Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định như thế nào và các yếu tố cấu thành của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ tại Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ

1. Theo quy định thì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ được quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự như sau:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

2. Các yếu tố cấu thành tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ:

2.1. Mặt khách thể:

 Tội phạm này xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.

+ Về đối tượng bị xâm phạm gồm:

Các lợi ích của Nhà nước gồm lợi ích về chính trị, về kinh tế và lợi ích trên các lĩnh vực khác.

Quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân bao gồm các quyền, lợi ích hợp pháp về chính trị, về kinh tế, về dân sự… được pháp luật thừa nhận và bảo hộ (như quyền tự do kinh doanh, quyền thừa kế…)

Các quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Gồm các quyền:

+ Quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu bày tỏ ý kiến của cá nhân.

+ Quyền tự do báo chí, tự do viết bài và in báo, đưa tin cho báo chí.

+ Quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào nhất định.

+ Quyền tự do hội họp. Được hiểu là quyền tự do nhóm họp để trao đổi ý kiến về những lĩnh vực và những vấn đề nhất định.

+ Quyền tự do lập hội. Được hiểu là quyền tự do tổ chức ra các hội nhất định nhằm phục vụ tiến bộ xã hội.

Các quyển tự do dân chủ khác như: Quyền được bầu cử, quyền ứng cử, quyển khiếu nại, tố cáo…

2.2. Về chủ thể:

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có đủ khả năng lực trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điều luật nêu trên thì mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù. Do đó, theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 về ‘Tuổi chịu trách nhiệm hình sự” thì: Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sư đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm.

2.3. Mặt khách quan của tội phạm

– Hành vi:

Người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ nhằm mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Các quyền tự do dân chủ của công dân như:

+ Quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu bày tỏ ý kiến của cá nhân.

+ Quyền tự do báo chí, tự do viết bài và in báo, đưa tin cho báo chí.

+ Quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào nhất định.

+ Quyền tự do hội họp. Được hiểu là quyền tự do nhóm họp để trao đổi ý kiến về những lĩnh vực và những vấn đề nhất định.

+ Quyền tự do lập hội. Được hiểu là quyền tự do tổ chức ra các hội nhất định nhằm phục vụ tiến bộ xã hội.

+ Quyền được bầu cử, quyền ứng cử, quyển khiếu nại, tố cáo…

– Hậu quả của hành vi:

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là tội phạm có cấu thành hình thức nên được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này.

2.4 Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 2 khung, cụ thể như sau:

+ Khung một (khoản 1).

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.

+ Khung hai (khoản 2).

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

» Bị nói xấu trên mạng, ứng xử thế nào?

» Phân biệt tội làm nhục người khác và tội vu khống