Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của họ. Vì vậy, trước khi chết họ có quyền định đoạt tài sản của mình cho ai theo ý chí của họ được thể hiện trong di chúc đã lập.
Bộ luật dân sự 2005 đã quy định các quyền của người lập di chúc tại Điều 648 như sau:
“Người lập di chúc có các quyền sau:
– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”’
Theo đó, các quyền của người lập di chúc bao gồm:
Thứ nhất, quyền chỉ định người thừa kế. Pháp luật Việt Nam cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế là bất kỳ người nào, kể cả cơ quan tổ chức làm người thừa kế để hưởng di sản theo di chúc của mình trên cơ sở tự tự nguyện của người lập di chúc..
Thứ hai, quyền truất quyền hưởng di sản. Người lập di chúc có quyền phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế nào đó (nếu muốn). Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi chính đáng và thiết yếu của một số người thừa kế theo pháp luật, Bộ luật Dân sự đã hạn chế việc truất quyền của người lập di chúc trong một số trường hợp.
Thứ ba, quyền phân định di sản cho từng người thừa kế. Người lập di chúc có quyền phân chia một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc hưởng di sản là vật gì, việc phân chia di sản theo di chúc được tiến hành cho phù hợp với ý nguyện của người để lại di sản.
Thứ tư, quyền giao nghĩa vụ cho từng người thừa kế. Theo sự chỉ định trong di chúc, người thừa kế phải thực hiện một công việc vì lợi ích vật chất của người khác mà đáng lẽ khi còn sống người để lại di sản phải thực hiện như việc trả nợ, bồi thường thiệt hại… Tuy nhiên, người thừa kế không phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân của người để lại di sản.
Thứ năm, quyền giành một phần di sản để di tặng. người lập di chúc có quyền tặng cho người khác tài sản của mình mà không cần thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các chủ nợ của người chết, pháp luật nước ta quy định: “Trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.”(khoản 2, Điều 671 BLDS 2005).
Thứ sáu, quyền để lại di sản vào việc thờ cúng. Người lập di chúc có quyền dành một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng và cũng không cần quy định cụ thể “phần” đó là tỉ lệ bao nhiêu so với giá trị khối tài sản.
Thứ bảy, quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc. Nếu người lập di chúc có sự thay đổi ý chí thì việc định đoạt trong di chúc sẽ bị thay đổi. Sự thay đổi đó xảy ra khi người lập di chúc thực hiện việc sửa đổi, hủy bỏ di chúc hoặc bổ sung di chúc và di chúc đã lập mâu thuẫn với phần bổ sung.
Thứ tám, quyền thay thế di chúc. Người lập di chúc có quyền thay thế di chúc đã lập. Khi người lập di chúc đã thay thế di chúc thì những di chúc trước hoàn toàn không còn hiệu lực pháp luật.
Thứ chín, quyền chỉ định người giữ di chúc, giữ di sản, phân chia di sản. Để đảm bảo ý nguyện của mình không bị người khác xâm hại, để tránh việc thất lạc hư hỏng di chúc, người lập di chúc có thể gửi lại di chúc ở công chứng nhà nước hoặc gửi bất kỳ người nào mà mình tin tưởng giữ bản di chúc, giữ di sản và phân chia di sản.