Áp dụng trên thực tiễn quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong điều tra, tuy tố các vụ án về ma tuý, từ đó nhấn mạnh hoạt động đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội trong xét xử sơ thẩm hình sự.
Tuy BLTTHS năm 2015 đã có thêm bước tiến khi quy định người bào chữa được tham gia từ khi thân chủ bị bắt, đó là bước tiến quan trọng thể hiện sự tiến bộ của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Thực hiện quyền bào chữa của người bị buộc tội còn đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố và xét xử được diễn ra khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác, tránh để xảy ra tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội đôi khi còn gặp nhiều khó khăn bởi những trở ngại khác nhau như về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, sự phân bổ đội ngũ luật sư, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.
Thứ nhất: Về lựa chọn người bào chữa
Tại Điều 75 của BLTTHS năm 2015 quy định:
1. Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Như vậy, theo quy định trên thì trong thời hạn 12 giờ đối với trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ và 24 giờ đối với đối với người bị tạm giam, kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ.
Có thể thấy đối với những khu vực đô thị, thời hạn 12 giờ hay 24 giờ thì việc chuyển đơn cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ được thực hiện không mấy khó khăn nhưng đối với những huyện miền núi, hải đảo thì thời hạn trên khó có thể thực hiện được. Sự khó khăn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như: Việc bố trí số lượng luật sư không hợp lý giữa các vùng miền như hiện nay (một số tỉnh miền núi có số lượng luật sư và Trợ giúp viên pháp lý rất ít và chỉ tập trung tại thành phố, thị xã của tỉnh) đã gây nhiều thiệt thòi cho chính bản thân những người bị buộc tội vì bản thân những người bị buộc tội và người đại diện hoặc thân thích của họ không có nhiều sự lựa chọn Luật sư bào chữa, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Ở điều kiện bình thường, việc di chuyển, đi lại đã rất khó khăn do điều kiện về cơ sở hạ tầng, phương tiện chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Để chuyển được đơn đến đúng người bào chữa hay người đại diện hoặc người thân thích của họ đôi khi phải mất rất nhiều thời gian mới thực hiện được. Bên cạnh đó, những khu vực có điều kiện như trên thường chịu sự ảnh hưởng, tác động của điều kiện thời tiết (miền núi, vùng cao trời mưa có thể đi lại rất khó khăn, khu vực hải đảo gió cấp 5, cấp 6 thì các phương tiện vận tải không được phéo lưu thông).
Ngoài ra, theo quy định của điều luật trên trong trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa trong thời hạn 12 hoặc 24 giờ. Điều này cũng khó thực hiện đối với địa phương là huyện đảo, miền núi. Đơn cử như huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh hàng năm có rất nhiều người lao động ở các địa phương khác. Khi những người này bị nghi thực hiện hành vi phạm tội và bị bắt, tạm giữ, tạm giam thì để thực hiện quyền bào chữa cho họ trong trường hợp này theo đúng quy định và đúng thời hạn là rất khó. Cơ quan tiến hành tố tụng vừa gặp khó khăn về phương tiện đi chuyển, vừa gặp khó khăn về khoảng cách địa lý. Bên cạnh đó việc gặp đúng người đại diện hoặc người thân thích của những người đó đôi khi cũng không hề dễ dàng trong thực tế.
Thứ hai: Về chỉ định người bào chữa
Tại Điều 76 của BLTTHS 2015 quy định:
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Với việc mở rộng phạm vi chỉ định người bào chữa như trong BLTTHS năm 2015 đòi hỏi số lượng người bào chữa rất lớn, trong khi đó hiện nay số lượng Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý còn thiếu về số lượng, bên cạnh chất lượng còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, nếu tính tỷ lệ bình quân tổng số Luật sư trên tổng số dân của Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chủ yếu vẫn tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi có nơi không đủ số lượng luật sư để thành lập đoàn luật sư.
Việc bố trí số lượng luật sư không hợp lý giữa các vùng miền như hiện nay đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp phải chỉ định luật sư bào chữa và càng khó khăn hơn cho các cơ quan tiến hành tố tụng tại những huyện vùng cao, miền núi, hải đảo.
Thứ 3: Việc thực hiện các quyền của người bào chữa
Tại Điều 73 của BLTTHS năm 2015 quy định rất nhiều quyền mà người bào chữa được tham gia như: Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can; có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu…Mặt khác, tại Điều 79 của Bộ luật cũng quy định: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này.
Với những quy định trên, đòi hỏi trách nhiệm của người bào chữa cần phải được nâng cao hơn rất nhiều so với hiện nay, người bào chữa cần thực hiện tất cả các quyền mà luật cho phép để bào chữa cho thân chủ của mình khi được cơ quan tiến hành tố tụng thông báo trước. Trong thực tế, với những trường hợp người bào chữa được người bị buộc tội hay người đại diện hoặc người thân thích mời để bào chữa thì chắc chắn họ sẽ làm hết trách nhiệm của mình để bảo vệ thân chủ của mình mặc dù có những khó khăn trở ngại khách quan. Tuy nhiên, đối với những luật sư chỉ định theo Điều 76 của BLTTHS thì người bào chữa có thể không làm hết trách nhiệm của mình (vì những khó khăn về khoảng cách địa lý, trở ngại trong việc đi lại…), họ sẽ không bám sát vụ án trong quá trình điều tra, truy tố, bởi tại khoản 2, Điều 79 của BLTTHS đã “cho phép” họ có thể vắng mặt: “Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 của Bộ luật này”. Họ chỉ bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa (theo Điều 291 của BLTTHS).
Như vậy, trên thực tế giữa những người bị buộc tội đã có sự bất bình đẳng bởi nhiều yếu tố, lý do khác nhau trong đó có sự bất lợi về điều kiện tự nhiên, khoảng cách địa lý.
Có thể thấy rằng, mặc dù BLTTHS năm 2015 đã đưa vào những quy định mới, tiến bộ hơn trong việc thực hiện quyền bào chữa đối với người bị buộc tội, đáp ứng được yêu cầu trong tiến trình cải cách tư pháp và tiếp cận với nền tố tụng hình sự trên thế giới. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền bào chữa và sự bình đẳng giữa những người bị buộc tội với nhau, đặc biệt là sự bình đẳng giữa người bị buộc tội ở những địa bàn vùng cao, miền núi, hải đảo với người bị buộc tội ở những vùng miền khác, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: Cần quy định về thời hạn đặc thù (dài hơn 12 giờ đối với trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, 24 giờ đối với người bị tạm giam) trong việc chuyển đơn cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của đối tượng đối với các địa phương có sự bất lợi về điều kiện tự nhiên (vùng cao, miền núi, hải đảo) và phải được dự liệu và cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn.
Hai là: cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng quy định của BLTTHS, bên cạnh đó cần thay đổi nhận thức chưa đúng của những người tiến hành tố tụng về vai trò, vị trí của người bào chữa trong TTHS. Cần phải nhìn nhận sự tham gia của người bào chữa là yếu tố khách quan để vụ án được giải quyết đúng đắn. Sự có mặt của người bào chữa trong vụ án không gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, họ chỉ bác bỏ việc buộc tội thiếu căn cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, người tiến hành tố tụng cần phải tạo mọi điều kiện cho người bào chữa thực hiện tốt chức năng bào chữa.
Ba là: Đội ngũ người bào chữa cần phải được phát triển cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh đó phải có sự phân bổ đồng đều và hợp lý giữa các khu vực, vùng miền; người bào chữa phải nhận thức và nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình khi tham gia tố tụng và phải bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội trong mọi trường hợp.
Bốn là: Thù lao cho người thực hiện bào chữa chỉ định nói chung và người bào chữa chỉ định đối với người bị buộc tội ở những địa bàn trên nói riêng cần được nâng lên mức hợp lý, nhằm động viên khuyến khích người bào chữa thực hiện hết trách nhiệm và quyền mà BLTTHS 2015 cho phép để bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội./.