Việt Nam đã có thể yêu cầu Tập đoàn Monsanto bồi thường thiệt hại?
Sau khi Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) công bố kết luận, Việt Nam đã có thể yêu cầu Tập đoàn Monsanto bồi thường thiệt do những hành vi của họ gây ra không? Tập đoàn Monsanto sẽ phải bồi thường những khoản gì? Và để được bồi thường, cần làm những thủ tục gì?…
Sau khi Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) công bố kết luận: Tập đoàn Monsanto đã hủy diệt môi trường và các thẩm phán cũng xác nhận Monsanto đã gây thiệt hại cho người dân Việt Nam, nhiều bạn đọc đã hỏi: Với kết luận này Việt Nam đã có thể yêu cầu Tập đoàn Monsanto bồi thường thiệt do những hành vi của họ gây ra? Tập đoàn Monsanto sẽ phải bồi thường những khoản gì? Và để được bồi thường, cần làm những thủ tục gì?…
Xung quanh vấn đề này, luật sư cho biết:
Do là phiên tòa công dân nên về mặt pháp lý, đây chỉ được coi là kiến nghị tham vấn mà không có giá trị ràng buộc, yêu cầu Monsanto phải bồi thường ngay lập tức cho người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, vụ Monsanto có vai trò như án điểm cho Tòa xét xử vấn đề này về sau, bằng cách đưa ra các lập luận và các khái niệm mới về tội phạm môi trường quốc tế.
Mặt khác, các kết luận của Tòa án thể hiện trong phán quyết đã cung cấp một hồ sơ pháp lý đầy đủ dùng làm án lệ cho các vụ khởi kiện sau này chống lại Monsanto và các công ty hóa học tương tự tại các cơ quan toà án quốc tế khác và tại chính toà La Haye.
Từ phán quyết này, các chuyên gia luật công pháp quốc tế, các luật sư quốc tế và cơ quan chức năng Việt Nam cần nghiên cứu nhiều hơn về các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế để nhằm giúp các nạn nhân da cam Việt Nam đòi được bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho mình.
– Theo luật sư, kết luận này mới chỉ ghi nhận việc môi trường của Việt Nam bị hủy diệt; người dân Việt Nam bị thiệt hại là do lỗi của Tập đoàn Monsanto, nhưng Việt nam chưa thể yêu cầu Tập đoàn Monsanto bồi thường thiệt hại. Vậy để được bồi thường thiệt hại, Việt Nam phải làm gì?
Hiện nay, trên thế giới có cơ chế giải quyết thông qua toà án hình sự quốc tế để được bồi thường về những thiệt hại về môi trường. Các tổ chức đại diện cho người dân Việt Nam bị thiệt hại có thể nghiên cứu, xem xét, cân nhắc để khởi kiện Tập đoàn Monsanto ra Tòa án Hình sự quốc tế về hành vi “làm tổn hại trên diện rộng, lâu dài và nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên” được quy định tại Điều 8 của Quy chế Rome năm 1998.
Theo đó, Quy chế Rome cũng quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại cho nạn nhân (Điều 75) như sau:
“1. Tòa án phải xác lập các nguyên tắc liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại, hoặc liên quan đến người bị hại bao gồm: việc bồi hoàn, bồi thường và phục hồi. Trên cơ sở quyết định của mình, Tòa án có thể theo đề nghị hoặc tự mình trong những hoàn cảnh đặc biệt, xác định phạm vi và mức độ của bất cứ thiệt hại, mất mát và tổn thương nào đã gây ra cho người bị hại hoặc liên quan đến người bị hại và phải tuyên bố những nguyên tắc mà dựa vào đó Tòa án đã quyết định.
2. Tòa án có thể phát lệnh trực tiếp đối với người bị kết tội xác định mức bồi thường thích đáng cho người bị hại hoặc liên quan đến người bị hại bao gồm việc bồi hoàn, bồi thường và phục hồi.
Nếu xét thấy thích hợp, Tòa án có thể ra lệnh trích tiền bồi thường từ Qũy Uỷ thác quy định tại Điều 79.
3. Trước khi ra quyết định tại Điều này, Tòa án có thể yêu cầu và xem xét ý kiến của người bị kết tội, người bị hại, những người có liên quan khác hoặc người đại diện của họ và các Quốc gia có liên quan…”.
Nguyên đơn có thể sử dụng phán quyết của toà La Haye trong vụ này để rút ngắn thời gian khởi kiện và đòi công lý. Và đây được coi là một nguồn chứng cứ tham khảo quan trọng giúp cho các thẩm phán của toà hình sự quốc tế xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng.
Cũng phải lưu ý rằng, trước đây, Việt Nam cũng đã khởi kiện các công ty hoá chất Hoa Kỳ ra toà án Hoa Kỳ để đòi công lý nhưng đã bị bác đơn.
Lần này, các đại diện của người dân Việt Nam đã khởi kiện bằng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế như toà La Haye, đây được coi là một bước đi đúng đắn để đòi công lý.
Với các phán quyết từ các thẩm phán và các cơ quan giải quyết tranh chấp có uy tín trên thế giới, đây được coi là một sức ép dư luận lớn để các công ty hoá chất Hoa Kỳ như Monsanto phải cân nhắc, xem xét để tiến hành hoạt động bồi thường cho nhân dân Việt Nam.
theo danviet.vn