Đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, vấn đề xác định thẩm quyền xét xử của tòa án thường phức tạp hơn các vụ việc dân sự trong nước bởi có thể liên quan đến thẩm quyền của cả hệ thống nước ngoài.
Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015, một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam theo 2 cách:
Thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam hoặc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam.
Một vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam nghĩa là pháp luật Việt Nam quy định tòa án Việt Nam có thẩm quyền xét xử, song nếu tòa án nước ngoài xét xử vụ việc đó thì phán quyết tương ứng của tòa án nước ngoài có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Nếu vụ việc thuộc loại này được đưa lên một tòa án của Việt Nam thì tòa án đó phải xác định tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Nếu vụ việc được đưa lên tòa án nước ngoài và tòa án nước ngoài xác định có thẩm quyền xét xử thì sau khi vụ việc được xét xử ở nước ngoài, bản án có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bởi tòa án Việt Nam.
Về các trường hợp cụ thể nằm trong thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Điều 469 BLTTDS năm 2015 quy định rõ: Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự nếu bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Trong trường hợp bị đơn là cơ quan tổ chức thì dấu hiệu có trụ sở tại Việt Nam được xem là căn cứ để xác định thẩm quyền của tòa án Việt Nam.
Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền chung để giải quyết các trường hợp vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà bị đơn có tài sản ở Việt Nam, các vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với vụ việc ly hôn thì chỉ cần một trong các bên là công dân Việt Nam thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết, ở đây dấu hiệu quốc tịch là căn cứ xác định thẩm quyền.
Ngoài các dấu hiệu về quốc tịch, nơi cư trú, nơi có trụ sở nêu trên thì dấu hiệu sự kiện pháp lý làm xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hoặc dấu hiệu nơi có tài sản là đối tượng của quan hệ cũng được ghi nhận. Cụ thể, nếu có sự kiện pháp lý xảy ra ở Việt Nam và từ sự kiện đó quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác lập, thay đổi, chấm dứt thì vụ việc về quan hệ đó do tòa Việt Nam giải quyết.
Trường hợp khác là quan hệ liên quan đến tài sản mà tài sản lại đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền. Nếu sự kiện pháp lý xảy ra ở nước ngoài nhưng các cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam có liên quan về quyền và nghĩa vụ hoặc các cá nhân này cư trú ở Việt Nam, các cơ quan tổ chức này có trụ sở ở Việt Nam thì tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền giải quyết.
Còn thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm các loại vụ việc mà đối với tòa án Việt Nam thì chỉ có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam. Nói cách khác là đối với những trường hợp này thì tòa án Việt Nam chỉ thừa nhận phán quyết về vụ việc nếu phán quyết đó là của tòa án Việt Nam, nếu các bên đưa vụ việc ra tòa án nước ngoài xét xử thì phán quyết của tòa án nước ngoài về vụ việc sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Theo Điều 470 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm các vụ việc liên quan đến bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam; vụ án ly hôn mà cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài tại Việt Nam; yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; tuyên bố về việc mất tích, chết của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hoặc tuyên bố hạn chế năng lực hành vi của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc lập quyền, nghĩa vụ của họ tại Việt Nam.
Tòa án Việt Nam có thẩm quyền công nhận một tài sản nào đó là tài sản vô chủ hoặc công nhận quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ của người quản lý tài sản đó. Ngoài ra, khi pháp luật cho phép các bên lựa chọn tòa án để giải quyết vụ việc và các bên đã chọn tòa án Việt Nam thì chỉ có tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền.
Thực tế cũng cho thấy, một vụ việc được giải quyết cần có thời gian để làm các thủ tục nhất định, với một số trường hợp đang trong quá trình giải quyết vụ việc lại có những tình tiết mới, những thay đổi mà nếu căn cứ vào những thay đổi đó thẩm quyền giải quyết vụ việc có thể sẽ thay đổi theo. Do đó, để bảo đảm sự ổn định của quá trình tố tụng cũng như tránh việc các đương sự cố tình tạo tình huống nhằm điều chỉnh thẩm quyền của tòa án, pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam quy định cho dù thay đổi, có tình tiết mới làm thay đổi cơ sở xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam thì thẩm quyền đó vẫn không thay đổi và tòa án Việt Nam vẫn tiếp tục thụ lý vụ việc.
» Thẩm quyền xét xử của Tòa án theo Bộ luật Tố tụng Dân sự
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo