Bên cạnh những tiện ích không nhỏ, taxi công nghệ khiến không ít khách hàng lo ngại về lỗ hổng trong bảo mật thông tin…
Khi không hài lòng về khách hàng, một số lái xe taxi công nghệ sẵn sàng công khai thông tin của khách lên mạng để bêu riếu, châm chọc. Việc làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ không chỉ ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người dân đối với loại hình dịch vụ được coi là văn minh này mà còn tạo ra những nguy cơ khó lường về ANTT.
Khi khách hàng bị… mắng
Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, chị V.T.H, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh, cách đây không lâu chị nhận được khá nhiều cuộc gọi từ những số máy lạ với những lời lẽ tục tĩu, giọng điệu gay gắt mang tính lăng mạ.
Cũng theo chị H, nội dung chính của các cuộc gọi này là phê phán việc chị H gọi xe taxi Grab nhưng lại “chảnh chọe” yêu cầu lái xe phải đi vào tận cửa, trong khi đó lối vào thì vừa nhỏ vừa lòng vòng. Lái xe yêu cầu khách hàng hủy chuyến vì không đáp ứng được yêu cầu thì khách hàng kiên quyết không hủy. Tìm hiểu thêm, chị H được biết, thông tin cá nhân của chị (số điện thoại, địa chỉ gọi xe…) đã được một lái xe đưa lên một diễn đàn mạng với các thành viên chủ yếu là các lái xe taxi công nghệ mang tính “cảnh báo” về đối tượng khách hàng cần tránh.
Kiểm tra lại lịch trình, chị H mới tá hỏa khi thấy dù bản thân có gọi xe taxi do lái xe đó lái nhưng không phải cuốc xe mà lái xe này thông tin. Như vậy, lái xe này đã có sự nhầm lẫn giữa chị H và một khách hàng khác nhưng lại đưa thông tin cá nhân của chị lên mạng để những người khác “té nước theo mưa”, thoải mái vào đó bình luận rồi gọi điện làm phiền. Sự việc trên khiến chị H vô cùng giận dữ và lo lắng.
“Vẫn biết, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt, song với cách xử sự thiếu văn hóa như vậy, chắc chắn lái xe này sẽ không thể đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ cũng như sự an toàn cho hành khách” – chị H nhận xét.
Không chỉ số điện thoại, tên, địa chỉ nhà riêng… khách hàng sử dụng dịch vụ taxi công nghệ còn có nguy cơ lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, thẻ visa… Ngoài ra, một số người dân khi sử dụng dịch vụ còn phàn nàn về việc khi họ gọi xe có lái xe nhận cuốc xe rất nhanh nhưng lại để khách chờ lâu, đến khi khách sốt ruột gọi điện, họ lại yêu cầu khách hủy chuyến trong khi lỗi hoàn toàn thuộc về phía họ.
Không dừng lại ở đó, có khách hàng không hài lòng về chất lượng dịch vụ, khi kết thúc hành trình đánh giá dịch vụ chỉ đạt từ 1-2 sao. Do điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của lái xe nên hành khách đã bị lái xe nhắn tin, gọi điện mắng xối xả.
Người tiêu dùng được đảm bảo bí mật về thông tin
Bên cạnh nỗi lo có thể bị ảnh hưởng an toàn tài khoản, một vấn đề khác cũng khiến không ít khách hàng băn khoăn khi sử dụng taxi công nghệ để di chuyển, đó là quyền tự do riêng tư (vị trí đi lại) dễ bị tiết lộ, theo dõi.
Về các quy định pháp lý liên quan, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định khá rõ về quyền bảo mật thông tin. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, Điều 38 – Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do vậy, khi phát hiện thông tin của mình bị lộ lọt từ bên cung cấp dịch vụ, cá nhân có thể phản ánh tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan chức năng có liên quan. Nếu khách hàng bị thiệt hại có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu đòi bồi thường. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
theo anninhthudo.vn
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất…
Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo