Những điểm mới của Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023

Những điểm mới của Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 số 15/2023/QH15 so với Luật khám chữa bệnh năm 2009.

Những thay đổi của Luật khám chữa bệnh năm 2023 so với Luật khám chữa bệnh năm 2009

Sự cần thiết ban hành luật Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Đồng thời, đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.

Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm bình đẳng giới.

Những điểm mới

I. Luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20, giúp việc đánh giá năng lực hành nghề đạt được chuẩn chung của quốc gia, Luật khám chữa bệnh 2023 đã quy định nội dung liên quan đến Hội đồng y khoa quốc gia.

Về Hội đồng Y khoa Quốc gia, đây là tổ chức do Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, Hội đồng này có nhiệm vụ xây dựng, ban hành bộ công cụ và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá. Hội đồng Y khoa là mô hình lần đầu có tại Việt Nam, còn mới, chưa rõ, nên Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.

II. Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lí hoạt động của người hành nghề

để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh:

1. Mở rộng đối tượng hành nghề trên cơ sở thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

 Quy định này sẽ giúp bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cử nhân sinh học làm xét nghiệm, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng mức độ sử dụng người hành nghề là bác sỹ do Luật đã cho phép sử dụng các đối tượng khác trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không nhất thiết phải sử dụng bác sỹ (Ví dụ: Việc sử dụng cấp cứu viên ngoại viện thay cho bác sỹ khi thực hiện các hoạt động cấp cứu viên ngoại viện thì một ngày toàn quốc đã tiết kiệm được 34.080 giờ làm việc của bác sỹ và người bệnh sẽ được kịp thời cấp cứu tận dụng tối đa thời gian vàng giảm thiểu các chuyển biến nặng dẫn đến tử vong…). Đẩy mạnh mức độ chuyên môn hóa đối với người hành nghề, hạn chế được tình trạng chuyển đổi chuyên khoa không phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo và từ đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề.

Luật cũng đã bổ sung thêm một số đối tượng bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng vào đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề.

Các quy định về chuyên môn kỹ thuật cũng có nhiều điểm mới. Đó là Luật đã bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu ban đầu; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước.

2. Nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, thể hiện ở những nội dung sau:

  • Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Riêng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.
  • Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Đây là một trong các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề.

Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề cũng như phải chứng minh mình còn đủ sức khỏe để hành nghề tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép hành nghề; giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế. là một trong các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề.

Việc quy định giấy phép hành nghề có thời hạn cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng một người không còn hành nghề nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn tồn tại trên hệ thống quản lý.

  • Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

Mục đích:

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc xảy ra các sự cố y khoa do thực tế trong thời gian qua việc sử dụng phiên dịch gây ra nhiều sai sót chuyên môn do bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề và người bệnh;

Bảo đảm hội nhập quốc tế (qua rà soát cho thấy, hầu hết cả nước phát triển cũng như các nước trong khu vực đều quy định nếu người hành nghề là người nước ngoài thì phải biết tiếng bản địa).

Không ảnh hưởng nhiều đến nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do số lượng người hành nghề là người nước ngoài ít.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời các chuyên gia từ các nước có nền y học phát triển sang Việt Nam để đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như tạo điều kiện trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam, tại Điều 21 của Luật đã quy định một số trường hợp không bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh.

  • Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

III. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

1. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

  • Bổ sung quy các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh:

– Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề, trừ các trường hợp pháp luật quy định.

– Kê đơn thuốc, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

– Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.

– Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, hỏa hạn, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động của cơ quan, người có thẩm quyền (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

– Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xẩy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền

  • Bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hàng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  • Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

2. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có một số quy định mới như sau:

  • Bổ sung thêm các đối tượng được ưu tiên, khám chữa bệnh gồm: Người khuyết tật đặc biệt nặng và người từ đủ 75 tuổi trở lên.
  • Quy định ưu tiên ngân sách nhà nước khám, chữa bệnh cho:

– Người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật.

– Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

– Người bị các bệnh: Tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B

  • Bổ sung thêm các quyền cho người bệnh:

– Được hướng dẫn cách tự chăm sóc, theo dõi, phòng ngừa tai biến.

– Được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khoẻ, điều kiện kinh tế (quy định cũ đang để không bị phân biệt giàu nghèo).

– Được giữ bí mật thông tin trong hồ sơ bệnh án và thông tin khác về đời tư đã cung cấp trong quá trình khám, chữa bệnh (quy định cũ chỉ nói về thông tin tình trạng sức khoẻ, đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án).

– Không bị ngược đãi, lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục trong quá trình khám chữa bệnh.

– Được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án.

– Được kiến nghị về các tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc… trong quá trình khám chữa bệnh.

– Được bồi thường khi có tai biến y khoa trừ trường hợp y, bác sĩ không có sai sót chuyên môn kỹ thuật được Hội đồng chuyên môn xác định.

– Khi nhận thuốc kê đơn, người bệnh sẽ nhận được đơn thuốc không có thực phẩm chức năng.

  • Bổ sung quy định về thân nhân người bệnh:

– Vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình;

– Người đại diện của người bệnh;

– Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề.

Đồng thời, các trường hợp về người bệnh không có thân nhân cũng được quy định chi tiết, cụ thể gồm:

– Người bệnh đang cấp cứu không có giấy tờ tuỳ thân, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin liên lạc với thân nhân

– Người bệnh đã/chưa xác định được danh tính, không thể/khó khăn nhận thức, làm chủ hành vi tại thời điểm vào viện, không có giấy tờ, không có thân nhân đi cùng, không có thông tin liên lạc của thân nhân

– Trẻ em dưới 06 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh

Đặc biệt, Luật mới đã bỏ quy định về việc không xác định được địa chỉ cư trú mà thay vào đó là không có thông tin để liên lạc với thân nhân.

  • Bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám bệnh, chữa bệnh tại nhà), khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; chính sách ưu đãi đối với khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
  • Bổ sung quy định về chuyển khoa, chuyển cơ sở khám chữa bệnh:

Điều chỉnh trường hợp bênh nhân được chuyển khoa khi:

– Phát hiện tình trạng bệnh của người bệnh thích hợp khám, chữa bệnh tại chuyên khoa khác hơn.

– Khoa chuyển người bệnh đi hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, chuyển người bệnh và hồ sơ bệnh án đến khoa mới.

Bệnh nhân được chuyển cơ sở khám chữa bệnh khi:

– Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, giới thiệu người bệnh đến viện mới.

– Theo yêu cầu của người bệnh/người đại diện của người bệnh: Người bệnh/người đại diện người bệnh cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc chuyển viện.

  • Bổ sung quy định về trường hợp người bệnh bắt buộc phải chữa bệnh

– Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

– Người mắc bệnh trầm cảm có ý muốn, hành vi tự sát; mắc tâm thần ở trạng thái kích động, có khả năng gây nguy hại cho bản thân hoặc người khác hoặc phá hoại tài sản

– Trường hợp khác

  • Bổ sung quy định cụ thể về việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại
  • Thay đổi từ 04 tuyến chuyên môn thành 03 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.

Mục đích:

– Tối ưu hóa việc đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch tránh dàn trải, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chuyên môn trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cụ thể là những kỹ thuật cơ bản, mang tính phổ biến phải được cung ứng dịch vụ ngay tại cấp cơ bản và cấp ban đầu, tăng khả năng tiếp cận của người dân ngay trên địa bàn, hạn chế phải chuyển lên bệnh viện tuyến cuối gây tốn kém và quá tải bệnh viện tuyến cuối.

– Việc chia thành 3 cấp chuyên môn theo hướng xác định chức năng, mức độ cung cấp dịch vụ mà mỗi cấp chuyên môn bắt buộc phải đáp ứng như đã nêu trên cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chyển giao kỹ thuật, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế sẽ từng bước chuẩn hóa chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở;

– Bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo đó việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn, không lệ thuộc vào cấp hành chính.

– Khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện như: nhiều bệnh viện hạng 2 (chủ yếu tuyến huyện) đã thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật của tuyến tỉnh; hoặc một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của tuyến trung ương … nhưng không được nâng hạng hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên…

– Khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: sử dụng yếu tố phân hạng bệnh viện là căn cứ để xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến cao hơn thực hiện kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn nên chỉ được hưởng mức giá thấp.

– Không làm xáo trộn hệ thống khám bệnh, chữa bệnh hiện hành và có thể áp dụng ngay sau khi Luật được ban hành do vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 04 cấp hành chính gồm: Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

  • Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
  • Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.

Mục đích:

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giảm nguồn lực đầu tư cho y tế;

– Người bệnh tiếp cận được với các thầy thuốc có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng kinh tế, xã hội để được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện mà không phải đến bệnh viện của trung ương. Từ đó giúp giảm chi phí điều trị và giảm quá tải cho các bệnh viện ở trung ương.

IV. Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

1. Thêm trường trường hợp nhân viên y tế được từ chối khám chữa bệnh gồm:

– Người bệnh và thân nhân xâm phạm thân thể, sức khoẻ, tính mạng của y, bác sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thân/bệnh khác không nhận thức, làm chủ được hành vi.

– Người bệnh yêu cầu phương pháp khám, chữa bệnh không phù hợp về chuyên môn kỹ thuật.

– Sau khi đã được tư vấn, vận động, thuyết phục nhưng người đại diện của người bệnh là người chưa thành niên/đã thành niên nhưng bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự/có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng trước đó không có văn bản thể hiện nguyện vọng hợp pháp về việc khám, chữa bệnh quyết định không điều trị theo ý kiến của người đại diện và việc không đồng ý này có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ, tính mạng của người bệnh.

2. Quy định cụ thể chính sách của Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh:

  • Có chính sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu.
  • Hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
  • Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tương ứng với mức quy định tại của Nhà nước nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

3. Bổ sung chế độ, chính sách và quy định cụ thể về việc điều động, huy động người tham gia khám, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm hoạ, dịch truyền nhiễm nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp:

  • Đối tượng huy động, điều động

– Người khám, chữa bệnh gồm cả người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài được cấp giấy phép hành nghề.

– Học viên, sinh viên, học sinh đang học tập tại các cơ sở đào tạo ngành sức khoẻ – người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề nhưng chưa được cấp.

  • Điều kiện

– Phù hợp mức tối đa với trình độ chuyên môn của người được huy động.

– Đảm bảo an toàn cho người bệnh.

– Người được phân công không phải chịu trách nhiệm với các tai biến y khoa nếu không có sai sót chuyên môn kỹ thuật đã được Hội đồng chuyên môn xác nhận trong quá trình khám, chữa bệnh hoặc cấp cứu nhưng thiếu trang thiết bị y tế…

4. Bổ sung các quy định về tài chính:

  • Quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, trong đó Luật khẳng định “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao”.
  • Quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế.
  • Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.

Theo đó, bệnh viện, cơ sở y tế được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, phát triển các hoạt động chuyên môn và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do Nhà nước định giá. Viện cũng được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám chữa bệnh; được quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không vượt quá giá do Bộ trưởng Y tế quy định, trừ giá dịch vụ theo yêu cầu và giá hình thành từ hoạt động hợp tác công tư.

Về giá dịch vụ khám bệnh, Luật cũng Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy:

– Bộ Y tế quy định phương pháp định giá và giá cụ thể cho người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành;

– Hội đồng nhân dân quy định giá cho người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc  thẩm quyền quản lý;

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được quyền tự quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu;

– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân tự quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

– Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Mục đích: tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh./.

V. Cụ thể hóa nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh

Về xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, Luật cho phép thu hút nguồn lực xã hội bao gồm :

– Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;

– Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế;

– Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế;

– Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

– Hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan. 

» Luật khám bệnh chữa bệnh 2023

» Luật sư tư vấn pháp luật Y tế