Luật sư bào chữa trong giai đoạn phúc thẩm vụ án hình sự.
Việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử đã được thừa nhận là một trong các nguyên tắc cơ bản của TTHS. Nguyên tắc hai cấp xét xử không chỉ là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án mà còn là một trong những bảo đảm quan trọng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, các đương sự; là căn cứ để xác định tính chất, nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm.
Việc qui định tính chất của Xét xử phúc thẩm (XXPT) Vụ án hình sự (VAHS) là “xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị” hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử được thừa nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2003 (Điều 20). Theo đó, xét xử sơ thẩm là cấp xét xử thứ nhất và XXPT là cấp xét xử thứ hai. Hiện nay, nguyên tắc này được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Có thể nói, nguyên tắc “hai cấp xét xử” sẽ không thể tồn tại, nếu trong Tố tụng hình sự (TTHS) chỉ có một cấp xét xử là Tòa sơ thẩm. Bởi vì, giám đốc thẩm và tái thẩm chưa bao giờ được thừa nhận là một cấp xét xử, mà chỉ được coi là thủ tục tố tụng đặc biệt có nhiệm vụ “xét lại” những bản án, quyết định đã có HLPL. Hơn nữa, việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử đã được thừa nhận là một trong các nguyên tắc cơ bản của TTHS. Nguyên tắc hai cấp xét xử không chỉ là một trong các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án mà còn là một trong những bảo đảm quan trọng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, các đương sự; là căn cứ để xác định tính chất, nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm. Xét xử phúc thẩm có các đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Đối tượng của XXPT chỉ có thể là những vụ án mà bản án (quyết định) sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có HLPL bị kháng cáo, kháng nghị.
Thứ hai: XXPT chỉ có thể được tiến hành khi có kháng cáo của những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 231 BLTTHS, hoặc kháng nghị của Viên kiểm sát (VKS) theo quy định tại Điều 232 BLTTHS.
Thứ ba: Toà án cấp phúc thẩm khi xét xử không chỉ kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bán án hoặc quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị mà còn xét xử lại vụ án về nội dung.
Thứ tư: Chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng trong XXPT bao gồm: Tòa án cấp phúc thẩm, VKS cấp phúc thẩm; những người có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật; những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác mà Tòa án cấp phúc thẩm thấy cần thiết triệu tập tham gia phiên tòa.
Thứ năm: Phiên tòa phúc thẩm có một số đặc thù như:
khi khai mạc phiên toà, thẩm phán chủ tọa phiên toà không phải đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử; trước khi tiến hành xét hỏi, việc công bố cáo trạng của kiểm sát viên được thay thế bằng việc một thành viên HĐXX phúc thẩm tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị; việc luận tội của kiểm sát viên ở phần tranh luận được thay thế bằng việc trình bày kết luận của VKS.
Thứ sáu: XXPT có những đặc điểm đặc trưng trong các quan hệ pháp luật tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng như:
giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm (trong việc thông báo kháng cáo, kháng nghị; xác minh lý do kháng cáo quá hạn…) giữa VKS cấp sơ thẩm và VKS cấp phúc thẩm (trong việc kháng nghị bản án sơ thẩm); Tòa án cấp phúc thẩm và VKS cấp phúc thẩm trong quá trình giải quyết vụ án…
Thứ bảy: Khi XXPT, những người tham gia tố tụng có các quyền rộng rãi. Người kháng cáo hoặc kháng nghị không chỉ viện dẫn những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà còn được xuất trình những tài liệu mới chưa được xem xét tại Tòa án cấp sơ thẩm. Bản án của Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và mới. XXPT VAHS bao gồm hai tiểu giai đoạn, đó là: giai đoạn chuẩn bị XXPT và phiên tòa phúc thẩm. Và trong mỗi giai đoạn thì vai trò của Luật sư được thể hiện khác nhau; vai trò này sẽ được trình bày rõ hơn
Vai trò của xét xử phúc thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Trong tố tụng hình sự, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án hình sự; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Xét xử phúc thẩm còn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho công dân, ý thức tuân thủ pháp luật và chủ động tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Thông qua việc xét xử các vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm hướng dẫn cho các Tòa án cấp dưới và các cơ quan tiến hành tố tụng khác trong việc nhận thức và áp dụng đúng đắn, thống nhất pháp luật; góp phần nâng cao chất lượng xét xử các VAHS, tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật và củng cố niềm tin vào công lý cho quần chúng nhân dân, đấu tranh phòng và chống tội phạm. Thông qua xét hỏi, tranh luận trước phiên toà và bản án được tuyên công khai, Toà án giúp cho những người tham dự phiên toà nâng cao ý thức pháp luật, biết được những gì là trái pháp luật, những gì là hợp pháp… và qua đó nhìn nhận pháp luật đúng đắn, tuân thủ pháp luật và tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.
Địa vị pháp lí và vai trò của Luật sư trong tố tụng hình sự Hoạt động bào chữa và nghề Luật sư xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, gắn liền với thiết chế Toà án trong sự xuất hiện của tổ chức bộ máy nhà nước và việc thừa nhận quyền được bào chữa của đương sự. Pháp lệnh tổ chức luật sư ngày 18/12/1987 là văn bản pháp luật có ý nghĩa lịch sử trong việc khôi phục nghề luật sư và mở đầu cho quá trình phát triển nghề luật sư ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Luật Luật sư được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng một đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với luật sư và nghề luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới. Luật sư theo quy định của Luật Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (Điều 2 Luật Luật sư). Luật sư là người hoạt động chuyên nghiệp tham gia trong một Đoàn Luật sư nhất định theo quy định của pháp luật. Theo Điều 10 Luật Luật sư, tiêu chuẩn Luật sư được qui định như sau: “Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”. Theo Luật Luật sư 2006, đã có một bước chuyển quan trọng khi cho phép luật sư, dù hành nghề dưới bất kì hình thức nào (hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư là văn phòng luật sư, công ty luật hay hành nghề độc lập) đều có quyền thực hiện các dịch vụ pháp lí theo qui định của pháp luật. Điều đó có nghĩa là việc tham gia tố tụng không còn là phạm vi hành nghề của riêng văn phòng luật sư nữa như pháp lệnh luật sư 2001. Những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Pháp lệnh Luật sư 2001 ra đời, sau đó là Luật Luật sư 2006, hình ảnh các luật sư tham gia tố tụng trước Tòa án với các cuộc tranh luận gay cấn tại phiên tòa đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Quan niệm về bản chất hoạt động của Luật sư cũng đã có sự chuyển biến tích cực cùng với sự phát triển của xã hội. Điều đó đồng nghĩa với việc địa vị pháp lí cũng như vai trò của Luật sư được nhìn nhận khách quan và thiện cảm hơn. Địa vị pháp lí của Luật sư là tổng thể các quyền năng cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của Luật sư (được thể hiện trong các qui định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của Luật sư). Trong TTHS, địa vị pháp lí của Luật sư được xác định khi họ tham gia tố tụng với vai trò là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 58, Điều 59 BLTTHS).
Để thực hiện nhiệm vụ của mình khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo; luật sư có những quyền năng tố tụng theo quy định của pháp luật. Điều đó được thể hiện cụ thể như sau:
Về các quyền của Luật sư trong tố tụng hình sự:
Quyền của người bào chữa nói chung, của Luật sư nói riêng được quy định cụ thể tại các Điều 56, 57, 58 BLTTHS năm 2003.
Luật sư có các quyền như:
tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can; có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng có liên quan đến người mà mình bào chữa; Luật sư có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa; quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu… Ngoài các quyền cơ bản nêu trên, BLTTHS năm 2003 còn sửa đổi, bổ sung quy định về quyền “khiếu nại quyết định hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Về nghĩa vụ của Luật sư trong TTHS:
Luật sư có các nghĩa vụ sau đây: sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ các tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo; giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, BLTTHS năm 2003 còn có những quy định mới về nghĩa vụ của Luật sư.. Cụ thể:
– Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật;
– Có mặt theo giấy triệu tập của Toà án;
– Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Như vậy, so với BLTTHS năm 1988 thì BLTTHS năm 2003 quy định thêm một số quyền đồng thời quy định thêm một số nghĩa vụ đối với Luật sư nói riêng và người bào chữa nói chung. Luật sư tham gia tố tụng không những đảm bảo cho bị can, bị cáo không bị buộc tội oan mà còn thể hiện vai trò giám sát đối với những hoạt động của cơ quan, người tiến hành tố tụng Tóm lại, địa vị pháp lí và vai trò của Luật sư trong TTHS càng ngày càng được nhìn nhận đúng mực hơn. Cùng với thời gian, Luật sư với chức năng gỡ tội của mình đã phần nào khẳng định được vị trí. Vai trò của Luật sư trong việc giải quyết vụ án thể hiện ở rất nhiều các khía cạnh khác nhau. Sự tham gia của Luật sư bào chữa trong vụ án vừa giúp cho quyền và lợi ích chính đáng của luật sư được bảo vệ triệt để; vừa đảm bảo cho vụ án được giải quyết khách quan, dân chủ.
» Luật sư nhận bào chữa phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
» Luật sư bào chữa vụ án hình sự
Liên hệ luật sư bào chữa trong giai đoạn phúc thẩm vụ án hình sự để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp: