Một số thuật ngữ dễ nhầm lẫn cho dân luật. các bạn chưa làm quen có thể nhầm lẫn với một số thuật ngữ khi mới nghe qua, để tìm hiểu hãy xem các thuật ngữ sau đây:
1. Hoa lợi và lợi tức
– Hoa lợi: là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Ví dụ: Tài sản là vườn cam, khi vườn cam ra trái thì trái cam chính là hoa lợi.
– Lợi tức: các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Ví dụ: Tài sản là 1 căn hộ, lợi tức sẽ là số tiền nhận được từ việc cho thuê căn hộ đó hàng tháng.
2. Thời hạn và thời hiệu
– Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
– Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
(Điều 144, Điều 149 Bộ luật dân sự 2015)
3. Đầu thú và tự thú
– Tự thú: là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình Điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.
– Đầu thú: là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Công chứng và chứng thực
– Công chứng: là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. (Luật công chứng 2014)
– Chứng thực: là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. (Khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
5. Chánh án và Chánh tòa
– Chánh án là: người đứng đầu các cấp của Toà án nhân nhân và Tòa án quân sự.
+ Chánh án TANDTC do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
+ Chánh án TAND địa phương do Chánh án TANDTC bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
– Chánh tòa: là người đứng đầu tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện. Còn trong nhánh tòa án quân sự, Chánh tòa là người đứng đầu Tòa phúc thẩm Tòa án quân sự trung ương (không có ở cấp Tòa án quân sự quân khu và Tòa án quân sự khu vực).
+ Chánh tòa do Chánh án TAND nơi có tòa chuyên trách bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức.
(Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014).
6. Phạm tội nhiều lần và phạm tội liên tục:
– Phạm tội nhiều lần:
Là trường hợp người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau mà chưa bị đưa ra xét xử. Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.
– Phạm tội liên tục:
Là trường hợp nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, cùng xâm hại đến một quan hệ xã hội và đều bị chi phối bởi một ý định phạm tội cụ thể thống nhất. Không phải hành vi nào cũng cấu thành tội phạm: Có hành vi cấu thành tội phạm, có hành vi không cấu thành tội phạm.
7. “Tuân thủ pháp luật”, “thi hành pháp luật”, “áp dụng pháp luật” và “sử dụng pháp luật”
– Tuân thủ pháp luật:
Chủ thể pháp luật kiềm chế mình đểkhông thực hiện điều pháp luật cấm. Thực hiện pháp luật có tính chất thụ động và thể hiện dưới dạng “hành vi không hành động”. Ví dụ: Pháp luật cấm hành vi mua, bán dâm. Do đó, “không thực hiện hành vi mua, bán dâm” được xem là tuân thủ pháp luật.
– Thi hành pháp luật:
Chủ thể pháp luật chủ động thực hiện điều pháp luật yêu cầu. Chủ động, tích cực thực hiện pháp luật dưới hình thức “hành vi hành động”. Ví dụ: Pháp luật quy định về nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân/ thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, nếu không thuộc trường hợp miễn thuế/đối tượng không chịu thuế thì chủ thể đóng thuế được xem là “thi hành pháp luật”.
– Áp dụng pháp luật: Cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ do pháp luật quy định. Vừa là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, nó vừa là một hình thức thực hiện pháp luật, vừa là một giai đoạn mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tổ chức cho các chủ thể pháp luật khác thực hiện các quy định pháp luật.–>Mang tính quyền lực nhà nước. Ví dụ: Khi A khởi kiện B ra tòa, tòa án đó có trách nhiệm xem xét và thụ lý đơn khởi kiện của A. Theo đó, tòa án được xem là cơ quan “áp dụng pháp luật”
– Sử dụng pháp luật: Chủ thể pháp luật thực hiện điều mà pháp luật cho phép. Các chủ thể lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép. Đó có thể là “hành vi hành động” hoặc “hành vi không hành động” tùy quy định pháp luật cho phép. Ví dụ: Khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị B xâm phạm, A có quyền khởi kiện B ra tòa án vì pháp luật trao cho A quyền được khởi kiện B ra tòa án có thẩm quyền. Khi đó, A được xem là đang “sử dụng pháp luật”.
8. Bị can và bị cáo
– Bị can: là người đã bị khởi tố về hình sự (sau giai đoạn khởi tố tùy trường hợp mà có thể bị đưa ra xét xử hoặc không).
– Bị cáo: là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử.
9. Luật sự và luật gia
– Luật sư:
là Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư; đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và và gia nhập một Đoàn luật sư. (Luật luật sư 2006)
– Luật gia:
là thuật ngữ dùng để chỉ thành viên của Hội luật gia việt Nam, là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân với thời gian từ ba năm trở lên, tán thành điều lệ Hội (luật gia không cần tham gia lớp đào tạo nghề luật sư và thi để được cấp chứng chỉ hành nghề). (Điều lệ Hội luật gia Việt Nam).
10. Văn phòng công chứng và Phòng công chứng
– Phòng công chứng:
là tổ chức hành nghề công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
– Văn phòng công chứng:
là tổ chức hành nghề công chứng được hoạt động theo quy định của Luật công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. (Luật công chứng 2014)
11. Ân xá, đại xá, đặc xá:
– Ân xá:
Là đặc ân của nhà nước trong việc miễn giảm trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt với người phạm tội, thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước ta với những người phạm tội, mở ra cho những người phạm tội khả năng ăn năn hối cải, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Ân xá được thực hiện với 2 hình thức là đại xá và đặc xá.
– Đại xá:
Sự khoan hồng của Nhà nước do Quốc hội quyết định nhằm tha tội hoàn toàn và triệt để cho một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt người phạm tội nhân sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước.
-Đặc xá:
Sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
12. Giám đốc thẩm và Tái thẩm:
– Giám đốc thẩm:
Là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
– Tái thẩm:
Là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Trên đây là một số thuật ngữ dễ nhầm lẫn cho dân luật