Thủ tục thuận tình ly hôn khi vợ không ở Việt Nam

Thủ tục thuận tình ly hôn khi vợ không ở Việt Nam. Tôi hiện đang sống tại Đức, còn chồng tôi hiện đang ở VN, hai người đã ly thân nay muốn ly hôn.
– Vợ chồng tôi đều mang quốc tịch Việt Nam và kết hôn tại Việt Nam vào tháng 6 năm 2017. Ngay sau đó tôi chuyển đến Đức để học tập và làm việc cho tới hiện nay. Chúng tôi không sống cùng nhau, nên không có con cũng không có tài sản chung.
– Nay cả hai chúng tôi đã đi đến quyết định chấm dứt quan hệ.

1. Chúng tôi cùng thuận tình ly hôn nhưng tôi không về Việt Nam thì có thể ly hôn theo cách thuận tình không?
2. Thủ tục cụ thể như thế nào và chồng tôi có thể tự làm các giấy tờ thuận tình ly hôn mà vắng mặt tôi không? Tôi có thể gửi đơn về VN để chứng minh rằng tôi cũng đồng tình ly hôn hay không?
3. Với trường hợp của tôi thì toà sẽ giải quyết trong thời gian bao lâu?
Kính mong được luật sư giải đáp thắc mắc của tôi. Tôi xin cám ơn.

I. Thủ tục thuận tình ly hôn khi vợ không ở Việt Nam

» Thủ tục ly hôn khi cả hai vợ chồng đều ở nước ngoài

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trường hợp của bạn, muốn ly hôn nhưng không muốn trở về Việt Nam thì vẫn hoàn tất được thủ tục ly hôn. Vì hai vợ chồng đều thống nhất được việc ly hôn, không có tài sản chung và con chung nên 2 vợ chồng bạn cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị:
– Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn;
– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn;
– Sổ hộ khẩu bản sao có chứng thực;
– CMTND bản sao có chứng thực;
– Giấy khai sinh của con (bản sao nếu có);
– Giấy giấy tờ về tài sản (bản sao nếu có);

– Đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa tại lãnh sự quán (nếu bạn không thể tham gia phiên tòa xét xử và đồng ý xét xử vắng mặt)

Hồ sơ xin ly hôn gửi đến Tòa án nhân dân cấp Tỉnh nơi chồng bạn cư trú tại Việt Nam.

Đây là trường hợp thuận tình ly hôn nên thời hạn giải quyết sẽ nhanh hơn so với đơn phương ly hôn, về thời hạn giải quyết

+ Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án phải thụ lý vụ án, thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp án phí, người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí để Tòa thụ lý vụ án.

+ Sau khi tòa án tiến hành mở phiên hòa giải, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành (không thay đổi quyết định về việc ly hôn) nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Tuy nhiên, do đây là trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nên sẽ liên quan đến hoạt động ủy thác tư pháp. Do vậy thời hạn giải quyết ly hôn có thể bị kèo dài hơn so với thời hạn trên. 

II. Quyền yêu cầu ly hôn với người đang ở nước ngoài

Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về  ly hôn theo yêu cầu của một bên:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo đó, khi có một trong các căn cứ nêu trên thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu ly hôn đơn phương.

Trường hợp của bạn, nếu chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bạn vẫn có quyền yêu cầu ly hôn mặc dù hiện tại chồng bạn không ở Việt Nam và đang đi làm tại nước ngoài. Pháp luật không hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng khi một bên đang ở nước ngoài.

Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người đang ở nước ngoài

Ly hôn khi một bên đang ở nước ngoài thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Theo quy định tại khoản 2 điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì trường hợp ly hôn với người đang ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, trường hợp bạn ly hôn với chồng khi chồng đang làm ở nước ngoài thì tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Thủ tục ly hôn với người đang ở nước ngoài

Về cơ bản, thủ tục ly hôn với người đang ở nước ngoài không có gì khác so với trình tự thủ tục ly hôn thông thường. Trình tự thủ tục ly hôn với người đang ở nước ngoài gồm các bước sau:

Chuẩn bị hồ sơ ly hôn đơn phương bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu);
  • Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn;
  • Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng;
  • Bản sao chứng thực CMND hoặc Căn cước công dân của hai vợ chồng;
  • Bản sao giấy khai sinh của các con;
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh tài sản, ví dụ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Ngoài ra, bạn cần lưu ý ghi rõ địa chỉ của chồng đang làm ở nước ngoài trong đơn xin ly hôn để tòa án xem xét giải quyết.

Nộp hồ sơ tại tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết

Trường hợp ly hôn đơn phương của bạn thì hồ sơ được nộp tại tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của chồng bạn trước khi sang nước ngoài.

Tòa án xem xét hồ sơ và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí

Nếu hồ sơ còn thiếu, sai sót thì thẩm phán sẽ yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

Nếu hồ sơ hợp lệ, tòa án sẽ thông báo cho bạn nộp tiền tạm ứng án phí.

Bạn nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án dân sự và nộp lại biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

Tòa án thụ lý vụ án và giải quyết

Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông bảo văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài theo con đường ngoại giao hoặc đường bưu chính viễn thông theo quy định tại khoản 1 điều 474 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nếu tống đạt theo các phương thức này không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

Theo quy định tại điều 476 Bộ luật dân sự năm 2015, phiên họp hòa giải phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp hòa giải (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp hòa giải chậm nhất là 01 tháng.

Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 09 tháng và chậm nhất là 12 tháng, kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Án phí ly hôn với người đang ở nước ngoài

Án phí ly hôn được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Theo đó, mức án phí ly hôn phải nộp với trường hợp không có tranh chấp về tài sản hoặc có tranh chấp về tài sản nhưng giá trị tài sản tranh chấp dưới 6.000.000 đồng là 300.000 đồng. Trường hợp có tranh chấp về tài sản từ 6.000.000 đồng trở lên thì lệ phí ly hôn phải nộp tính trên tỉ lệ phần trăm giá trị tài sản có tranh chấp.

Trường hợp giải quyết ly hôn với người đang ở nước ngoài, tòa án còn thực hiện ủy thác tư pháp. Lệ phí ủy thác tư pháp từ Việt Nam ra nước ngoài là 200.000 đồng/lần ủy thác theo quy định tại nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

» Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

» Hợp pháp hoá lãnh sự giấy tờ nước ngoài sử dụng ở Việt Nam