Cho thuê nhà ở có bắt buộc phải đăng ký kinh doanh không? Kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở hay cho thuê trọ là hình thức kinh doanh phổ biến tại các thành phố lớn nơi có nhiều người đổ về học tập và làm việc ngắn hạn. Vậy, kinh doanh cho thuê nhà có phải đăng ký kinh doanh?
Mục lục bài viết
-
Tư vấn cho thuê nhà ở có bắt buộc phải đăng ký kinh doanh không?
- 1. Kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở có phải đăng ký kinh doanh?
- 2. Chủ nhà cần lưu ý gì trong hợp đồng cho thuê nhà ở?
- 3. Quy định về thời hạn thuê và giá thuê nhà ở
- 4. Trường hợp nào hợp đồng thuê nhà ở bị chấm dứt?
- 5. Xử phạt vì hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Tư vấn cho thuê nhà ở có bắt buộc phải đăng ký kinh doanh không?
1. Kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở có phải đăng ký kinh doanh?
Theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh.
Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
– Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.
– Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
– Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
– Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
– Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
– Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Căn cứ quy định trên thì không có quy định kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà ở, trọ, do vậy bắt buộc người kinh doanh cho thuê nhà phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Chủ nhà có thể đăng ký theo hình thức hộ gia đình nếu là kinh doanh nhỏ lẻ, số lượng thuê ít hoặc các loại hình kinh doanh khác theo hiện hành.
2. Chủ nhà cần lưu ý gì trong hợp đồng cho thuê nhà ở?
Căn cứ Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định cụ thể hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
– Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
– Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
– Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
– Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
– Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Cam kết của các bên;
– Các thỏa thuận khác;
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
– Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
– Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
3. Quy định về thời hạn thuê và giá thuê nhà ở
Thời hạn thuê và giá thuê nhà ở được quy định cụ thể tại Điều 129 Luật Nhà ở 2014, theo đó:
– Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
– Trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở.
– Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.
– Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình thuê và cho thuê nhà ở.
4. Trường hợp nào hợp đồng thuê nhà ở bị chấm dứt?
Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:
– Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;
– Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
– Nhà ở cho thuê không còn;
– Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;
– Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.
Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 Luật Nhà ở 2014.
Như vậy, chủ nhà ở, nhà trọ bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ gia kinh doanh hoặc các loại hình kinh doanh khác nếu có quy mô lớn. Trường hợp không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt.
5. Xử phạt vì hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Quy định tại khoản 7, Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi 185/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính sản xuất buôn bán hàng giả cấm
“7. Sửa đổi Điều 6 như sau:
“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”