Bài bào chữa về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Bài bào chữa về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Là Luật sư đảm nhận bào chữa cho bị cáo LMH, nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP. HCM, bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự, chúng tôi xin có ý kiến như sau:
Xuất phát từ những là đơn khiếu nại của khách hàng tiêu thụ điện và một số bài báo về chất lượng kém (chạy quá nhanh) của điện kế điện tử 1 pha LTE66 và 1 số dấu hiệu vi phạm trong việc đấu thầu mua sắm điện kế điện tử của Công ty Điện lực TP. HCM, ngày 18-8-2005 cơ quan CSĐT-Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự và đã khởi tố bị can để tiến hành điều tra.
Do tính chất phức tạp của vụ án, có nhiều quan điểm đánh giá và xử lý khác nhau, VKSND tối cao đã 2 lần trả hồ sơ và Tòa án nhân dân TP. HCM cũng đã 1 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vì vậy mà vụ án kéo dài đến nay đúng 3 năm 9 tháng mới đưa ra xét xử sơ thẩm! Chúng tôi hy vọng rằng lời bào chữa của các luật sư tại phiên tòa sơ thẩm này sẽ góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, nhằm giúp Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đưa ra phán quyết công minh, thấu tình đạt lý.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Hai dấu hiệu bắt buộc của tội danh “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà Nước gây hậu quả nghiêm trọng” là:
1-Có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế.
2-Có hậu quả nghiêm trọng thực tế đã xảy ra từ hành vi cố ý làm trái nói trên. Tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cố ý làm trái và hậu quả thiệt hại đã xảy ra.
Vì vậy, vấn đề ở đây là cần làm sáng tỏ:
– Bị cáo có hành vi cố ý làm trái hay không? Tổng Cty Điện lực VN và các cơ quan chức năng có biết không?
– Từ hành vi của Bị cáo có hậu quả nghiêm trọng xảy ra hay không?
– Hậu quả xảy ra như kết luận giám định của Hội đồng giám định tư pháp Bộ công thương có phải do bị cáo Hoàng và các bị cáo là cán bộ Cty Điện lực TP. HCM gây ra hay không? Ai là người phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả này?
– Xét về mặt hiệu quả nếu không xảy ra vụ án thì việc triển khai sử dụng Điện kế Điện tử đã mang lại lợi ích gì?
I- Bị cáo Hoàng có cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước trong việc đấu thầu và mua sắm 312.000 điện kế điện tử như cáo trạng quy kết hay không?
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo LM Hoàng đều khai nhận bị cáo chỉ thiếu trách nhiệm, do khối lượng công việc quá lớn, lại đa đoan kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên đã không thể quán xuyến và làm tròn trách nhiệm được giao. Về nhận thức chủ quan, bị cáo có sai lầm là đã hiểu và vận dụng không đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu và phân cấp quản lý của Công ty, xuất phát từ động cơ, mục đích là nôn nóng triển khai thực hiện công nghệ mới, hiện đại lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam theo chủ trương của Tổng công ty. Bị cáo hoàn toàn không có ý thức cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà Nước. Chúng tôi cho rằng lời khai nhận này là xuất phát tự đáy lòng của bị cáo và hoàn toàn có căn cứ, thể hiện bằng các chứng cứ sau đây:
1/- Về việc đấu thầu 10.000 ĐKĐT với giá 580.000 đ/chiếc:
a/ Về việc đấu thầu 10.000 chiếc thay vì 40.000 chiếc theo kế hoạch được duyệt: Quyết định số 2186EVN/HĐQT-TCCB &ĐT ngày 12-9-2001 của Tổng Công ty đã phân cấp đối với các gói thầu giá trị dưới 15 tỷ đồng, Công ty Điện lực TP. HCM được quyết định việc mua sắm từ khâu lập hồ sơ mời thầu đến ký và thực hiện hợp đồng theo kế hoạch đấu thầu được Tổng Cty Điện lực VN phê duyệt; đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. Ngày 01-2-2005, Hội đồng quản trị Tổng Cty Điện lực VN đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-EVN-HĐQT, trong đó đã phân cấp cho các Cty Điện lực chịu trách nhiệm toàn bộ đối với các gói thầu từ 30 tỷ đồng trở xuống, trong đó bao gồm cả việc duyệt kế hoạch đấu thầu. Gói thầu 40.000 ĐK ĐT có giá trị nhỏ hơn 15 tỷ đồng. Vì vậy theo phân cấp, quá trình mua sắm là do Cty Điện lực TP. HCM đảm nhận, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện. (BL9204, văn bản ngày 28-02-2006 của ông Trần Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN gởi cho cơ quan CS ĐT-Bộ Công an).
– Trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, các Cty Điện lực được giao quyền và chịu trách nhiệm việc xác định các vật tư, thiết bị và công trình cần đưa vào sửa chữa, phê duyệt phương án kỹ thuật, bóc tách và tổng hợp toàn bộ vật tư thiết bị lẻ cần mua để phục vụ sửa chữa. Tổng Cty chỉ phê duyệt kế hoạch đấu thầu; các bước tiếp theo từ lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, xét thầu, ký kêt hợp đồng, Cty Điện lực được quyền quyết định đối với các gói thầu dưới 15 tỷ đồng. Số lượng 40.000 chiếc Đ K Đ T với giá 340.000 đ/chiếc cũng do Cty Điện lực TP. HCM đề xuất (BL9194-Báo cáo của Ban kỹ thuật Lưới điện-Tổng Cty ĐLVN ngày 22-02-2006)
– Quyết định số 2780/QĐ-EVN-KTLĐ ngày 01-10-2003 của Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN, phê duyệt kế hoạch đấu thầu “cung cấp vật tư thiết bị cho các công trình sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên lưới điện năm 2004 “ của Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, chia làm 74 gói thầu đều có giá trị dưới 15 tỷ đồng, trong đó có gói thầu 40.000 ĐKĐT trị giá 13,6 tỷ đồng. Tại điều 2 Quyết định có nội dung: “Ông Giám đốc Công ty Điện lực Thành phố HCM chịu trách nhiệm trước Tổng Cty về việc chuẩn xác số lượng các vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ công tác sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên theo nhu cấu cần thiết trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu”.
– Quy chế đấu thầu (ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 của Chính phủ, tại điều 8 khoản 1 quy định: “kế hoạch đấu thầu của dự án do Bên mời thầu lập theo quy chế này và phải được người có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch đấu thầu của toàn bộ dự án, Bên mời thầu có thể lập kế hoạch đấu thầu cho từng phần của dự án theo giai đoạn thực hiện, nhưng phải được người có thẩm quyền cho phép. Theo giải thích tại Điều 3 khoản 8 điểm b: “Đối với việc mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc của doanh nghiệp Nhà Nước “Người có thẩm quyền” là người quyết định việc mua sắm theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 10-Điều 1-Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12-6-2003 của Chính phủ sửa đổi bổ sung điều 15 Quy chế đấu thầu, đã quy định:
1/- Người có thẩm quyền có trách nhiệm:
a/- Phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án, phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án trên cơ sở thẩm định của cơ quan thẩm định.
b/- Chỉ đạo, kiểm tra chủ dự án, bên mời thầu thực hiện quy chế đấu thầu.
2/- Chủ dự án có trách nhiệm…. Trường hợp chủ dự án đồng thời là người có thẩm quyền quyết định dự án hoặc đồng thời là bên mời thầu thì phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều này. (khoản 3 quy định trách nhiệm bên mời thầu).
Theo xác nhận của đại diện Tổng Cty Điện lực VN, nay là Tập đoàn Điện lực VN trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa: Tổng Cty Điện lực VN chỉ phê duyệt kế hoạch đấu thầu, còn việc tổ chức đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, ký kết hợp đồng…… đều do Cty ĐL TP. HCM chủ động thực hiện, Tổng Cty ĐL VN hoàn toàn không phê duyệt hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng, kiểm tra kết quả đấu thầu. Rõ ràng việc phê duyệt chỉ mang tính hình thức, Tổng Cty không phải là “người có thẩm quyền” theo quy định tại nghị định số 88 (được sửa đổi bổ sung theo nghị định 66), mà chính Giám đốc Cty ĐL TP. HCM mới là người có thẩm quyền. Vì vậy, mà ngày 01-02-2005, Tổng Cty Điện lực VN đã có Quyết định số 47/QĐ.EVN-HĐQT phân cấp cho các Cty Điện lực được toàn quyền quyết định đối với các gói thầu dưới 30 tỷ đồng trở xuống kể cả phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Mặt khác, ngày 25-02-2005 Tổng Cty cũng đã có văn bản số 874/CV-EVN-KD & ĐNT đồng ý cho Cty Điện lực TP. HCM mua sắm trước 50.000 ĐKĐT 1 pha mà không qua thủ tục phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Do đó, việc ông LM Hoàng Giám đốc Cty Điện lực TP. HCM duyệt hồ sơ mời thầu 10.000 ĐKĐT (thay vì 40.000 ĐKĐT theo kế hoạch được Tổng Cty duyệt) là do bị cáo hiểu và vận dụng các quy định trên để xác định thuộc thẩm quyền quyết định của mình, chứ không phải cố ý làm trái quy định Nhà Nước.
b/- Về việc nâng giá từ 340.000 đ/cái lên 580.000 đ/cái:
Tháng 8/2002 Cty Điện lực TP. HCM đã nhập 150 Đ K Đ T của Linkton Singapore để lắp đặt thử nghiệm tại Điện lực Phú Thọ-giá là 575.000 đ/chiếc gồm cả 150 bộ phận phát sóng. Tháng 2/2003 Linkton Singapore đã giao hàng. Khi Phòng kinh doanh lập dự trù năm 2004 số lượng 40.000 chiếc, giá 340.000 đ/chiếc là do Phòng vật tư cung cấp giá tồn kho ĐKĐT chưa có bộ phận phát sóng vì được hạch toán riêng. Kế hoạch đấu thầu do Phòng HTQT soạn thảo, số lượng do Phòng Kinh doanh cung cấp, giá 575.000 đ/chiếc cộng thêm 5.000 đ trượt giá 1% thành 580.000 đ/chiếc. (Bút lục 7750 lời khai ngày 24-1-2005 của Lê Ngô Hữu Thiện Tâm). Do đó, việc nâng giá này là hoàn toàn có căn cứ và thuộc thẩm quyền quyết định của Giám đốc Cty Điện lực TP. HCM như đã phân tích.
c/- Về việc ký Hợp đồng mua ĐKĐT có xuất xứ Singapore nhưng lại chấp nhận điều kiện giao hàng tại kho trong nước:
– Theo Incoterms2000 thì điều kiện CIP quy định người bán phải trả cước phí chuyên chở và bảo hiểm hàng hóa để đưa hàng tới nới quy định. Việc giao hàng tận kho Cty Điện lực TP. HCM hoàn toàn có lợi và không trái điều kiện CIP.
– Tại điều 10 Quy chế đấu thầu (NĐ 88) được sửa đổi bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP, khoản 2 quy định: Nhà thầu nước ngoài khi tham gia dự đấu thầu quốc tế tại VN về cung cấp hàng hóa phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc phải cam kết sử dụng nhà thầu phụ VN, trong đó nêu rõ sự phân chia giữa các bên về phạm vi công việc, khối lượng và giá trị tương ứng. Khoản 4 qui định: các nhà thầu tham gia đấu thầu ở VN phải cam kết mua sắm và sử dụng vật tư thiết bị phù hợp về chất lượng và giá cả, đang sản xuất, gia công hoặc hiện có tại VN.
Cty LinktonVna là 1 Công ty liên doanh giữa Cty TNHH SXTM Quang trung với Cty Linkton Singapore, vốn pháp định 2 triệu USD, trong đó Linkton Singapore góp 65% vốn. Do đó, việc chấp nhận cho Linkton Vina giao hàng và thanh toán tại VN là có lợi cho Cty Điện lực TP. HCM và không trái quy định trên.
2/- Việc ký tiếp 13 Hợp đồng mua thêm 302.000 ĐKĐT :
Quy chế đấu thầu (ban hành kèm theo Nghị định 88/1999/N Đ-CP) tại điều 4 khoản 5 có quy định: “ Hình thức mua sắm trực tiếp được áp dụng trong trường hợp bổ sung Hợp đồng cũ đã thực hiện xong (dưới một năm) hoặc hợp đồng đang thực hiện với điều kiện chủ đầu tư có nhu cầu tăng thêm số lượng hàng hóa mà trước đó đã tiến hành đấu thầu, nhưng phải đảm bảo không được vượt mức giá hoặc đơn giá hợp đồng đã cung cấp trước đó”.
Theo phân cấp của Tổng Cty Điện lực VN tại Quyết định số 2186/EVN/HĐQT-TCCB & ĐT ngày 12-9-2001 quy định việc mua sắm vật tư thiết bị có giá trị từ 15 tỷ đồng trở xuống do Cty Điện lực TP. HCM quyết định.
Quyết định số 2780/QĐ-EVN-KTLĐ ngày 01-10-2003 của Tổng Giám đốc Cty Điện lực VN, tại điều 2 có quy định: “Ông Giám đốc Cty Điện lực TP. HCM, chịu trách nhiệm trước Tổng Cty về việc chuẩn xác số lượng các vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ công tác sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên theo nhu cầu cần thiết trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu”.
Xuất phát từ nhu cầu mua vật tư thiết bị phục vụ cho công tác gắn mới và thay thế bảo trì điện kế, căn cứ tờ trình đề xuất ký hợp đồng mua điện kế điện tử đọc từ xa của Phòng Kinh doanh phân bổ theo từng tháng có giá trị dưới 15 tỷ đồng, căn cứ các quy định trên, bị cáo Hoàng hiểu và nhận thức rằng việc ký tiếp các hợp đồng mua sắm hàng hóa trị giá dưới 15 tỷ đồng trong thời hạn 1 năm và không thay đổi giá trị của hợp đồng đầu tiên đã đấu thầu và đang thực hiện là hoàn toàn đúng quy định. Điều này còn được minh chứng bằng các chứng cứ sau đây:
+ Tại công văn số 8408/BKH-QLĐT ngày 13-11-2006 gửi Cơ quan CSĐT-BCA, về việc thực hiện đấu thầu mua sắm điện kế kỹ thuật số 1 pha của Cty Điện lực TP. HCM, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có ý kiến như sau: “ Trường hợp Cty Điện lực TP. HCM trước đó đã tổ chức đấu thầu và đã lựa chọn được nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp điện kế điện tử thì việc bổ sung hợp đồng thông qua hình thức mua sắm trực tiếp là hợp lý, nếu thời gian kể từ khi nhà thầu ký hợp đồng thực hiện gói thầu với chủ đầu tư là dưới 1 năm và đơn giá không vượt đơn giá trong Hợp đồng gốc đã ký trước đó”. (BL 11152).
+ Tại bản giải trình ngày 28-02-2006 của ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó TGĐ Tổng Cty Điện lực VN (BL 9210), Biên bản xác minh và thu thập tài liệu ngày 08-4-2006 tại Tổng Cty Điện lực VN do cơ quan CS ĐT-Bộ CA thực hiện (BL 9182) và Bản giải trình ngày 27-02-2006 của Ban Kinh doanh và Điện Nông thôn-Tổng Cty Điện lực VN gởi Cơ quan CS ĐT-Bộ CA (BL9213), tất cả đều thống nhất xác định: ngày 17-02-2005, Cty Điện lực TP. HCM có văn bản số 611 đề nghị mua 50.000 ĐKĐT, Tổng Công ty Điện lực VN đã có văn bản số 874/CV-EVN-KD&ĐNT ngày 25-02-2005 đồng ý cho Cty Điện lực TP. HCM mua sắm trước 50.000 ĐKĐT một pha có chức năng đọc chỉ số qua sóng radio bằng thiết bị ghi chỉ số cầm tay HHU, từ các căn cứ sau đây:
– Căn cứ nhu cầu cấp thiết về công tơ phục vụ công tác phát triễn mới khách hàng, thay thế công tơ chết cháy và thay thế định kỳ của Cty Điện lực TP. HCM để đảm bảo công tác kinh doanh bán điện và chất lượng công tơ theo Nghị định 45/2001/NĐ –CP của Chính phủ. Cụ thể hàng năm nhu cầu lắp mới 80.000 – 100.000 chiếc, thay thế chết cháy và định kỳ 150.000 chiếc.
– Căn cứ chủ trương ứng dụng công nghệ mới cải tiến công tác ghi chỉ số công tơ của Tổng Cty Điện lực VN đối với công ty Điện lực TP. HCM.
– Theo Quyết định số 47/QĐ-EVN-HĐQT ngày 01-02-2005 của HĐQT , đối với việc mua sắm VTTB lẽ có giá trị dưới 30 tỷ đồng, từ năm 2005 các Cty không phải lập kế hoạch đấu thầu trình Tổng Cty duyệt.
Trên đây là 2 hành vi quan trọng nhất mà cáo trạng đã quy kết LM Hoàng cố ý làm trái. Đối với các hành vi khác nêu tại trang 39-40 của cáo trạng như: ký quyết định công nhận nhà thầu Linkton Singapore trúng thầu trong khi hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu mời thầu, đồng ý cho nhà thầu không phải lập bảo lãnh thực hiện hợp đồng, ký duyệt cho phép thanh toán 14 Hợp đồng trong khi thủ tục chứng từ hồ sơ thanh toán không hợp lệ, không đăng ký phê duyệt mẫu, kiểm định theo quy định…. Về các hành vi này sẽ được các luật sư đồng nghiệp trình bày khi bào chữa cho các bị cáo có liên quan, Bị cáo LM Hoàng với cương vị Giám đốc, lãnh đạo cao nhất của Cty Điện lực TP. HCM, bên dưới còn có hệ thống Phòng, Ban giúp việc và tổ chuyên gia xét thầu. Bị cáo không thể và cũng không cần thiết phải đọc, kiểm tra lại toàn bộ các tiêu chuẩn, chứng từ hồ sơ mời thầu, xét thầu, thanh toán. Bị cáo chỉ có thể căn cứ tờ trình của các Phòng, Ban chức năng và Tổ xét thầu để phê duyệt. Tất nhiên, Bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm nếu cấp dưới có sai sót. Nhưng trách nhiệm đó như bị cáo thừa nhận là do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát và tin tưởng khả năng cấp dưới, chứ hoàn toàn không phải là hành vi cố ý làm trái.
3/- Vấn đề cần đặt ra là việc tổ chức đấu thầu 10.000 ĐKĐT với giá 580.000 đ/c và ký tiếp 13 Hợp đồng mua thêm 302.000 ĐKĐT Tổng Cty Điện lực VN và các cơ quan chức năng có biết và đồng ý hay không?
– Tại Bản giải trình ngày 09-02-2006 của Trưởng Ban kế hoạch Tổng Cty Điện lực VN đã xác định: “Ban kỹ thuật lưới điện thẩm định và trình lãnh đạo Tổng Cty phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Ban kinh doanh và Điện nông thôn theo dõi đo đếm công tơ”. (BL 9209)
– Tại Biên bản xác minh và thu thập tài liệu ngày 08-4-2006 tại Ban kinh doanh và Điện nông thôn-Tổng Cty Điện lực VN (BL 9182), ông Nguyễn Tấn Lộc-Trưởng Ban KD & Đ NT đã xác nhận: “Từ tháng 7/2004 đến tháng 6/2005, Cty Điện lực TP. HCM đều có báo cáo kinh doanh gởi về Ban KD & Đ NT-Tổng Cty và trong báo cáo đều có số liệu ĐKĐT 1 pha 1 giá mà Cty có đến thời điểm 30-6-2005 là 282.248 chiếc. Tại Bản giải trình ngày 28-02-2006, ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó TGĐ Tổng Cty Đ LVN (BL 9210) đã xác nhận: “ Hàng tháng tất cả các Cty Điện lực đều có báo cáo kinh doanh điện năng về Tổng Cty, trong đó có báo cáo số lượng các loại công tơ đến kỳ báo cáo, số lượng công tơ tăng thêm do phát triễn khách hàng mới. Số liệu này phục vụ cho việc tổng hợp số liệu kết quả kinh doanh điện năng chung, đánh giá công tác quản lý kinh doanh điện năng, phục vụ cho công tác lập kế hoạch SXKD… của Tổng Cty”.
– Tại Bản giải trình ngày 28-02-2006 (BL 9198) và Biên Bản xác minh ngày 08-4-2006 (BL 9187)-Ban Tài chính kế toán Tổng Cty Điện lực VN đã xác nhận như sau:
+ Ban Tài chính kế toán có nhận được Quyết định số 2780/QĐ-EVN-KTLĐ ngày 01-10-2003 của Tổng Cty Điện lực VN phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho Cty Điện lực TP. HCM.
+ Theo Hợp đồng kiểm toán, Cty kiểm toán VACO kiểm tra, soát xét chứng từ, bảng kê, sổ kế toán các khoản mục liên quan tài sản lưu động, tài sản cố định và đầu tư dài hạn, công nợ ngắn hạn và dài hạn, nguồn vốn, số dư tình hình sử dụng quỹ, doanh thu, chi phí và các khoản thu nhập khác… Cty kiểm toán VACO đã có báo cáo kiểm toán số 420/VACO ngày 29-4-2005 của Cty Điện lực TP. HCM. Trong báo cáo chưa phát hiện vấn đề liên quan mua bán ĐKĐT . Tổng Cty đã thông báo phê duyệt Báo cáo tài chính năm 2004 cho Cty Điện lực TP. HCM tại văn bản số 3325/TB-EVN-TCKT ngày 30-6-2005. Tại thời điểm thông qua Báo cáo tài chính, sự việc ĐKĐT đã có thông tin của các Báo, Đài. Tuy nhiên, theo Luật kế toán Tổng Cty phải thông qua báo cáo tài chính để công khai theo quy định. Do vậy trong thông báo phê duyệt Tổng Cty đã yêu cầu: “Trong quá trình thực hiện, nếu các cơ quan chức năng kiểm tra có số liệu thay đổi so số liệu đã phê duyệt, Cty xử lý hạch toán vào báo cáo tài chính năm 2005 theo chế độ kế toán hiện hành và báo cáo Tổng Cty.
+ Chi phí ĐKĐT được hạch toán vào chi phí vật liệu, ĐKĐT 1 pha là công cụ, dụng cụ được phản ảnh tổng hợp trên tài khoản công cụ, dụng cụ (TK153) và tài khoản đang chờ phân bổ (TK 242), báo cáo tổng hợp chi phí.
– Tại Báo cáo tình hình nhập xuất kho và phân bổ ĐKĐT 1 pha đến 30-6-2005 (BL.9015), Cty Điện lực TP. HCM đã báo cáo như sau:
+ Trong năm 2004, Cty Điện lực TP. HCM đã xuất dùng Đ K Đ T phản ánh TK 242 chi phí trả trước dài hạn số tiền 91.522.246.979 đồng, trong đó phân bổ chi phí SXKD năm 2004 là 45.761.123.489 đồng.
+ Tại báo cáo quyết toán tài chính SXKD của Cty Điện lực TP. HCM đến ngày 31-12-2004 đã được Tổng Cty phê duyệt quyết toán, số liệu về ĐKĐT một pha thể hiện trên số dư một số tài khoản trên Bảng cân đối kế toán ngày 31-12-2004 như sau:
– Công cụ dụng cụ trong kho là 75.552.872.792 đ, trong đó giá trị ĐKĐT một pha tồn kho là 16.139.594.321 đ (29.744 ĐKĐT).
– Tổng chi phí trả trước dài hạn là 118.009.171.831 đ, trong đó giá trị ĐKĐT 1 pha chưa phân bổ là 45.761.123.481 đ.
– Báo cáo quyết toán SXKD đến 30-6-2005, số liệu Đ K Đ T 1 pha thể hiện trên số dư của một số tài khoản trên Bảng cân đối kế toán như sau: chi phí trả trước dài hạn là 144.431.191.907 đ , trong đó giá trị ĐKĐT 1 pha chưa phân bổ là 84.473.730.587 đ.
– Tại văn bản số 5347/CV-EVN-TTBV&PC ngày 17-10-2005 gửi Thủ tướng Chính phủ (BL 10297), Tổng Giám đốc Tổng Cty Điện lực VN đã xác nhận:
+ Hàng năm TCty đều có hợp đồng với các Cty kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán các đơn vị thành viên TCty.
+ Riêng năm 2004, tại Cty Điện lực TP. HCM đã có 05 đoàn thanh tra, kiểm tra của TCty và các cơ quan chức năng như: Cục thuế TP. HCM, Sở Công nghiệp TP. HCM, Cục KTAT Bộ Công nghiệp
+ Trong thời gian từ 2001-2005 các cơ quan quản lý Nhà Nước đã tiến hành 14 đợt thanh tra, kiểm tra tại Cty Điện lực TP. HCM, trong đó Thanh Tra Nhà Nước TP. HCM 2 đợt, Thanh tra Tổng Cục đo lường chất lượng khu vực 3 có 03 đợt, Tổng Cục thuế và Cục Thuế TP HCM 04 đợt, Kiểm toán Nhà Nước 01 đợt. Riêng Sở Công nghiệp hàng năm đều tiến hành kiểm tra hoạt động điện lực tại Cty Điện lực TP. HCM theo chức năng quản lý Nhà Nước về điện tại địa phương.
Qua các dẫn chứng trên cho thấy, việc đấu thầu mua sắm 312.000 ĐKĐT của Cty Điện lực TP. HCM với số tiền trên 181 tỷ đồng, Tổng Cty Điện lực VN biết rất rõ và đã chấp nhận duyệt báo cáo quyết toán hàng Quý, 6 tháng, năm. Tổng Cục thuế, Cục thuế TP. HCM, Thanh tra, Kiểm toán …đều biết và đều không có ý kiến. Nghĩa là tất cả các cơ quan đều đã chấp nhận, không có cơ quan nào kết luận Cty Điện lực TP. HCM vi phạm pháp luật!
Như Hội đồng xét xử đã thẩm tra lý lịch bị cáo Hoàng tại phiên tòa: Một cán bộ xuất thân từ 1 gia đình truyền thống Cách Mạng, đã phục vụ lâu năm và có nhiều đóng góp công sức cho ngành điện lực, đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng II, Hạng III, Huy chương vì sự nghiệp Đại Đoàn kết dân tộc, là đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ liên tục, là người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới theo chủ trương hiên đại hóa của Nhà Nước và Tổng Cty Điện lực VN, hoàn toàn không hề có động cơ, mục đích vụ lợi, cá nhân gì, nếu bị cáo có phạm sai sót trong quá trình điều hành, lãnh đạo Cty Điện lực TP. HCM thì rõ ràng nguyên nhân chỉ có thể là do bị cáo đã nôn nóng đi tắt đón đầu, nhưng lực bất tòng tâm, không quán xuyến hết toàn bộ công việc. Ngay sau khi xảy ra “sự kiện ĐKĐT”, bị cáo đã dũng cảm nhận lấy trách nhiệm của mình và đã xin từ chức! Do đó, chúng tôi cho rằng việc quy kết bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà Nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ thuyết phục. Tại văn bản số 3482/VKSTC-V1 ngày 25-10-2006. chính VKSNDTC cũng đã đặt vấn đề xem xét ý thức chủ quan của bị cáo về tội cố ý làm trái
II/- Về hậu quả thiệt hại:
Theo đề nghị của UBND TP. HCM và Tcty Điện lực VN, ngày 29-6-2005 Bộ Công nghiệp đã có Quyết định số 2168/QĐ-TCCB thành lập Đoàn kiềm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các vấn đề liên quan đến công tơ điện tử một pha tại Cty Điện lực TP. HCM. Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 15-7-2005 thì kết quả kiểm tra như sau:
– Kiểm tra công tơ điện tử và công tơ điện cảm ứng với công tơ chuẩn, kết quả cho thấy các công tơ điện tử có sai số nằm trong phạm vi + 1%.
– Kiểm tra công tơ thu hồi do khách hàng khiếu nại qua Sở Công nghiệp thành phố: Căn cứ danh sách 92 khách hàng khiếu nại gởi về Sở Công nghiệp thành phố, Đoàn đã chọn xác suất 20 công tơ để kiểm tra sai số. Thực tế Cty Điện lực đã thu hồi được 19 công tơ. Hầu hết khách hàng khiếu nại đều có mặt chứng kiến việc kiểm tra tại Trung tâm thí nghiệm điện ngày 14-7-2005. Tất cả 19 công tơ đều cho kết quả sai số đo nằm trong phạm vi + 1%.
– Kiểm tra các thông số cơ bản của các công tơ điện tử chưa sử dụng và đã được niêm phong: Đoàn đã lấy 20 công tơ điện tử của Điện lực Gia Định kiểm tra các thông số theo quy định và được kết quả sai số của cả 20 công tơ điện tử đều năm trong phạm vi + 1%.
Đoàn kiểm tra đã kết luận 2 vi phạm:
+ Các công tơ điện tử 1 pha LTE66 được công ty TNHH Linkton Vina lắp ráp tại Việt Nam sai với nguồn gốc xuất xứ ghi trong hợp đồng.
+ Chưa làm thủ tục phê duyệt mẫu là vi phạm điều 22 pháp lệnh về đo lường.
Tuy chỉ kết luận có 2 lỗi kể trên, nhưng Đoàn kiểm tra lại kiến nghị: Tạm đình chỉ việc sử dụng toàn bộ số công tơ điện tử 1 pha LTE66 của Linkton Vina đã lắp đặt. Giao TCty Điện lực VN chỉ đạo Cty Điện lực TP. HCM khẩn trương thay thế bằng những công tơ đảm bảo theo quy định của pháp lệnh về đo lường! Tại văn bản số 286/CV-KTĐT ngày 18-7-2005, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đã báo cáo Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp như sau:
“Sáng 16-7-2005, Đoàn đã thông báo toàn bộ nội dung báo cáo với lãnh đạo cán bộ chủ chốt của Cty Điện lực TP. HCM. Đồng chí LM Hoàng thay mặt Cty Điện lực TP. HCM tiếp thu và bày tỏ sự đồng tình với toàn bộ nội dung bản Báo cáo, tuy nhiên cũng đề nghị Đoàn báo cáo với lãnh đạo Bộ xem xét để có giải pháp thỏa đáng, vì theo giải pháp mà Đoàn kiến nghị sẽ rất khó khăn cho Điện lực Thành phố. Đổng chí Trưởng Đoàn đã ghi nhận và hứa sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ”.. Rất tiếc ý kiến này đã không được chấp nhận! Và như Quý Tòa đã biết, toàn bộ ĐKĐT đã bị tháo gỡ thay thế bằng điện kế cơ. Sau 1 năm đem ĐKĐT đi kiểm tra thẩm định đánh giá chất lượng trong nước và ngoài nước (Viện Đo lường thử nghiệm Giang Tô-Trung Quốc, Phòng thử nghiệm Superintending Company of Indonesia – Indonesia, Phòng thủ nghiệm KEMA của Hà Lan) và tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ nới sản xuất bo mạch chính công tơ LTE66 tại Cty TNHH Vũ Năng thuộc thành phố Nam Kinh-Trung Quốc (Cty Vũ Năng khẳng định: đã sản xuất và cung cấp 312.000 bo mạch công tơ LTE66 cho Cty Linkton Singapore để cung cấp cho Việt Nam; các linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Na uy, Nhật.. Công ty Linkton Singapore cung cấp khoảng 10.000 bộ linh kiện NRF401 thực hiện chức năng thu phát sóng radio đọc số liệu từ xa của hãng NORDIC-Na uy) Từ đó, Bộ Công nghiệp đã có các văn bản số 4350/BCN-KTAT ngày 31-7-2006 và số 6345/BCN-KTAT ngày 15-11-2006 kết luận công tơ điện tử LTE66 đảm bảo chất lượng, chỉ phải hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý như nhản, mác sản phẩm, đăng ký phê duyệt mẫu theo đúng quy định hiện hành và đề nghị Thủ Tướng Chính phủ sớm quyết định cho sử dụng lại số công tơ điện tử này!
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Như vậy là hai năm rõ mười: tháo dỡ, kiểm tra, thẩm định, xác minh cuối cùng kết quả quay lại từ đầu: Việc đưa vào sử dụng ĐKĐT 1 pha LTE66 chỉ có 2 thiếu sót: chưa phê duyệt mẫu và không ghi chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ! Quy định của pháp luật xử lý đối với 2 thiếu sót này như sau:
1/- Đối với việc phê duyệt mẫu:
+ Quy định về phê duyệt mẫu phương tiện đo, ban hành kèm theo Quyết định số 28/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 17-5-2002 của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường quy định: Những trường hợp sản xuất nhập khẩu phương tiện đo sau đây cơ sở không phải đăng ký phê duyệt mẫu, nhưng phải thông báo với cơ quan quản lý Nhà Nước về đo lường có thẩm quyền:
– Phương tiện đo đã có giấy chứng nhận phê duyệt mẫu của cơ quan đo lường quốc gia của những nước có sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả thử nghiệm phương tiện đo với nhau (mục 1.3.2.b)
– Trường hợp sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo để dùng chính tại cơ sở, những phương tiện đo này phải thực hiện kiểm định theo quy định (mục 1.3.3).
+ Pháp lệnh đo lường năm 1999 quy định: “Nhà Nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo-Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định để buôn bán phải theo mẫu phương tiện đo đã được cơ quan quản lý Nhà Nước về đo lường chất lượng phê duyệt”. (điều 22).
Từ các quy định trên, Cty Điện lực TP. HCM nghĩ rằng việc nhập khẩu ĐKĐT không phải để bán và nhà cung cấp ĐKĐT đã đăng ký phê duyệt mẫu ở nước ngoài rồi, nên không phải đăng ký phê duyệt mẫu. Tuy nhiên, cho dù có phải phê duyệt mẫu trước khi đưa ra sử dụng, thì thiếu sót này cũng chỉ bị xử lý như sau:
Nghị định số 126/2005/N Đ-CP ngày 10-10-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định:
+ Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 7.000.000đ đối với hành vi sản xuất phương tiện đo khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước và đo lường có thẩm quyền phê duyệt mẫu (Điều 6 khoản 3).
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn thành thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường trong thời hạn nhất định đối với hành vi vi phạm qui định tại khoản 3 điều này (Điều 6 khoản 5 điểm c).
Rõ ràng, không thể vì thiếu sót chưa phê duyệt mẫu mà xử lý bằng cách tháo gở, thu hồi, thay thế bằng điện kế cơ!
2/- Đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa:
Ngày 20-6-2003, Linkton Singapore đã nộp đơn đăng ký nhản hiệu hàng hóa và đã được Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 57036; ghi rõ: có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn.
Sau khi trúng thầu cung cấp 10.000 ĐKĐT, Cty Linkton Singapore và Cty Linkton Vina đã ký thỏa thuận hợp tác ngày 15-02-2004, nội dung chỉ định Cty Linkton Vina (là 1 Cty liên doanh trong đó Linkton Singgapore góp 65% vốn) ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp nước ngoài để nhập khẩu bo mạch chính, và 1 số nhà cung cấp trong nước để cung cấp các phụ kiện, chuyển giao công nghệ lắp ráp và thử nghiệm cho Linkton Vina. Việc làm này là hoàn toàn phù hợp quy định tại điều 10 Nghị định 88/1999/NĐ-CP ngày 01-9-1999 và khoản 8 điều 1 Nghị định 66/2003/NĐ-CP ngày 12-6-2003 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu). Do đó, nhãn hiệu Linkton Singapore trên ĐKĐT 1 pha LTE66 hoàn toàn đúng, không sai. Thiếu sót ở đây chỉ là đã không ghi đầy đủ trên nhản hiệu hàng hòa dòng chữ “lắp ráp bởi Linkton Vina” hoặc “Assembly by Linkton Vina”, theo quy định tại điều 66 chương VIII-Nghị định 63/CP ngày 24-10-1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp: “Nếu sản phẩm được sản xuất tại VN theo lixăng của nước ngoài, hoặc mang nhãn hiệu hàng hóa của nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài thì bắt buộc phải ghi một cách đầy đủ (không viết tắt) chỉ dẫn “Sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm”. Theo quy định tại Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06-3-1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi này bị xử lý như sau:
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000đ đến 5.000.000đ đối với tổ chức cá nhân có hành vi không ghi hoặc ghi không rõ ràng, đầy đủ trên sản phẩm cụm từ “sản xuất tại Việt Nam” đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo li-xăng của nước ngoài, sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu hàng hóa gây hiểu sai lệch rằng hàng hóa là của nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài (Điều 6 khoản 2 điểm b).
– Ngoài hình thức xử phạt theo quy định, tổ chức cá nhân vi phạm còn thể bị buộc bổ sung chỉ dẫn đối với các hành vi quy định tại khoản 2 điều này (Điều 6 khoản 4 điểm b). Thông tư số 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 03-5-2000 của Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường, hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06-3-1999, tại Mục II-xác định các hành vi vi phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, tiết 6- loại hành vi vi phạm quy định về các chỉ dẫn liên quan đến sở hữu công nghiệp (Điều 6 Nghị định)-điểm 6.5 đã quy định: “Hành vi không ghi hoặc ghi không rõ ràng, đầy đủ cụm từ “sản xuất tại Việt Nam” đối với các trường hợp bắt buộc phải ghi (Điều 6.2.b). Theo Điều 66 Nghị định 63/CP, nếu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo li-xăng của nước ngoài hoặc nếu sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu gây nên sự hiểu sai lệch rằng đó là là hàng hòa của nước ngoài hay có nguồn gốc nước ngoài thì bắt buộc phải ghi đầy đủ mà không được viết tắt cụm từ “sản xuất tại Việt Nam”. Nếu không ghi chỉ dẫn như vậy thì bị coi là hành vi vi phạm thuộc dạng này.
Rõ ràng ĐKĐT LTE66 không phải là hàng giả, việc xử lý tháo gỡ, thu hồi, thay thế (thậm chí có đề nghị tiêu hủy) là không đúng quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng đã áp dụng Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT-BTM-BTC-BCA-BKHCNMT ngày 27-4-2000, hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ Tướng Chính phủ về đấy tranh chống hàng giả để xử lý hành vi này. Chúng tôi xin có ý kiến như sau:
– Về nguyên tác pháp lý, Thông tư liên tịch này không thể có giá trị cao hơn Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 06-3-1999 của Chinh phủ. Ngay chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo phải áp dụng Nghị định số 12/1999/NĐ –CP và các quy định hiện hành của pháp luật.
– Cho dù có áp dụng Thông tư liên tịch số 10 để cho rằng ĐKĐT LTE66 có dấu hiệu giả mạo về chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ đi chăng nũa (khoản 2.4 điểm 2) thì việc xử lý cũng chỉ là “được lưu thông phải tuân thủ điều kiện loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa (nhãn mác, bao bì vi phạm) và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng biết” (khoản 6.3 điều 6).
Tổng giá trị thiệt hại theo kết luận giám định số 141/KL-BCT ngay 22-7-2008 là 8.139.200.668 đồng, bao gồm các khoản:
+ Chi phí khắc phục nhãn mác: 378.675.842đ
+ Thiệt hại do lắp đặt ban đầu: 557.401.248đ
+ Thiệt hại do vận chuyển về kho: 5.214.142đ
+ Thiệt hại do bảo quản: 1.572.420.820đ
+ Thiệt hại do kiểm định lại: 2.602.704.000đ
Thiệt hại này hoàn toàn không phải do hành vi đấu thầu và ký 14 Hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT của LM Hoàng và các bị cáo Cty Điện lực TP. HCM gây ra, các bị cáo không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại này. Vậy thì đâu là nguyên nhân của thiệt hại này? Và ai là người chịu trách nhiệm? Nguyên nhân gây ra thiệt hại xuất phát từ sức ép của công luận thời điểm đó đã làm cho các cơ quan chức năng đánh giá không đúng bản chất sự việc, từ đó đã vội vã thực hiện các biện pháp xử lí không phù hợp. Cụ thể là:
Ngày 18-7-2005 Bộ Công nghiệp đã có công văn số 3846/CV-KTAT yêu cầu đình chỉ sử dụng và tháo gỡ toàn bộ 260.000 chiếc ĐKĐT đã lắp đặt cho khách hàng do sai số quá lớn (từ -16% đến +26% trong khi Hợp đồng từ -2% đến +2%). Ngày 17-8-2005, Bô Khoa học và Công nghệ có văn bản số 2141/BKHCN-Ttra kết luận “Đã có đủ yếu tố kết luận điện kế điện tử Linkton Singapore là hàng giả (giả mạo về nguồn gôc xuất xứ)”. Ngày 22-8-2005 cơ quan CS ĐT-BCA có văn bản số 2545/CQCSĐT (C15) báo cáo Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng: Sau khi lắp đặt hầu hết các hộ tiêu dùng đã có đơn khiếu nại điện kế chạy quá nhanh; các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài báo phản ảnh về những hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng mua 312.000 chiếc ĐKĐT chất lượng kém không đảm bảo chất lượng, không sử dụng được. Rõ ràng, việc xử lí tháo gỡ, thay thế toàn bộ số lượng ĐKĐT đã lắp đặt xuất phát từ việc đánh giá cho rằng tòan bộ 312.000 ĐKĐT là hàng giả, kém chất lượng, sai số quá lớn không sử dụng được!
Thế nhưng, sau khi tháo gỡ đưa đi kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng ĐKĐT LTE66 có kết quả đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường và có thể đưa vào sử dụng.
Bộ Công nghiệp đã có văn bản số 4350/BCN-KTAT ngày 31-7-2006 báo cáo Thủ Tướng Chính phủ. Viện KSNDTC đã có quyết định số 13 ngày 13-10-2006 trả hồ sơ điều tra bổ sung và văn bản số 3482/VKSTC-V1 ngày 25-10-2006 yêu cầu cơ quan CS ĐT-BCA trưng cầu giám định thiệt hại. Nhưng rất tiếc cơ quan CS ĐT-BCA đã không thực hiện. Ngày 29-12-2006 Thủ Tướng Chính phủ đã có văn bản số 2199/TTg-CN đồng ý đưa công tơ điện tử LTE66 vào sử dụng theo đề nghị của Bộ Công nghiệp. Viện KSNDTC đã có Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 02/VKSTC-V1B ngày 14-2-2007 yêu cầu thực hiện công văn số 2199 ngày 29-12-2006 của Thủ Tướng Chính phủ. Thế nhưng, tại các văn bản số 113/C15 (P10) ngày 25-4-2007 và số 232/C15 (P10) ngày 12-7-2007 cơ quan CS ĐT –BCA vẫn cho rằng 312.000 ĐKĐT là hàng giả, được sản xuất lắp ráp tại Việt Nam bằng linh kiện không rõ nguồn gốc, không được kiểm định chất lượng, lắp ráp thủ công không đồng nhất, kết quả thí nghiệm một số ĐKĐT không đủ cơ sở để kết luận 312.000 ĐKĐT chất lượng tốt đảm bảo đưa vào sử dụng được. Việc xử lý 312.000 Đ K Đ T là vật chứng vụ án phải do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc Chính phủ và Bộ Công nghiệp cho sử dụng lại số Đ K Đ T là quyết định về hành chính để tận dụng số ĐKĐT có thể sử dụng được, tránh lãng phí. Quyết định đó không ảnh hưởng đến việc truy tố, xét xử đối với vụ án. Vì vậy, cơ quan CS ĐT –BCA đã không thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKSNDTC!
Chỉ đến khi TAND.TP.HCM có Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 12/2008/HSST-Q Đ ngày 16-01-2008 và VKSNDTC có Quyết định trả hồ sơ bổ sung số 05/VKSTC-V1B ngày 03-4-2008, thì ngày 14-5-2008 cơ quan CSĐT –BCA mới có Quyết định số 13/C15 (P10) trưng cầu giám định về thiệt hại do việc Công ty Điện lực TP HCM mua, sử dụng, khắc phục sửa chửa 312.000 chiếc ĐKĐT LTE66 kém chất lượng để đưa vào sử dụng.. Sau khi có kết luận giám định số 141/KL-BCT ngày 22-7-2008, ngày 09-12-2008 cơ quan CS ĐT-BCA mới có quyết định xử lí vật chứng số 02/C15 (P10) và công văn số 997/C15 (P10) gởi Bộ Công thương đề nghị phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2199/TTg-CN ngày 29-12-2006! Rõ ràng, nếu không có sự chỉ đạo sáng suốt của Thủ Tướng Chính phủ và quyết định công minh của TAND TP HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung, thì không biết số phận của 17 bị cáo gắn liền với hậu quả thiệt hại của vụ án do 312.000 ĐKĐT bị cho là hàng giả, kém chất lượng, không thể sử dụng được sẽ đi đến đâu!?
Mục 4.1 kết luận giám định đã đánh giá thiệt hại do việc mua công tơ điện tử LTE66 như sau: “Công tơ điện tử LTE66 đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và giá trị sử dụng sẽ được đưa vào sử dụng sau khi hoàn tất một số thủ tục, vì vậy không coi là thiệt hại do việc mua loại công tơ này”. Chi phí gắn thêm dòng chữ “lắp ráp bởi LinktonVina” hoặc “Assembly by LinktonVina” với số tiền 378.675.842 đồng thuộc trách nhiệm Cty LinktonVina. Các chi phí thiệt hại còn lại: tháo gỡ, lưu kho bảo quản, kiểm định lại…không thuộc trách nhiệm của các bị cáo. Các chi phí này, như trên đã phân tích, phát sinh do đánh giá sai bản chất sự việc, áp dụng các biện pháp xử lý không phù hợp thực tế và qui định pháp luật. Việc xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Quý Tòa và các cơ quan có thẩm quyền!
III-Về hiệu quả của việc sử dụng ĐKĐT LTE66:
Thủ Tướng Chính phủ đã kết luận: Việc thay thế điện kế cơ khí bằng điện kế điện tử để từng bước hiện đại hóa ngành điện là chủ trương đúng và cần thiết. Tính ưu việt của điện kế điện tử so điện kế cơ là điều không thể tranh cãi. Cụ thể là:
– Độ chính xác cao, chống thất thoát điện.
– Đọc điện kế từ xa, không làm phiền khách hàng.
– Tăng năng suất lao động, quản lý lao động chặc chẽ
– Không tiêu hao điện năng khi vận hành, so điện kế cơ tiết kiệm 2W/h/1 điện kế; nghĩa là 48watts/ngày/1 điện kế. Nếu tính trên 312.000 ĐKĐT trong 1 năm điện năng tiết kiệm được sẽ là: 48w x 312.000 x 365 ngày = 973.440.000w = 973.440 Kw/năm.
– Theo giải trình ngày 28-02-2006 của Ban tài chính kế toán TCty Điện lực VN (BL9198), trong năm 2004, mặc dù chi phí vật liệu của cty cao hơn định mức tính toán giá bán điện nội bộ, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh điện của Cty vẫn lãi là 178 tỷ đồng, vượt kế hoạch 29 tỷ đồng!
Rõ ràng, việc không đưa 312.000 ĐKĐT vào sử dụng 4 năm qua, con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều!
IV.- Kiến nghị:
Từ những phân tích trên cho thấy bị cáo LM Hoàng không có hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà Nước và hậu quả thiệt hại đã được giám định kết luận không phải do hành vi của bị cáo ký kết 14 Hợp đồng mua 312.000 ĐKĐT đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng với giá thấp nhất gây ra.
Vì vậy, tôi kính đề nghị Quý Tòa tuyên bị cáo không phạm tội cố ý làm trái, khôi phục mọi quyền lợi cho bị cáo.
Trong thời gian tòa xét xử, có bài báo thắc mắc tại sao các bị cáo đều cười?! Theo tôi cái cười của các bị cáo chính là tiếng khóc khô không lệ! Tôi tin tưởng rằng phán quyết công minh của Quý Tòa sẽ không làm các bị cáo cười, mà sẽ làm cho bị cáo rơi lệ thật sự, nhưng đó là giọt lệ “vui sao nước mắt lại trào” vì không kìm nổi xúc động vui mừng khi được ánh sáng công lý soi xét!
Trân trọng cảm ơn Quý Tòa.
Nguồn hcmcbar.org