Như thế nào là giấy tờ có giá, giấy tờ không có giá

Như thế nào là giấy tờ có giá, giấy tờ không có giá, danh sách các loại giấy tờ có giá hiện nay, tại sao một số lại giấy tờ lại không có giá.

I. Giấy tờ có giá được quy định như thế nào?

Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nội dung về giấy tờ có giá được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, Công văn 141/TANDTC-KHXX,Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Thông tư 04/2016/TT-NHNN, Thông tư 01/2012/TT-NHNN. Cụ thể:

1. Khái niệm giấy tờ có giá

Giấy tờ có giá được xác định là một loại tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng trong Bộ luật Dân sự cũng không có quy định cụ thể về khái niệm “giấy tờ có giá”. 

Tuy nhiên, hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN, khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN có quy định cụ thể về khái niệm giấy tờ có giá như sau:

Giấy tờ có giá được xác định là một loại giấy tờ có giá trị như chứng cứ, bằng chứng để xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá (thường là ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng…) với người sở hữu giấy tờ có giá (ví dụ người mua trái phiếu, tín phiếu…) trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác trong giao dịch ghi nợ này.

Giấy tờ có giá theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP:
Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

2. Giấy tờ có giá có thuộc tính cơ bản sau:

  • Xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xác định
  • Trị giá được bằng tiền
  • Có thể chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác trong giao lưu dân sự.

Ngoài các giấy tờ được liệt kê tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP nêu trên thì các giấy tờ khác chỉ được coi là giấy tờ có giá nếu có đủ các điều kiện sau:

  • Trị giá được thành tiền;
  • Được phép giao dịch;
  • Được pháp luật quy định rõ nó là giấy tờ có giá.

Quyền tài sản: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Quyền tài sản khác có thể là: Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền đòi nợ,… quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Các loại giấy tờ có giá bao gồm:

Theo quy định của pháp luật, tại điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giải đáp về nghiệp vụ được quy định tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21 tháng 09 năm 2011 có quy định các loại giấy tờ có giá bao gồm:

3.1. Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 4 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005:

Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

Hối phiếu nhận nợ là giấy tờ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.

Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.

3.2. Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ gồm trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005:

Trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho công trình, dự án đầu tư cụ thể (khoản 17 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với chủ sở hữu trái phiếu (khoản 1 Điều 2 Nghị định 90/2011/NĐ-CP)

Kỳ phiếu là giấy tờ có giá do tổ chức, cá nhân phát hành để cam kết trả nợ gốc và lãi cho người sở hữu kỳ phiếu khi đến hạn thanh toán.

Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành (khoản 2 Điều 6 Luật Chứng khoán 2006).

3.3. Công cụ nợ là tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009:

Tín phiếu là giấy tờ có giá ngắn hạn, trong đó xác nhận món nợ phải thanh toán giữa chủ thể phát hành tín phiếu với người sở hữu tín phiếu vào ngày đáo hạn.

Công trái là một loại trái phiếu chính phủ được phát hành để huy động vốn nhằm giúp Chính phủ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng về kinh tế-xã hội của đất nước.

3.4. Các loại chứng khoán gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định (khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán).

Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng (Khoản 4 Điều 6 Luật Chứng khoán).

Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định (khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán).

Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng khoán được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong thời kỳ nhất định (Khoản 6 Điều 6 Luật Chứng khoán).

Quyền chọn mua, quyền chọn bán là quyền được ghi trong hợp đồng cho phép người mua lựa chọn quyền mua hoặc quyền bán một số lượng chứng khoán được xác định trước trong khoảng thời gian nhất định với mức giá được xác định trước (Khoản 7 Điều 6 Luật Chứng khoán).

Hợp đồng tương lai là cam kết mua hoặc bán các loại chứng khoán, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán nhất định với một số lượng và mức giá nhất định vào ngày xác định trước trong tương lai (Khoản 8 Điều 6 Luật Chứng khoán).

Hợp đồng góp vốn đầu tư là hợp đồng góp vốn bằng tiền hoặc tài sản giữa các nhà đầu tư với tổ chức phát hành hợp đồng nhằm mục đích lợi nhuận và được phép chuyển đổi thành chứng khoán khác (khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán).

3.5. Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các loại giấy tờ có giá nêu trên có thể là đối tượng giao dịch trong hoạt động kinh doanh cũng như trong đời sống dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu của các chủ thể kinh doanh cũng như của tổ chức, cá nhân trong đời sống hàng ngày.

Tài sản hình thành trong tương lai: Khoản 2 Điều 108 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: a) Tài sản chưa hình thành; b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về các dạng tài sản hình thành trong tương lai gồm:

a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;

b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;

c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất”.

» Tư vấn pháp luật tài chính và ngân hàng

II. Hỏi đáp về giấy tờ có giá

Câu hỏi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, vé số có phải là giấy tờ có giá không?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP quy định:
Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.

Giấy tờ khác chỉ được coi là giấy tờ có giá nếu có đủ các điều kiện sau:
(1) Trị giá được thành tiền; (2) Được phép giao dịch; (3) Được pháp luật quy định rõ nó là “giấy tờ có giá”.
Như vậy, tờ vé số, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá.

» Tội trộm cắp tài sản theo luật hình sự