Bị bắt 1 tép ma túy, phạt tù bao nhiêu năm? Chồng em bị bắt ở nhà khám trong người có một tép ma túy. Cho tôi hỏi là chồng tôi có được thả không, thời gian này tôi có được vào thăm không? Nếu phạt tù thì bao nhiêu năm?
– Bị bắt 1 tép ma túy bị phạt tù bao nhiêu năm?
– Cơ sở pháp lý
Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
1. Tư vấn về mức phạt tù khi bị phát hiện có 01 tép ma túy
Theo thông tin trên, hành vi của chồng bạn có dấu hiệu của tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Căn cứ Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội tàng trữ trái phép chất ma túy như sau:
“Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;…”
Như vậy, theo quy định trên và thông tin bạn nêu, chồng bạn bị công an kiểm tra và phát hiện một tép nhỏ ma túy trong người nhưng không có thông tin về loại ma túy và khối lượng ma túy là bao nhiêu nên chưa có đủ cơ sở để kết luận anh bạn có phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy hay không nên sẽ chia ra 02 trường hợp như sau:
Trường hợp thứ 1:
Số lượng ma túy thu giữ được thuộc các chất Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA:
– Có khối lượng lớn hơn 0,1 gam;
– Khối lượng nhỏ hơn 0,1 gam nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội: Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích.
Trường hợp này chồng bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt tù từ 01 đến 05 năm.
Trường hợp thứ 2:
Số lượng ma túy thu giữ được thuộc các chất Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA
– Có khối lượng nhỏ hơn 0,1 gam đồng thời chồng bạn chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc một trong các tội: Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy chưa được xóa án tích.
Trường hợp này, chồng bạn sẽ không bị khởi tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy mà sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.
2. Biện pháp ngăn chặn của cơ quan tố tụng
– Sau khi thu giữ số ma túy trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra xác minh và giám định số ma túy trên nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ hủy bỏ quyết định tạm giữ và thả chồng bạn. Đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính.
– Trường hợp khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của chồng bạn.
3. Thăm gặp người bị tạm giữ, tạm giam
Trong thời gian tạm giữ, tạm giam, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015:
“Điều 22. Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.”
Như vậy, thân nhân của chồng bạn có quyền được thăm gặp chồng bạn trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam.