Thế nào là phạm tội chưa đạt? Có 3 cấu thành tội phạm như sau gồm Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phạm tội hoàn thành, cần phân biệt: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt với tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội?
Mục lục bài viết
Thế nào là phạm tội chưa đạt?
1. Thế nào là phạm tội chưa đạt?
Căn cứ Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạm tội chưa đạt như sau
“Điều 15. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”
Như vậy, phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra với tội phạm quy định với lỗi cố ý.
2. Phạm tội chưa đạt được chia thành mấy loại theo Bộ luật Hình sự 2025?
Phạm tội chưa đạt có 2 dạng như sau:
2.1. Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành (chưa đạt về hậu quả, chưa hoàn thành về hành vi):
Người phạm tội vì những nguyên nhân khách quan mà chưa thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả của tội phạm, do đó, hậu quả của tội phạm đã không xảy ra.
Ví dụ: A cầm cây gỗ dài định đánh vào lưng B thì có người ngăn cản, A không thể thực hiện hành vi của mình. Hành vi này của A là hành vi phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
2.2. Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành
Người phạm tội đã thực hiện được hết những hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng hậu quả đã không xảy ra do nguyên nhân ngoài ý muốn.
Ví dụ: A dùng cây kéo nhọn đâm nhiều lần vào ngực B để giết chết B sau đó thấy B bất tỉnh nên A đã bỏ đi. B được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời nên không chết. Hành vi này của A là hành vi phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
3. Người phạm tội chưa đạt sẽ bị xử lý hình sự như thế nào?
Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 57 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:
“Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.”