Điểm chỉ có phải quy định bắt buộc khi công chứng không?

Điểm chỉ có phải quy định bắt buộc khi công chứng không? Khi đi công chứng ký giấy tờ thường kèm lăn tay (điểm chỉ) vào hợp đồng, giấy tờ. Vậy quy định này bắt buộc không?
Theo quy định hiện hành, điểm chỉ vào văn bản công chứng không phải là quy định bắt buộc, cụ thể điểm chỉ trong công chứng được thực hiện với một trong hai trường hợp sau:

1. Điểm chỉ thay thế việc ký:
Theo khoản 2 Điều 48 Luật Công chứng 2014 như sau:

“Điều 48. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
……..
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.
Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.”

2. Điểm chỉ thực hiện đồng thời với việc ký:
Ngoài ra, còn có một quy định khác tại khoản 3 Điều 48 như sau:

“Điều 48. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
……..
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:

a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.”

Như vậy, điểm chỉ không phải là một trường hợp bắt buộc nhưng vẫn thường xuyên được nhiều Văn phòng công chứng đặt ra để tránh tranh chấp sau này. Bởi vì bây giờ đến sổ đỏ, giấy tờ đều có thể làm giả nhưng dấu vân tay là không thể nào làm giả được. Mặt khác, theo nghiên cứu, không ai có dấu vân tay trùng nhau nên việc điểm chỉ sẽ xác thực được chủ thể tham gia giao dịch chuẩn xác nhất.

» Hủy bỏ hợp đồng công chứng có được không?

» Luật sư tư vấn thừa kế