Luật sư Thanh Hà trả lời phỏng vấn báo Đời sống và Pháp luật

Liên quan tới vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SB law đã có bài trả lời phỏng vấn báo đời sống và pháp luật, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

PV: Liên quan đến vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Luật sư có đánh giá thế nào về sự việc kinh hoàng này?

Trả lời: Với tư cách là một người công dân, một người lao động, tôi hết sức bàng hoàng và đau xót trước sự mất mát quá lớn của gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn lao động này.

Những nạn nhân ở công trường hầu hết là những người trẻ, là trụ cốt về kinh tế của nhiều gia đình, sau lưng họ là vợ con, bố mẹ đều trông mong vào những đồng lương từ sức lao động của họ làm ra.

Khi những người này bị thiệt mạng hoặc thương tật mất khả năng lao động, những gia đình này sẽ vấp phải những khó khăn lớn về mặt kinh tế mà không dễ dàng để vượt qua.

Ngoài ra, những mất mát về mặt tinh thần như vợ mất chồng, con mất cha, bố mẹ mất con là những mất mát mà không có gì có thể bù đắp được.

Với những thiệt hại về người lớn thế này, vấn đề đặt ra là an toàn lao động của một nhà thầu trong dự án và tổng dự án đang có vấn đề rất lớn, dường như là không có sự kiểm soát chặt chẽ về an toàn lao động.

Theo báo cáo nguyên nhân ban đầu là do lỗi thiết bị và công nhân cũng đã thấy những biểu hiện không bình thường khi thi công, đã chạy ra rồi, nhưng lại được yêu cầu vào làm tiếp thì có thể thấy, những thiệt hại này không phải là nguyên nhân khách quan nữa mà do những nguyên nhân chủ quan của con người.

Nếu những có trách nhiệm làm hết trách nhiệm của mình, không chủ quan thì hậu quả đang tiếc có thể đã không xảy ra.

Từ sự kiện đau thương này, tôi nghĩ, chúng ta cần phải cương quyết tìm ra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm một cách triệt để làm một bài học cho những chủ đầu tư, nhà thầu không tuân thủ an toàn lao động và tránh những vụ tương tự trong tương lai.

PV: Theo luật sư, với số người thiệt mạng lến đến 13 người và 28 người bị thương, vậy có nên truy tố trách nhiệm hình sự cũng như khởi tố vụ án hay không?

Trả lời: Với số người thiệt mạng và bị thương như trên, có thể khẳng định vụ tai nạn đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới tính mạng, sức khỏe và tinh thần của người lao động và gia đình của họ.

Trả lời: Nếu các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và khẳng định, hậu quả nêu trên là có lỗi từ các bên liên quan thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo các quy định của bộ luật hình sự hiện hành.

Bên cạnh đó, vấn đề bồi thường thiệt hại về tổn thất tính mạng, sức khỏe cho các nạn nhân và gia đình các nạn nhân cũng được đặt ra.

PV: Nếu khởi tố vụ án hay truy tố thì dựa vào những căn cứ nào theo luật định?

Trả lời: Hiện tại, Theo Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT/BLÐTBXH-BCA-VKSNDTC hướng dẫn phối hợp trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người, tan nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm thì khi phát hiện hoặc nhận được tin báo có tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra tai nạn lao động và Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền phải đến ngay hiện trường để phối hợp giải quyết vụ tai nạn lao động; đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Cũng theo Thông tư trên, trong quá trình giải quyết vụ tai nạn lao động theo thẩm quyền, nếu phát hiện tình tiết mới có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra tai nạn lao động gửi văn bản kiến nghị kèm theo bản chính các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, khởi tố án hình sự theo quy định của pháp luật; đồng thời gửi bản kiến nghị khởi tố đó cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Trong vụ việc này, nếu có dấu hiệu tội phạm, cơ quan cảnh sát điều tra có thể khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 285 Bộ Luật hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nội dung của Quy định tại điều 285 như sau:

  1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
  2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
  3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bên cạnh đó, cơ quan cảnh sát điều tra cũng có thể khởi tố theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật hình sự về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.

Nội dung của tội này như sau:

  1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
  2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

>> Các mẫu đơn khởi kiện