Người tố giác tội phạm có quyền được đề nghị bảo vệ

Bạn đọc hỏi: Tôi tố giác tội phạm nhưng không hiểu vì lý do gì mà người bị tôi tố giác biết và cho người đe dọa rồi đánh tôi. Thưa Luật sư, trường hợp của tôi phải làm gì để được công an bảo vệ? Trần Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Theo quy định tại Điều 484, 485, 486 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì người tố giác tội phạm có quyền đề nghị được bảo vệ bởi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. 

Đối với trường hợp của bạn, bạn có quyền làm văn bản đề nghị yêu cầu cơ quan điều tra của Công an nhân dân hoặc Cơ quan điều tra của Quân đội nhân dân bảo vệ mình. Văn bản đề nghị gồm có các nội dung chính: ngày, tháng năm; tên, địa chỉ của người đề nghị; lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị. Trường hợp khẩn cấp, bạn có thể trực tiếp đề nghị được bảo vệ hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền nhận được đề nghị, yêu cầu phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ bảo vệ.

Khi xét thấy có căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ thì Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ sẽ ra Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết.

Khi xét thấy căn cứ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ không còn, Thủ trưởng cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời trên anninhthudo.vn

» Mẫu đơn tố cáo, tố giác tội phạm

» Thế nào là tố giác tội phạm và tin báo tội phạm