Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm được quy định trong Hiến pháp 2013.
Tư vấn bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.”
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác
Theo quy định tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
– Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm:
Chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
– Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
+ Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm.
+ Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…
+ Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.