Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân thuộc thành phần hồ sơ khi người dân thực hiện đăng ký thường trú trong một số trường hợp. Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:
Các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh có quan hệ nhân thân
1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm:
– Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
– Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm:
– Giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột, cháu ruột: Giấy khai sinh, xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về mối quan hệ nhân thân;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh không còn cha, mẹ: Giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết, xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;
– Giấy tờ chứng minh người cao tuổi: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu; sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh;
– Giấy tờ chứng minh người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi: Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú;
– Giấy tờ chứng minh người chưa thành niên gồm: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh.
Lưu ý: Trường hợp thông tin chứng minh quan hệ nhân thân của công dân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân.
Điều kiện đăng ký thường trú tại điểm a, b , c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú được quy định như sau:
“2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.”