Chủ thể của tội phạm và năng lực chịu trách nhiệm hình sự

Chủ thể của tội phạm và năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Thưa luật sư cho tôi hỏi chủ thể của tội phạm là gì, gồm những chủ thể nào? tại sao phải quy định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của các chủ thể khác nhau?

1. Quy định về chủ thể của tội phạm và trách nhiệm hình sự

Theo Bộ Luật hình sự 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi 2017), tại Điều 8 quy định về khái niệm tội phạm như sau:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Từ quy định trên có thể thấy, chủ thể của tội phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại.

1.1. Chủ thể của tội phạm là cá nhân

Trường hợp này, chủ thể là cá nhân phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Đối với một số tội phạm pháp luật có yêu cầu chủ thể là cá nhân phải có thêm các dấu hiệu khác như chủ thể có chức vụ, quyền hạn, là chủ thể xác định như điều tra viên, kiểm sát viên,… gọi là chủ thể đặc biệt.

+ Thứ nhất, về năng lực trách nhiệm hình sự: được hiểu là khả năng nhận thức của cá nhân về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và khả năng điều khiển hành vi đó, tức họ có sự lựa chọn thực hiện hay không thực hành vi nguy hiểm cho xã hội đó. Người có năng lực trách nhiệm hình sự trước hết phải đạt tới một độ tuổi nhất định để đảm bảo rằng cá nhân đó có khả năng nhận thức đầy đủ về tính chất pháp lý của hành vi mà mình gây ra và có đủ khả năng điều khiển được hành vi đó.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân được chia thành hai trường hợp, tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

Như vậy, có thể hiểu đơn giản là độ tuổi để bị truy cứu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi, trong đó, từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng qu định tại các điều trên. khi đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, cá nhân được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự khi không mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi. Mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì một người chỉ bị coi là bị mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên người đó bị mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, trên thực tế, khi áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không cần phải xác định từng trường hợp người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự hay không mà chỉ phải xác định độ tuổi xem cá nhân đó có đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không; trường hợp có căn cứ để nghi ngờ cá nhân đó có dấu hiệu thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ tổ chức để kiểm tra xem cá nhân đó có năng lực trách nhiệm hình sự hay không.

Thứ hai, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: theo quy định tại Điều 21, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đối với trường hợp này, người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, trường hợp trách nhiệm hình sự do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Tại Điều 13 quy định như sau: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong trường này, người sử dụng rượu, bia vẫn được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự, vì bản chất của quy định này được hiểu là người sử dụng rượu, bia có quyền lựa chọn việc sử dụng hay không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích mạnh khác và người sử dụng những chất kích tích này có nghĩa vụ phải biết rằng việc sử dụng các chất kích thích này có thể làm cho họ rơi vào tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi dẫn đến phạm tội. Do đó xét cho cùng thì việc họ bị mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi khi sử dụng chất kích thích dẫn đến phạm tội là do ý chí chủ quan của người đó, nên trường hợp này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Ngoài ra việc sử dụng chất kích thích để phạm tội trong một số trường hợp sẽ được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

1.2. Chủ thể là pháp nhân thương mại:

Đây là một quy định mới của Bộ luật hình sự khi ghi nhận pháp nhân cũng là một chủ thể của tội phạm. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lượi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Đây là chủ thể đặc biệt, theo quy định của Bộ luật hình sự, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 75 như sau:

+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

+ Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

Mặt khác, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội nhất định được quy định cụ thể tại Điều 76 Bộ luật hình sự.

» Xác định chủ thể tranh chấp, cấu thành hành vi

» Luật sư bào chữa hình sự