Bản luận cứ tranh chấp tài sản và quyền sử dụng đất

Bản luận cứ của luật sư trong vụ án tranh chấp tài sản và quyền sử dụng đất. Yêu cầu kiện đòi tài sản và quyền sử dụng đất, hủy đơn xin ủy quyền sử dụng đất, trích công sức duy trì tài sản đất ở.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
——————————

QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tuấn

Kính thưa HĐXX!

Tôi là luật sư A – thuộc Văn phòng luật sư B (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) xin trình bày quan điểm bảo vệ cho ông Tuấn – là Bị đơn trong vụ kiện tranh chấp tài sản và quyền sử dụng đất với các Nguyên đơn là bà Nghi, bà Lễ cụ thể như sau:

Tại bản án sơ thẩm dân sự số… ngày… của Tòa án Nhân dân huyện y đã xử:

– Chấp nhân yêu cầu kiện của bà Nghi và bà Lễ đòi tài sản và quyền sử dụng đất đối với ông Tuấn (đòi lại ngôi nhà cấp 4 trên 450m2 đất tại thửa 104 tờ bản đồ 20 thôn x, xã y, huyện z, HN)

– Hủy đơn xin ủy quyền sử dụng đất ngày 21/5/2003 giữa các cụ Nghi, Lễ và ông Tuấn.

– Trích công sức duy trì tài sản của ông Tuấn bằng 150m2 đất ở.

Sau khi xét xử ông Tuấn đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm không đồng ý việc chia nhà đất cho hai bà Nghi và bà Lễ như nêu trên.

Căn cứ kháng cáo của ông Tuấn cụ thể như sau:

1. Không đồng ý Quyết định của bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu kiện đòi tài sản và quyền sử dụng đất vì các nguyên đơn không có giấy tờ về quyền sở hữu đối với ngôi nhà và quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật đất đai.

2. Không đồng ý quyết định hủy Đơn xin ủy quyền sử dụng đất ngày 21/5/2003 lập tại UBND xã x thực chất là hợp đồng tặng cho tài sản vì hết thời hiệu yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

Các luận cứ chứng minh như sau:

Thứ nhất: Về quan hệ pháp luật:

Căn cứ đơn khởi kiện của Nguyên đơn thì Nguyên đơn kiện đòi lại tài sản và quyền sử dụng đất (cụ thể là ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 450m2) tại thửa số 104 tờ bản đồ 20 thôn x, y, z, Hà Nội mà đã được UBND huyện y cấp giấy chứng nhân cho hộ gia đình ông Ngô Văn Tuấn vào năm 2003.

Tòa án Nhân dân huyện y xác định đây là quan hệ pháp luật “tranh chấp đòi tài sản và quyền sử dụng đất” .

Thứ hai: Căn cứ đòi nhà đất của Nguyên đơn

Căn cứ khoản 1 điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ chứng minh của “đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Nhưng Nguyên đơn lại không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với ngôi nhà cấp 4 theo quy định tại điều…. Bộ luật dân sự và không có bất cứ loại giấy tờ gì về việc sử dụng đất theo quy định tại điều 50 Luật đất đai năm 2003. Nên việc bản án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu đòi nhà và quyền sử dụng đất của Nguyên đơn là không có căn cứ.

Thứ ba: Các căn cứ kháng cáo của ông Ngô Văn Tuấn:

Tại bản ghi ý kiến của ông Tuấn ngày …/…/2010 gửi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã trình bày rõ về tài sản trên thửa đất số 104 tờ bản đồ 20 thôn Đoài xã x, y:

– Ngôi nhà hiện nay là do ông Tuấn xây dựng lại do trải qua 2 trận lụt và thời gian quá dài chứ không phải là căn nhà của cụ Đình Thị Chúc xây từ năm 1940. Ngoài ra ông Tuấn còn trồng các cây lâu niên trên mảnh vườn trước nhà như xoài, mít, ổi hiện nay vẫn còn.

– Còn đối với quyền sử dụng 450m2 thì ông Tuấn đã sử dụng từ năm 1995 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định 406 ngày 39/6/2003 trên cơ sở  Đơn xin ủy quyền quản lý sử dụng đất ngày 21/5/2003 của Nguyên đơn (Ngô Thị Nghi +Ngô Thị Lễ).

Thứ tư: Phân tích tài liệu có nhan đề “Đơn xin ủy quyền quản lý sử dụng đất ngày 21/5/2003”

Đây là căn cứ chủ yếu của Bị đơn yêu cầu tòa án bác việc kiện đòi lại nhà và quyền sử dụng đất của Nguyên đơn.

Bản án sơ thẩm xử hủy đơn xin ủy quyền sử dụng đất ở này với lý do cụ Nghi và cụ Lễ xin tòa hủy vì nội dung đơn này chỉ ủy quyền cho ông Tuấn trông nom và thờ cúng bố mẹ hai cụ, nhưng nay ông Tuấn không thờ cúng bố mẹ hai cụ.

Bản án sơ thẩm xác định thực chất của tài liệu này là Hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định của điều 462 Bộ luật dân sự năm 1995. Nhưng bản án sơ thẩm lại cho rằng hợp đồng này không có giá trị vì căn cứ vào một loạt các điều luật sau nhằm mục đích để hủy tài liệu này cụ thể:

– Điều 462 Bộ luật dân sự để cho rằng văn bản này chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

– Điều 466 Bộ luật dân sự quy định về điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất thì văn bản này không nêu điều kiện tặng cho.

– Điều 691 Bộ luật dân sự quy định hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được UBND cấp có thẩm quyền xác nhận (nhưng văn bản này không có xác nhận của UBND huyện y)

– Điều 693 quy định khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người chuyển nhượng phải có giấy chứng nhân quyền sử dụng đất (nhưng lúc đó bà Nghi và bà Lễ chưa được cấp giấy chứng nhận)

– Điều 698 quy định phải được nhà nước giao quyền sử dụng đất thì bà Nghi và bà Lễ chưa được nhà nước giao quyền sử dụng đất.

Sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật mà bản án sơ thẩm áp dụng để làm căn cứ hủy hợp đồng tặng cho tài sản ngày 21/5/2003 cho thấy quyết định của bản án sơ thẩm là có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật bởi vì:

Một là: Vì đơn xin ủy quyền sử dụng đất ở ngày 21/5/2003 là thực chất là hợp đồng tặng cho tài sản là ngôi nhà trên quyền sử dụng đất 450m2 tại thửa 104 tờ bản đồ 20 thôn Đoài, xã Việt Hùng, huyện y, Hà Nội nên cần phải áp dụng các điều luật về hợp đồng tặng cho tài sản là nhà và quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo các tài liệu đia chính lưu giữ tại xã thì nguồn gốc quyền sử dụng đất là đất của tổ tiên của ông Tuấn nên không cần có quyết định giao đất của Nhà nước như nhận định của bản án sơ thẩm.

Hai là: Sau khi chứng minh hợp đồng tặng cho tài sản ngày 21/5/2003 là hợp pháp thì mới xét đến quá trình chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở sang tên ông Ngô Văn Tuấn bằng việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của Luật đất đai có hiệu lực vào thời điểm 2003. (Thời điểm đó là Luật đất đai năm 1993 sừa đổi bổ sung năm 1998 và 2001 có hiệu lực).

Ông Tuấn khai rằng năm 2003 khi ông đi làm thủ tục xin cấp sổ đỏ thì xã bảo là không cấp được mà phải về xin hai bà Nghi và bà Lễ làm giấy cho tặng nhà đất tại UBND xã. Nên ông mới về nói với 2 bà cùng ông ra UBDN xã làm thủ tục tặng cho nhà đất. Sau đó ông cung cấp bản photo cho UBND và đã được cấp giấy chứng nhận.

Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện phù hợp với lời khai của ông Tuần cụ thể:

– Ngày 20/5/2003 ông Tuấn làm đơn xin cấp giấy chứng nhận

– Đơn 21/5/2003 ba người ra UBND xã lập hợp đồng tặng cho tài sản

– Đến ngày 25/5/2003 Chủ tịch UBND xã xác nhận vào Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

– Ngày 30/6/2003 UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình ông Ngô Văn Tuấn

Căn cứ các tài liệu nêu trên cho thấy: việc cấp giấy chứng nhận cho ông Tuấn là đúng quy định của luật như xác nhận của Phòng tài nguyên và môi trường huyện Y cho tòa án huyện Y và tòa án Hà nội  (số 116 ngày 24/12/2010).

Và việc ông Tuấn được đứng tên không cấn phải áp dụng các quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất như bản án sơ thẩm đã nhận định

Thứ năm: Về thời hiệu yêu cầu tòa án hủy hợp đồng tặng cho tài sản ngày 21/5/2003 của Nguyên đơn.

Bản án sơ thẩm quyết định yêu cầu xin hủy hợp đồng nêu trên là trái với quy định tại điều Bộ luật dân sự quy định thời hiệu yêu cầu tòa án hủy hợp đồng dân sự là 2 năm.

Ngày 21/5/2003 hai bà Nghi và Lễ cùng ông Tuấn làm thủ tục ký vào hợp đồng tặng cho và cuối 2009 hai bà mới khởi kiện là quá thời hiệu (2 năm).

Đề nghị của luật sư

Căn cứ vào phân tích nêu trên tôi đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Luật sư
(đã ký)
Nguồn: St

» Luật sư tranh tụng đất đai tại Tòa án

» Luật sư tranh tụng vụ án dân sự