Trình tự giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo

Trình tự giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo 2018 mới nhất. Tố cáo là quyền của công dân. Tố cáo là một trong những thủ tục giúp xử lý những hành vi vi phạm của pháp luật, hành vi này có thể được thực hiện bởi cán bộ quản lý nhà nước hoặc bởi những người dân.

Trình tự giải quyết tố cáo theo Luật tố cáo:
Căn cứ theo quy định của Điều 28 Luật tố cáo năm 2018 và Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật tố cáo thì quy trình giải quyết tố cáo được thực hiện thông qua các bước sau:

– Thụ lý tố cáo;
– Xác minh nội dung tố cáo;
– Kết luận nội dung tố cáo
– Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo

Các bước giải quyết tố cáo được quy định chi tiết như sau:

Bước 1: Thụ lý tố cáo
(Quy định tại Điều 29
Luật tố cáo năm 2018)

Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện:

(1) Tố cáo được thực hiện theo quy định về tiếp nhận tố cáo;

(2) Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;

(3) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;

(4) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.

Bước 2: Xác minh nội dung tố cáo
(Quy định tại Điều 31 Luật tố cáo năm 2018)

– Người giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo (sau đây gọi chung là người xác minh nội dung tố cáo).

– Người giải quyết tố cáo giao cho người xác minh nội dung tố cáo bằng văn bản như ngày, tháng, tên, địa chỉ của người tố cáo…..

– Người xác minh nội dung tố cáo phải tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập các thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo. Thông tin, tài liệu thu thập phải được ghi chép thành văn bản, khi cần thiết thì lập thành biên bản, được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc tố cáo.

Ngoài ra, còn một số trường hợp khác thì theo quy định của pháp luật tố cáo hiện hành.

Bước 3: Kết luận nội dung tố cáo
(Quy định tại Điều 35 Luật tố cáo năm 2018)

– Căn cứ vào nội dung tố cáo, văn bản giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo phải kết luận bằng văn bản về nội dung tố cáo.

– Kết luận nội dung tố cáo phải có các nội dung theo quy định của pháp luật. 

Bước 4: Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo
(Quy định tại Điều 36 Luật tố cáo năm 2018)

Sau khi có kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý như sau:

– Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người bị tố cáo biết.

– Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm quy định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

– Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải bảo đảm không làm tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

» Mẫu đơn tố cáo, tố giác tội phạm

» Dịch vụ tư vấn luật tố cáo