
– Xuất trình bản chính Giấy phép lái xe, CMND/CCCD dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND, CCCD;
– Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu (ghi thông tin và ký tại chỗ, không cần xác nhận).

2. Sau khi nộp hồ sơ, người đổi bằng được chụp ảnh tại chỗ và thu lại giấy phép lái xe cũ để cắt góc và giao lại tự bảo quản.

Lưu ý: Người đổi bằng phải đi trực tiếp để chụp ảnh nên không ủy quyền cho người khác đi thay được

3. Thời gian đổi GPLX: không quá 05 ngày làm việc (không tính thứ 7, CN). Nếu không được thì nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc thông báo bằng văn bản hoặc qua mail, điện thoại (nếu nộp hồ sơ qua mạng) 

4. Đúng ngày hẹn, đến xuất trình giấy hẹn và CCCD/CMND rồi nhận GPLX mới.

5. Nếu đăng ký đổi GPLX trực tuyến thì sau khi nộp hồ sơ, Cổng dịch vụ sẽ hẹn ngày đến trực tiếp địa điểm đã đăng ký để chụp hình, đóng lệ phí (nếu chưa đóng) và nhận bằng.

4. Đổi bằng lái bị sai thông tin mất bao nhiêu tiền?

– Lệ phí đổi lại Giấy phép lái xe là 135.000 đồng. (Thông tư 188/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bằng lái).

– Nếu đổi bằng lái xe ô tô thì tốn thêm lệ phí khám sức khỏe đối với người lái xe (bao gồm xét nghiệm ma túy): 360.000 đồng/người (quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BYT về mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh).