Bản án 04/2018/KDTM-PT ngày 06/02/2018 về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 04/2018/KDTM-PT NGÀY 06/02/2018 VỀ YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ TIỀN

Ngày 06 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 23/2017/TLPT- KDTM ngày 02 tháng 11 năm 2017 về việc: “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền”

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2017/KDTM-ST ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 14/2017/QĐ-PT ngày 14 tháng 11 năm 2017; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 19/2017/QĐ-PT ngày 30 tháng 11 năm 2017; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 07/2017/QĐ-PT ngày 29 tháng 12 năm 2017; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 02/2018/QĐ-PT ngày 26 tháng 01 năm 2018, giữa các đương sự:

– Nguyên đơn: Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông Đ; địa chỉ tại số 77 đường N, phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Văn P, sinh năm 1972; cư trú tại Phòng B, chung cư N, H, thành phố Hà Nội, là người đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền số 592/GUQ-TCT5 ngày 28.4.2017). Có mặt.

– Bị đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ; địa chỉ tại Tầng 12 Tòa nhà V, số 255-257 H, phường V, quận T, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Thái Thanh T, sinh năm 1977; địa chỉ liên lạc: Tầng 12 Tòa nhà V, số 255-257 H, phường V, quận T, thành phố Đà Nẵng (Theo Giấy ủy quyền số:01/UQ-HC.579 ngày 02/02/2018). Có mặt.

3. Người kháng cáo

– Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông Đ – nguyên đơn

– Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ – bị đơn

4. Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 26/4/2017, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện hợp pháp của nguyên đơn – Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông Đ trình bày:

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ (gọi tắt là Công ty Đ) được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Đầu tư và Xây dựng Đ, một đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông Đ (gọi tắt là Tổng Công ty CĐ) theo Quyết định 5079/QĐ-BGTVT ngày 30.12.2005 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty Đầu tư và Xây dựng Đ thành công ty cổ phần.

Theo Quyết định số 1834/QĐ-BGTVT ngày 18.8.2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần quyết toán chi phí cổ phần hóa của Công ty Đ, phần vốn nhà nước Công ty Đ còn phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Tổng Công ty là 202.461.546 đồng. Ngoài ra, Công ty Đ còn nợ Tổng Công ty CĐ tiền cổ tức và nhiều khoản công nợ khác.

Ngày 30.6.2013, đại diện Công ty Đ và đại diện Tổng Công ty CĐ đã lập biên bản đối chiếu công nợ, theo đó, các bên đồng ý xác nhận đến thời điểm đối chiếu, Công ty Đ còn nợ Tổng Công ty CĐ số tiền 4.099.314.732đ (chưa tính lãi chậm trả). Tổng Công ty CĐ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Đ phải thanh toán các khoản tiền còn nợ nêu trên và lãi chậm trả. Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty Đ vẫn không thực hiện việc thanh toán theo yêu cầu của Tổng Công ty CĐ. Do vậy, Tổng Công ty CĐ khởi kiện yêu cầu buộc Công ty Đ thanh toán số tiền 8.561.089.732 đồng gồm số tiền nợ gốc 4.099.314.732 đồng và lãi chậm trả tạm tính đến ngày 31.12.2016 là 4.461.775.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Tổng công ty CĐ giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đối với khoản tiền gốc là 4.099.314.732 đồng, thay đổi một phần đối với khoản tiền lãi, yêu cầu Công ty Đ trả lãi chậm trả theo lãi suất cơ bản 9%/năm từ ngày vi phạm 01/7/2007 và từ ngày BLDS 2015 có hiệu lực là 10%/năm đến ngày xét xử sơ thẩm 29/9/2017, cụ thể khoản tiền lãi là 3.480.627.000 đồng. Tổng cộng, Công ty Đ phải trả là: 7.579.941.732 đồng.

* Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, đại diện hợp pháp của bị đơn – Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ (Công ty Đ) trình bày:

Ngày 30/6/2013, đại diện Công ty Đ và đại diện Tổng Công ty CĐ đã lập biên bản đối chiếu công nợ, theo đó, các bên đồng ý xác nhận đến thời điểm đối chiếu, Công ty Đ còn nợ Tổng công ty CĐ số tiền 4.099.314.732đ. Tuy nhiên, qua xem xét đối chiếu sổ sách, tài liệu thì Công ty Đ chưa xác định được số nợ trên.

Nay, Tổng công ty CĐ khởi kiện yêu cầu buộc Công ty Đ thanh toán số tiền 7.579.941.732 đồng, gồm số tiền nợ gốc 4.099.314.732 đồng và lãi chậm trả tạm tính đến ngày 29/9/2017 là 3.480.627.000 đồng thì Công ty Đ chỉ đồng ý thanh toán cho Tổng Công ty CĐ số tiền khoảng 1 tỷ đồng tiền gốc và không đồng ý trả số tiền lãi. Vì hiện nay công nợ của Công ty Đ không thu được từ các công ty thành viên, thêm vào đó, Công ty Đ đang gặp khó khăn.

Với nội dung trên, Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2017/KDTM-ST ngày 29-9-2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng áp dụng Điều 280 BLDS 2015, quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền” của Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông Đ đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ.

2. Buộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ phải trả cho Tổng Công ty xây công trình Giao thông Đ số tiền 4.099.314.732đ đồng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc trả tiền lãi số tiền 3.480.627.000 đồng của Tổng Công ty xây công trình Giao thông Đ đối với Công t Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

* Ngày 03 tháng 10 năm 2017, Công ty Đ có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, nội dung: Bản án sơ thẩm buộc Công ty Đ phải trả cho Tổng Công ty CĐ số tiền 4.099.314.732 đồng là không chính xác vì: (i) ông Nguyễn Lương G đại diện Công ty Đ xác nhận công nợ nhưng chưa được ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật; (ii) số tiền mà Tổng công ty CĐ yêu cầu trong đó có phần cổ tức được hưởng nhưng Công ty Đ chưa kiểm toán nên số liệu lãi, lỗ chưa chính xác. Do vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS, sửa bản án sơ thẩm về việc yêu cầu của Tổng công ty CĐ yêu cầu Công ty Đ trả số tiền 4.099.314.732 đồng là không chính xác.

* Ngày 06 tháng 10 năm 2017, Tổng Công ty CĐ có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền lãi chậm thanh toán đối với số tiền gốc là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng quy định tại Điều 357 BLDS 2015 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và khoản 2 Điều 305 BLDS 2005 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ. Do vậy, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 308,309 BLTTDS 2015 sửa một phần bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty CĐ về lãi chậm thanh toán, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán (tạm tính đến ngày 29/9/2017) số tiền: 3.480.627.000 đồng.

* Ngày 27 tháng 10 năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm về phần nợ lãi và áp dụng thời hiệu khởi kiện của bị đơn, nội dung: Căn cứ vào khoản 1 Điều 184 Bộ luật TTDS 2015, điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số: 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Điều 429 BLDS 2015 thì yêu cầu khởi kiện liên quan đến phần nợ lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm cần áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS để đình chỉ yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn; ngoài ra, việc nguyên đơn điều chỉnh giảm một phần yêu cầu tiền lãi chậm trả từ 4.461.775 đồng còn 3.480.627.000 đồng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nguyên đơn đã rút một phần khởi kiện và áp dụng Điều 244 BLTTDS để đình chỉ phần đã rút là không đúng. Do vậy, đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2017/KDTM-ST ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng, theo hướng: (i) đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện về tiền lãi 3.480.627.000 đồng của Tổng Công ty CĐ đối với Công ty Đ; (ii) hoàn trả cho Tổng công ty CĐ số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 3454 ngày 18/5/2017 của Chi cục Thi hành án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Tổng công ty CĐ và Công ty Đ vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, không bổ sung tài liệu, chứng cứ gì thêm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

(i) Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng:

Về thủ tục tố tụng: Kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn được thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm.

Về nội dung vụ án:

– Về phần nợ gốc: Công ty Đ được cổ phần hóa từ Công ty Đầu tư và Xây dựng Đ, đơn vị hoạch toán phụ thuộc của Tổng công ty CĐ. Các biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2006, 31/12/2011 và 30/6/2013, thể hiện các khoản nợ hai bên tranh chấp phát sinh từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, cổ tức Tổng Công ty CĐ được nhận từ 2006 và các khoản nợ khác phát sinh từ năm 2001 đến ngày 31/12/2012. Các biên bản xác nhận công nợ là sự thừa nhận nghĩa vụ dân sự, thực hiện nghĩa vụ trả tiền (đòi lại tài sản), không làm phát sinh quyền hay nghĩa vụ thương mại mới. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần nợ gốc là có cơ sở.

– Đối với phần nợ lãi và yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện của bị đơn: Theo quy định tại khoản 2 Điều 190 BLTTDS 2015, ngày khởi kiện tính từ ngày Tòa án cấp sơ thẩm nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, 11/5/2017. Ngày 30/6/2013, Công ty Đ thừa nhận nghĩa vụ của mình tại biên bản đối chiếu công nợ của hai bên. Căn cứ vào Điều 184 BL TTDS 2015, Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Điều 429 BLDS 2015, điểm b khoản 3 Điều 23 Nghị quyết số: 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thì thời hiệu khởi kiện đối với phần tiền lãi trong trường hợp này là 03 năm kể từ ngày Tổng Công ty CĐ biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, là ngày 01/7/2013, đến hết ngày 01/7/2017 (03 năm) là hết thời hiệu khởi kiện. Ngày 11/5/2017, Tổng Công ty CĐ mới thực hiện việc khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện. Trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, Công ty Đ đã có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện nên cần áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS đình chỉ yêu cầu khởi kiện đối với phần tiền lãi, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiếp tục giải quyết, tuyên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và buộc phải chịu án phí đối với phần lãi không được chấp nhận là không đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

– Ngoài ra, nguyên đơn chỉ điều chỉnh giảm về phần tiền lãi chậm trả, không thay đổi phạm vi khởi kiện, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 244 BLTTDS đình chỉ phần rút khoản tiền lãi này là không đúng pháp luật.

(ii) Đối với kháng cáo của bị đơn Công ty Đ: Ông Nguyễn Lương G là Phó Tổng Giám đốc Công ty Đ. Ông G ký xác nhận vào biên bản đối chiếu công nợ ngày 30/6/2013 là thay mặt công ty, có đóng dấu xác nhận của Công ty. Sau khi ông G ký xác nhận người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ không phản đối, tại bản tự khai ngày 16/01/2018 ông G cũng xác định việc ký đối chiếu công nợ với tư cách là đại diện Ban Giám đốc Công ty. Ngoài ra, tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2011 người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ cũng đã xác nhận tính đến ngày 31/12/2011 Công ty Đ nợ CĐ số tiền 3.358.564.314 đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần nợ gốc là có cơ sở.

Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng; không chấp nhận kháng cáo của Công ty Đ và Tổng Công ty CĐ; áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS, sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2017/KDTM-ST ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng, theo hướng: (i) đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện về tiền lãi 3.480.627.000 đồng của Tổng Công ty CĐ đối với Công ty Đ; (ii) hoàn trả cho Tổng Công ty CĐ số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 3454 ngày 18/5/2017 của Chi cục Thi hành án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
 
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, Hội đồng xét xử nhận định:
 
I. Về thủ tục tố tụng.
 
[1] Tranh chấp về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền giữa nguyên đơn Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông Đ và bị đơn Công ty Cơ phần Đầu tư và Xây dựng Đ, có trụ sở tại địa bàn quận T, thành phố Đà Nẵng, nên Tòa án nhân dân quận T thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng quy định tại khoản 1 Điều 30, Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tung dân sự 2015.
 
[2] Ông Nguyễn Lương G có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, nên căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án.
 
II. Về nội dung vụ án.
 
[1] Xét kháng cáo của bị đơn Công ty Đ đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về phần nợ gốc 4.099.314.732 đồng:
 
[1.1] Theo Quyết định số: 5079/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2005, Quyết định số: 1834/QĐ-BGTVT ngày 18/8/2011 của Bộ Giao thông vận tải, Công ty Đ được cổ phần hóa từ Công ty Đầu tư và Xây dựng Đ (vốn là đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty CĐ) theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Ngày 01/9/2011, Tổng Công ty CĐ bàn giao doanh nghiệp cho Công ty Đ.
 
[1.2] Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ: Công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Công ty Đ kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao theo thỏa thuận tại biên bản bàn giao ngày 01/9/2011 nên phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản còn nợ cho Tổng Công ty CĐ.
 
[1.3] Các tài liệu thể hiện khoản nợ của Công ty Đ đối với Tổng Công ty CĐ, gồm: các biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2006, ngày 31/12/2011 do ông Đàm Quang T – là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ ký xác nhận, tính đến thời điểm 31/12/2011 Công ty Đ nợ Tổng Công ty CĐ số tiền 3.352.000.741 đồng và biên bản đối chiếu công nợ ngày 30/6/2013 do ông Nguyễn Lương G – Phó Tổng Giám đốc Công ty Đ xác nhận, tính đến ngày 30/6/2013 Công ty Đ nợ Tổng Công ty CĐ số tiền 4.099.314.732 đồng. Công ty Đ thừa nhận khoản nợ tại các biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2006, ngày 31/12/2011. Đối với biên bản đối chiếu công nợ ngày 30/6/2013, Công ty Đ cho rằng: ông G – Phó Tổng Giám đốc ký nhưng không có ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của Công ty nên không có hiệu lực và số tiền mà Tổng công ty CĐ yêu cầu trong đó có phần cổ tức được hưởng nhưng Công ty Đ chưa kiểm toán nên số liệu lãi, lỗ chưa chính xác.
 
[1.4] Tuy nhiên, sau khi ông G ký đối chiếu công nợ ngày 30/6/2013, Tổng Công ty CĐ nhiều lần gửi văn bản yêu cầu trả nợ nhưng Công ty Đ không có ý kiến phản đối. Tại cấp sơ thẩm, Tòa án thông báo thụ lý, công khai chứng cứ và hòa giải Công ty Đ không có ý kiến phản đối số tiền nợ gốc 4.099.314.732 đồng mà ông G đã đối chiếu. Ngoài ra, theo trình bày của ông G tại bản khai ngày 16/01/2018, ông G ký đối chiếu công nợ là đại diện Ban Giám đốc Công ty Đ sau khi được Phòng kế toán của Công ty kiểm tra và tham mưu ký xác nhận, trong khoản tiền 4.099.314.732 đồng gồm có khoản nợ 3.352.000.741 đồng mà ông Đàm Quang T – là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ ký xác nhận tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2011 và khoản tiền cổ tức năm 2010 và 2011 mà Tổng Công ty CĐ được chia. Nội dung ông G trình bày về khoản tiền cổ tức năm 2010 và 2011 mà Tổng Công ty CĐ được chia phù hợp với các Nghị quyết số: 01/2011/NQ-ĐHĐCĐ ngày 19/5/2011 và Nghị quyết số: 01/2012/NQ-ĐHĐCĐ ngày 31/5/2012 Đại Hội đồng cổ đông Công ty Đ.
 
[1.5] Do vậy, bản án sơ thẩm căn cứ vào các biên bản đối chiếu công nợ nêu trên để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần nợ gốc với số tiền 4.099.314.732 đồng là có cơ sở, nên kháng cáo của Công ty Đ không có căn cứ để Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận
 
[2] Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng và kháng cáo của nguyên đơn về yêu cầu tính tiền lãi chậm trả là 3.480.627.000 đồng:
 
[2.1] Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 184 BLTTDS 2015: Thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Tại Biên bản phiên tòa lập ngày 25/9/2017 thể hiện đại diện bị đơn đã có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với phần tiền lãi chậm trả trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm cần xem xét, nhận định trong bản án để giải quyết yêu cầu của bị đơn mới đúng thủ tục tố tụng quy định.
 
[2.2] Theo khoản 1 Điều 184 BLTTDS, Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ – HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về thi hành Bộ luật tố tụng dân sự thì kể từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Bộ luật dân sự 2015 và luật khác có liên quan về thời hiệu để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự. Tranh chấp giữa Tổng Công ty CĐ và Công ty Đ liên quan đến yêu cầu thanh toán lãi đối với nghĩa vụ trả tiền, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại và Luật doanh nghiệp nên cần áp dụng quy định của Bộ luật dân sự 2015 để xác định thời hiệu khởi kiện của vụ án.
 
[2.3] Điểm b khoản 3 Nghị quyết số: 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu tng qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khỏi kiện và theo Ví dụ 1 thì đối với yêu cầu thanh toán tiền lãi thì áp dụng thời hiệu khởi kiện.
 
[2.4] Về thời hiệu khởi kiện: Theo Điều 429 Bộ luật dân sự 2015: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Và tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 157 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
 
[2.5] Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 30/6/2013, Công ty Đ đã thừa nhận toàn bộ nghĩa vụ của mình trước đó đối với Tổng công ty CĐ. Sau khi đối chiếu công nợ, Tổng Công ty CĐ trình bày có gửi nhiều văn bản có nội dung yêu cầu Công ty Đ trả nợ nhưng Công ty Đ không thực hiện.
 
[2.6] Căn cứ quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện như viện dẫn trên, thì thời hiệu khởi kiện đối với phần tiền lãi trong trường hợp này là 03 năm kể từ ngày Tổng Công ty CĐ biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, là ngày 01/7/2013 và đến hết ngày 01/7/2017 (03 năm). Ngày 11/5/2017, Tổng Công ty CĐ mới thực hiện việc khởi kiện là thuộc trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện. Công ty Đ đã có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án. Hội đồng xét xử sơ thẩm cần áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ yêu cầu khởi kiện đối với phần tiền lãi chậm trả mà nguyên đơn yêu cầu. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm quyết định không chấp nhận yêu cầu và buộc nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần không được chấp nhận là không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy cần sửa phần này của bản án sơ thẩm, đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần tiền lãi chậm trả 3.480.627.000 đồng.
 
[2.7] Đối với kháng cáo của Tông Công ty CĐ đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền lãi chậm thanh toán đối với số tiền gốc theo quy định tại Điều 357 BLDS 2015 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và khoản 2 Điều 305 BLDS 2005 về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ. Như Hội đồng xét xử phúc thẩm đã phân tích trên, khoản tiền lãi chậm thanh toán đã hết thời hiệu khởi kiện nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty CĐ.
 
[2.8] Ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn điều chỉnh giảm một phần về khoản tiền lãi chậm trả từ 4.461.775.000 đồng còn 3.480.627.000 đồng. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên phạm vi khởi kiện bạn đầu về tiền lãi chậm trả, chỉ điều chỉnh cách tính và giá trị của khoản tiền lãi chậm trả, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 244 BLTTDS đình chỉ phần rút khoản tiền lãi này là không đúng pháp luật, cần rút kinh nghiệm.
 
[3] Từ những phân tích, nhận định trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng là đúng quy định của pháp luật nên chấp nhận; không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty CĐ và Công ty Đ. Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS, sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2017/KDTM-ST ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng, theo hướng:
 
(i) Chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty CĐ về khoản tiền gốc là 4.099.314.732 đồng;
 
(ii) Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện về tiền lãi 3.480.627.000 đồng của Tổng Công ty CĐ đối với Công ty Đ;
 
(ii) Hoàn trả cho Tổng công ty CĐ số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 3454 ngày 18/5/2017 của Chi cục Thi hành án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng, như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.
 
[4] Về án phí.
 
[4.1] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
 
[4.1.1] Do chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty CĐ, nên căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTV/QH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Công ty Đ phải chịu án phí sơ thẩm là: 112.099.314 đồng.
 
[4.1.2] Hoàn trả cho Tổng công ty CĐ số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đã nộp là 58.280.544 đồng theo biên lai thu số 3454 ngày 18.5.2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.
 
[4.1.3] Do đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu tính lãi của Tổng công ty CĐ nên Tổng Công ty CĐ không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với yêu cầu tính lãi theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. [4.2] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
 
[4.2.1] Do sửa bản án sơ thẩm nên Tổng Công ty CĐ và Công ty Đ không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
 
[4.2.2] Hoàn trả cho Công ty Đ số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 7570 ngày 12/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.
 
[4.2.3] Hoàn trả cho Tổng Công ty CĐ số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 7581 ngày 17/10/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.
 
Vì các lẽ trên;
 
QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

– Điều 290 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 157, 429 Bộ luât dân sự 2015;

– Điều 184, điểm e khoản 1 Điều 217, khoản 3 Điều 296, khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

– Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ – HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điểm b khoản 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ- HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC

– Khoản 3 Điều 18, khoản 4 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTV/QH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”.

Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng; Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông Đ và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ, sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 13/2017/KDTM-ST ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận T, thành phố Đà Nẵng.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Xây công trình Giao thông Đ đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ.

2. Buộc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Đ phải trả cho Tổng Công ty xây công trình Giao thông Đ số tiền 4.099.314.732đ đồng (Bốn tỉ, không trăm chín mươi chín triệu, ba trăm mười bốn nghìn, bảy trăm ba mươi hai đồng).

4. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu trả tiền lãi số tiền 3.480.627.000 đồng của Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông Đ đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ.

5. Về án phí

5.1. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

– Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ phải chịu án phí sơ thẩm là 112.099.314đ

– Hoàn trả cho Tổng Công ty Xây công trình Giao thông CĐ số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 58.280.544 đồng đã nộp theo biên lai thu số 3454 ngày 18/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.

5.2 Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Tổng Công ty Xây công trình Giao thông CĐ và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ không phải chịu.

– Hoàn trả cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đ số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 7570 ngày 12/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.

– Hoàn trả cho Tổng Công ty xây công trình Giao thông CĐ số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm 2.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 7581 ngày 17/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận T, thành phố Đà Nẵng.

6. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10% tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

7. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

» Luật sư bảo vệ dân sự