Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động cưỡng chế hành chính cụ thể mang tính chất quyền lực nhà nước phát sinh khi có vi phạm hành chính, biểu hiện ở việc áp dụng các chế tài hành chính do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.
Xử phạt VPHC phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để xử phạt đúng đắn, chính xác, vừa bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, của xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ hữu hiệu quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt.
Mục lục bài viết
Các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Việc xử lý vi phạm hành chính cần phải tuân thủ theo các Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính của Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực chủ động trong việc thanh tra, kiểm tra và thực thi công vụ để kịp thời phát hiện vi phạm hành chính. Khắc phục kịp thời hậu quả của nó gây ra nhằm đảm bảo lập lại trật tự pháp luật, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, giáo dục người dân trong xã hội có ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện các quy tắc sống cộng đồng.
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
Việc phát hiện hành vi vi phạm, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xử lý một cách nhanh chóng, chính xác và triệt để. Đảm bảo xử lý nghiêm minh và đúng pháp luật.
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
Nguyên tắc này đòi hỏi người có thẩm quyền xử phạt trước khi ra quyết định xử phạt phải làm rõ, phân tích mức độ cũng như tính chất, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Nếu vi phạm do nhiều người gây ra thì phải đánh giá chính xác mức độ lỗi của mỗi người tham gia thực hiện vi phạm hành chính đó để từ đó có thể ra các biện pháp xử phạt hợp lý cho từng người. Và tất cả các tình tiết đó đều phải được ghi trong biên bản xử phạt.
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
Một hành vi bị coi là vi phạm hành chính khi hành vi đó đã được pháp luật hành chính quy định, nếu pháp luật chưa quy định thì không có vi phạm hành chính xảy ra và đương nhiên không thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi đó được.
Nếu một hành vi vi phạm đã bị một người có thẩm quyền lập biên bản xử phạt hoặc ra quyết định xử phạt thì không được lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với cùng một hành vi đó nữa. Đối với trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm, thì người đó sẽ bị xử phạt về từng hành vi, sau đó tổng hợp lại thành hình phạt chung.
Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một vi phạm hành chính thì mỗi người đều bị xử phạt. Vì vi phạm hành chính đó tổng hợp của tất cả các hành vi vi phạm của mỗi người.
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
Khi phát hiện có hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền cần phải làm rõ, chứng minh cho người vi phạm thấy được lỗi của mình, được quy định trong pháp luật. Người bị xử phạt có thể chứng minh mình không có lỗi thông qua người đại diện Đây là điều kiện cần thiết và đảm bảo đảm quyền lợi cho người bị xử lý hành chính.
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nguyên tắc này nhằm xử lý nghiêm minh, công bằng đối trong trường hợp vi phạm hành chính của một tổ chức. Mức phạt tiền tăng gấp đôi so với cá nhân là một điều phù hợp.
2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;
b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
3. Biện pháp xử lý hành chính là gì?
Biện pháp xử lý hành chính quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020:
Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020:
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.