Quy định nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư. Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2018, Quy định về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Quy định về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư
Theo đó, Quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) về việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư gồm 8 điều. Cụ thể:
Điều 1. Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý
1. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đều là đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư.
2. Đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý được ưu tiên trợ giúp pháp lý.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện trợ giúp pháp lý
1. Tận tâm, vô tư với trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư như thực hiện các vụ việc có nhận thù lao.
2. Không nhận tiền thù lao, lợi ích vật chất khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Điều 3. Thời gian thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý
Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý tối thiểu 04 (bốn) giờ làm việc/năm.
Điều 4. Nội dung trợ giúp pháp lý
1. Tham gia phổ biến pháp luật.
2. Tư vấn pháp luật.
3. Tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
4. Đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
5. Thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật Luật sư cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Điều 5. Hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý
Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý bằng các hình thức sau đây:
1. Thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư hoặc Trưởng tổ chức hành nghề luật sư.
2. Tham gia các đoàn, nhóm trợ giúp pháp lý lưu động do Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tổ chức.
3. Tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý do các cơ quan, tổ chức khác tổ chức.
4. Tự mình thực hiện trợ giúp pháp lý khi có đề nghị của người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Điều 6. Theo dõi, xác nhận, báo cáo việc thực hiện trợ giúp pháp lý của luật sư
1. Luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 phải nộp giấy xác nhận về việc thực hiện trợ giúp pháp lý do cơ quan, tổ chức đó cấp theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy định này.
Luật sư tự mình thực hiện trợ giúp pháp lý khi có người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải báo cáo lại vụ việc đã trợ giúp pháp lý cho Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc Công ty luật nơi mình hoạt động hành nghề để tổng hợp, báo cáo Đoàn luật sư.
2. Trưởng Văn phòng luật sư, Giám đốc Công ty luật báo cáo Đoàn luật sư; Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông báo danh sách luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý trong năm cho Đoàn luật sư có luật sư tham gia trợ giúp pháp lý trước ngày 15/12 hàng năm để Đoàn Luật sư tổng hợp báo cáo Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
3. Đoàn Luật sư gửi danh sách luật sư hoàn thành, luật sư chưa hoàn thành nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí trong năm về Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước ngày 20/12 hàng năm.
4. Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các Đoàn luật sư về nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư để báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Điều 7. Trách nhiệm trong việc thực hiện và tổ chức, quản lý việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư
1. Luật sư có trách nhiệm:
a) Thực hiện đúng, đầy đủ nguyên tắc, thời gian trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quy định này.
b) Báo cáo hoặc nộp giấy xác nhận về việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 cho Trưởng Văn phòng luật sư, Giám đốc Công ty luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong năm trước ngày 15/12 hàng năm.
Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân nộp giấy xác nhận về việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 cho Đoàn luật sư trước ngày 15/12 hàng năm.
2. Trưởng Văn phòng luật sư, Giám đốc Công ty luật có trách nhiệm:
a) Tổ chức cho các luật sư của tổ chức hành nghề thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý;
b) Hàng năm, báo cáo bằng văn bản danh sách luật sư hoàn thành, chưa hoàn thành nghĩa vụ trợ giúp pháp lý hoạt động trong tổ chức mình về Đoàn luật sư trước ngày 15/12.
3. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm:
a) Giám sát, đôn đốc luật sư thành viên thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư;
b) Tổng hợp, báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư thành viên về Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước ngày 20/12 hàng năm hoặc báo cáo đột xuất khi Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu.
4. Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
a) Theo dõi việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý theo chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban;
b) Hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Quy định này đối với các Đoàn luật sư;
c) Tổng hợp báo cáo của các Đoàn luật sư về việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý hàng năm của luật sư.
5. Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, Đoàn luật sư không được xem xét khen thưởng trong các trường hợp sau đây:
a) Luật sư vi phạm nghĩa vụ trợ giúp pháp lý hàng năm, Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc Công ty luật vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 6, Khoản 2 Điều 7 Quy định này thì không được xem xét khen thưởng trong năm.
b) Tổ chức hành nghề luật sư có luật sư không hoàn thành nghĩa vụ trợ giúp pháp lý hàng năm thì không được Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét khen thưởng trong năm.
c) Đoàn luật sư không báo cáo theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Quy định này thì không được Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét khen thưởng trong năm.
Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quy định này được Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông qua tại phiên họp thứ 24, ngày 11/9/2018 và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký quyết định ban hành.
2. Các Đoàn luật sư, các ủy ban, đơn vị thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và luật sư thành viên có trách nhiệm thực hiện Quy định này.