Áp dụng thời hiệu với yêu cầu phản tố

Áp dụng thời hiệu với yêu cầu phản tố. Phản tố quy định tại c khoản 2 Điều 200 BLTTDS năm 2015 nêu lên mối quan hệ giữa yêu cầu phản tố với yêu cầu khởi kiện và ý nghĩa của nó. Việc yêu cầu phản tố được tòa án chấp nhận giải quyết trong cùng một vụ án là để việc giải quyết được chính xác và nhanh hơn, thuận tiện hơn cho các đương sự. Đây là ý nghĩa chung của tất cả các loại yêu cầu phản tố được phân loại tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 200 BLTTDS năm 2015. Và cũng chỉ có hai loại yêu cầu phản tố gồm: loại phản tố để bù trừ nghĩa vụ và loại phản tố dẫn đến việc loại trừ chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. 

Áp dụng thời hiệu khởi kiện với yêu cầu phản tố

1. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn tại khoản 2 Điều 200 BLTTDS năm 2015:

“…2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”.

Nội dung của điều khoản này nhằm phân loại và nêu lên ý nghĩa của yêu cầu phản tố. Về phân loại, yêu cầu phản tố được chia thành 02 loại mặc dù chúng ta đang thấy được liệt kê trong điều luật là 03 (1), gồm: yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ hoặc yêu cầu phản tố dẫn đến loại trừ yêu cầu của nguyên đơn. Về ý nghĩa, yêu cầu phản tố được giải quyết trong cùng vụ án để chính xác hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn cho các đương sự.

2. Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập tại Điều 202 BLTTDS năm 2015 như sau:

“Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn”.

Thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn nghĩa là yêu cầu phản tố của bị đơn phải được gửi cho tòa án bằng đơn khởi kiện (2), phải nộp tạm ứng án phí nếu không thuộc trường hợp được miễn, rồi kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm… Tòa án khi thụ lý yêu cầu phản tố cũng phải kiểm tra các điều kiện như điều kiện khởi kiện đó là điều kiện về chủ thể, thẩm quyền của Tòa án, sự việc chưa được tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật trừ một số trường hợp; điều kiện do pháp luật nội dung quy định hoặc các bên có thỏa thuận (3).

3. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn tại khoản 6 Điều 72 BLTTDS năm 2015 quy định như sau:

“Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác”.

Quy định này nêu ra hướng dẫn trong trường hợp yêu cầu phản tố không được tòa án chấp nhận đưa vào giải quyết trong cùng vụ án, nhưng theo chúng tôi, đây lại là quy định thể hiện rõ nhất bản chất pháp lý của yêu cầu phản tố. Quy định cho phép bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác nghĩa là các nhà làm luật ngầm mặc định yêu cầu phản tố như là một yêu cầu khởi kiện. Có như thế, bị đơn mới được khởi kiện bằng một vụ án khác.

Từ các phân tích nêu trên, chúng ta có thể rút ra các đặc trưng của yêu cầu phản tố như sau:

– Là yêu cầu khởi kiện của bị đơn đối với nguyên đơn. Yêu cầu này tự bản thân nó đã là một yêu cầu khởi kiện, không phải phát sinh trên cơ sở của yêu cầu khởi kiện.

– Có thể giải quyết bằng một vụ án khác.

– Để bù trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ yêu cầu của nguyên đơn.

– Việc giải quyết trong cùng vụ án là để nhanh hơn, chính xác hơn, thuận tiện hơn cho đương sự.

Do đã xác định được bản chất của yêu cầu phản tố là một yêu cầu khởi kiện nên các quy định về thời hiệu khởi kiện cũng phải được áp dụng đối với yêu cầu phản tố.

4. Nhầm lẫn giữa thời hạn thực hiện quyền phản tố với việc không áp dụng thời hiệu

Tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015 quy định:

“Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

Đây là một cơ sở để những người ủng hộ cho quan điểm không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố dẫn chứng. Theo họ, quy định tại Điều 200 BLTTDS năm 2015 về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn không có nội dung nào xác định bị đơn phải phản tố trong thời hiệu khởi kiện, chỉ cần yêu cầu này đưa ra trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tác giả cho rằng ở đây có sự nhầm lẫn về việc giải thích và áp dụng pháp luật. Để giải quyết một vấn đề pháp lý cần phải áp dụng tổng thể các quy định của pháp luật có liên quan điều chỉnh vấn đề đó. Có như vậy mới bảo đảm tính ổn định và thống nhất trong việc giải thích và áp dụng pháp luật, không rơi vào chuyện áp dụng máy móc.

Mặc dù BLTTDS năm 2015 không có điều khoản quy định trực tiếp về thời hiệu của yêu cầu phản tố nhưng như đã phân tích ở trên, chúng ta thấy thủ tục phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện.

Như vậy, luật không có quy định trực tiếp nhưng có quy định gián tiếp, không thể nói là không có quy định.

Hơn nữa, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố vào bất kỳ thời điểm nào miễn trước thời điểm quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng đánh đồng điều này với việc không áp dụng thời hiệu với yêu cầu phản tố là có vấn đề.

Giới hạn về thời gian tại khoản 3 Điều 200 là giới hạn để bị đơn thực hiện quyền phản tố. Nhưng việc đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm này chỉ mang lại cho bị đơn kết quả là tòa án chấp nhận đưa vào để giải quyết trong cùng vụ án đang thụ lý. Còn việc Tòa án chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn hay không thì phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về thời hiệu nếu nguyên đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu. Cần phân biệt rõ ràng thì mới tránh được nhầm lẫn.

Tóm lại:

Thời hiệu phản tố còn, nhưng bị đơn nộp sau thời điểm quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015, Tòa án không chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án, nhưng bị đơn vẫn còn quyền khởi kiện lại.
Thời hiệu phản tố hết, nhưng bị đơn yêu cầu trước thời điểm khoản 3 Điều 200 BLTTDS năm 2015, tòa vẫn thụ lý giải quyết trong cùng vụ án nhưng sẽ bị đình chỉ nếu nguyên đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu.

Trường hợp không áp dụng thời hiệu với yêu cầu phản tố

Giả sử việc không áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố là đúng và giả sử B đưa ra yêu cầu phản tố khi đã hết thời hiệu. Vậy ta sẽ có:

Trường hợp thứ nhất: A khởi kiện, B phản tố => Tòa chấp nhận giải quyết và không đình chỉ yêu cầu phản tố của B.

Trường hợp thứ hai: A không khởi kiện, B khởi kiện A (đặt trong trường hợp thứ nhất thì chính là B phản tố. Do đặt trong hoàn cảnh khác nhau nên tên khác nhau, bản chất không thay đổi) => tòa đình chỉ yêu cầu khởi kiện của B (4).

Cùng một sự việc, bản chất như nhau, chỉ khác tên gọi nhưng ở trường hợp thứ nhất không bị đình chỉ, ở trường hợp thứ hai lại bị đình chỉ, hay nói một cách khác, một sự vật vừa là A, vừa là phủ định A. Vô lý và vi phạm luật logic. Do đó, giả định không áp dụng thời hiệu với yêu cầu phản tố là sai.

Như vậy, qua việc tổng hợp, phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến yêu cầu phản tố cũng như phản biện các quan điểm ủng hộ không áp dụng thời hiệu với yêu cầu phản tố, tác giả đã chứng minh việc áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố phải được thực hiện như yêu cầu khởi kiện.

Bài viết này sẽ góp phần giải quyết được các quan điểm, cách hiểu chưa thống nhất về vấn đề thời hiệu đối với yêu cầu phản tố. 

theo lsvn.vn

» Yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập