Hiện nay, các đối tượng mua bán người đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa bán phụ nữ, trẻ em, trong đó có các hình thức tội phạm mới phát sinh như đẻ thuê, bán bào thai…
Hỏi: Hiện nay, dư luận bức xúc trước những thông tin về việc mua bán bào thai diễn ra tại các vùng núi, vùng giáp ranh với Trung Quốc. Xin Báo PNVN cho biết, hành vi mua bán bào thai có bị xử lý hình sự theo quy định hiện hành không? Hải Minh (Thừa Thiên-Huế)
Tư vấn hành vi mua, bán bào thai bị xử lý hình sự thế nào?
Trả lời: Luật sư Đặng Thành Chung, Công ty luật An Ninh cho biết: Hiện nay, tại Điều 151 Bộ luật Hình sự quy định Tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Căn cứ theo quy định này thì nạn nhân của tội phạm này phải là người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, bào thai chưa được coi là người. Chính vì thế sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:
– Trường hợp 1: Mua bán bào thai diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền sau khi sinh. Nghĩa là tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra và bị cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện. Trường hợp này có thể truy cứu cá đối tượng theo Tội mua bán người dưới 16 tuổi với mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Trường hợp 2: Mua bán bào thai diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng vụ việc bị bắt quả tang trước thời điểm đứa trẻ sinh ra thì không thể xử lý hình sự vì lúc này hành vi không cấu thành tội phạm. Đối với trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần lưu ý đến vấn để xác định người mẹ là nạn nhân hay đồng phạm. Nếu người mẹ có nhận thức kém hoặc bị ép buộc thì xác định là nạn nhân. Còn nếu người mẹ có mục đích vụ lợi nhằm kiếm tiền và thực hiện hành vi như một kiểu “hành nghề” thì xác định là đồng phạm và cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đặng Thành Chung có phần trả lời trên báo theo phunuvietnam.vn