Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản suất kinh doanh, nhiều người dùng lý do dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng để phá vỡ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng không?
1. Sự kiện bất khả kháng là gì?
* Tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng được định nghĩa như sau:
“Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;”
Về điều kiện bất khả kháng:
Một sự kiện được coi là bất khả kháng hoặc là trở ngại khách quan nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
– Xảy ra khách quan: Là sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của con người như thiên tai, động đất, sóng thần, dịch bệnh, chiến tranh…
– Không thể lường trước được: Là sự kiện mà các bên tại thời điểm thực hiện thỏa thuận hoặc trong quá trình thực hiện thỏa thuận không lường trước được hậu quả xảy ra;
– Không thể khắc phục: Là sự kiện mặc dù đã được áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được những hậu quả do sự kiện khách quan hoặc do sự việc không lường trước được gây ra.
* Căn cứ vào khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015
“Điều 351. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
2. Covid-19 có được cho là sự kiện bất khả kháng không?
– Ngày 29/01/2020, tại Quyết định 219/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rut Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo đó, các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Theo tình hình hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có mức độ lây lan nhanh, thuộc trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Đồng thời, dịch bệnh này đã được Thủ tướng công bố tại Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020 về việc công bố dịch COVID-19. Quyết định này thay thế Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra và hiện chưa có thông báo hết dịch.
Như hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nước ta như:
– Dừng các hoạt động du lịch, kinh doanh, xuất khẩu…
– Cách ly người dân dẫn đến việc người lao động nghỉ làm, học sinh, sinh viên nghỉ học, thầy cô giáo nghỉ dạy học…
Có thể thấy, những ảnh hưởng đến các hoạt động này là không thể khắc phục được.
Tóm lại, xét về mặt pháp lý, dịch bệnh Covid 19 là sự kiện khách quan, không thể lường trước. Nếu những hậu quả xảy ra dù trước đó đã dùng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể khắc phục được thì hoàn toàn có thể coi dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, dù không phải bồi thường thiệt hại nếu vì sự kiện bất khả kháng nhưng không vì thể mà có thể lợi dụng dịch bệnh để không phải bồi thường thiệt hại. Nếu muốn không phải bồi thường thì bên gây thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh bản thân đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể giải quyết cũng như phải báo cho bên bị thiệt hại biết trước.
Khi có sự kiện bất khả kháng thì các bên cần có thể căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ thiệt hại, lỗi của các bên cũng như nỗ lực khắc phục hậu quả của các bên hoặc thỏa thuận khác để xem xét và đưa ra mức bồi thường phù hợp.