Luận cứ bảo vệ quyền lợi của bị hại trong vụ án hình sự

Luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình người bị hại trong vụ án “cố ý gây thương tích” đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên Hủy toàn bộ bản án, giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân, chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra lại nhằm khởi tố, truy tố và xét xử đối với bị cáo theo đúng tội danh mà bị cáo đã phạm phải.

Luật Sư. Thạc sĩ PHÙNG THỊ HÒA

Văn phòng luật sư Chợ Lớn – Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh

Dẫn đề: Để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ một cách tốt nhất thì ngoài những việc phải làm như: Đọc hồ sơ vụ án, thu thập và đánh giá chứng cứ…thì việc chuẩn bị Bản luận cứ để tranh tụng của Luật sư là tối quan trọng. Đây là văn bản thể hiện được khả năng chuyên môn, kinh nghiệm tranh tụng và bản lĩnh nghề nghiệp của Luật sư. Bản luận cứ của Luật sư luôn là tài liệu tác động đáng kể đến Hội đồng xét xử, ảnh hưởng lớn đến đường lối xét xử và trong một số trường hợp, văn bản này có ý nghĩa quyết định trong việc giúp Tòa án có một phán quyết chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Vì vậy, Văn phòng Luật sư Chợ Lớn xin giới thiệu đến các bạn, các đồng nghiệp một trong những Bản luận cứ Luật sư của Văn phòng dùng để bảo vệ gia đình người bị hại là anh Trần Đình Hòa trong vụ án Trương Văn Mạnh : “ Cố ý gây thương tích” , được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bằng bản án số 48/2012/HSST ngày 01/3/2012 của TAND quận T. B , đã bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án bằng bản án hình sự phúc thẩm số 300/2012/HSPT ngày 05/6/2012 của TANDTP.HCM mà trong những bài viết trước Văn phòng cũng đã từng đề cập.( Xin trích đăng toàn văn Bản luận cứ).

Kính thưa Hội đồng xét xử!

Thưa Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM – thực hành quyền công tố tại phiên tòa hôm nay!

Tôi Luật sư PHÙNG THỊ HÒA – Luật sư Văn phòng Luật sư Chợ Lớn, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM.

Trên cơ sở yêu cầu của gia đình bị hại theo yêu cầu của người bị hại mà người đại diện hợp pháp là bà Phạm Thị Tuyết Nga, được sự chấp thuận của Quý tòa, tôi tham gia phiên tòa phúc thẩm hôm nay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình người bị hại.

Thưa Hội đồng xét xử!

Vào ngày 01/3/2012, TAND quận T.B đã đưa vụ án Trương Văn Mạnh phạm tội “ Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự ra xét xử. Tại phần quyết định, HĐXX đã xử phạt bị cáo: Trương Văn Mạnh 06 năm 06 tháng tù về tội “ Cố ý gây thương tích”.

Ngay sau phiên tòa, gia đình người bị hại đã làm đơn kháng cáo với nội dung: Không chấp nhận tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử đối với bị cáo Mạnh. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử bị cáo với tội danh “ Giết người” và “ Cướp tài sản”.

Với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình người bị hại, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với yêu cầu và nội dung kháng cáo của gia đình người bị hại. Và tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi xin phép được trình bày quan điểm pháp lý của mình, giúp Hội đồng xét xử có thêm cơ sở trong quá trình nghị án, để từ đó có một bản án tuyên phù hợp với chứng cứ có trong hồ sơ. Đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình xét xử.

VỀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ.

Có thể nói, xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án theo trình tự sơ thẩm, chúng tôi luôn thể hiện quan điểm nhất quán của mình là không thống nhất về mặt tội danh mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, truy tố và xét xử đối với bị cáo Mạnh. Trong vụ án này, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Căn cứ vào kết quả giám định pháp y tử thi thì việc bị cáo Mạnh chỉ bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 là không thỏa đáng, thiếu căn cứ và chưa đúng tội danh. Theo chúng tôi, hành vi phạm tội của bị cáo Mạnh có đủ cơ sở để khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Giết người” ; đồng thời hành vi của bị cáo còn có dấu hiệu của tội “Cướp tài sản”. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, vết thương trên người nạn nhân để đưa ra một phán quyết chính xác nhằm trừng trị thích đáng kẻ thủ ác, trả lại sự công bằng cho người bị hại cũng như cho gia đình người bị hại.

Thứ nhất: Theo quan điểm của chúng tôi hành vi của bị cáo Mạnh đã hội đủ dấu hiệu của tội “Giết người”; cụ thể:Theo kết luận giám định pháp y tử thi số 166/11/GĐPY ngày 21/02/2011 và Biên bản khám nghiệm tử thi về vết thương ở lưng thì người bị hại bị thủng cơ liên sườn 6 bên trái sát cột sống, thủng mặt sau thùy dưới phổi trái dạng hình khe sâu 4 cm, gây tụ máu nặng ở mô phổi xung quanh. Đối với vết thương ở ngực thì người bị hại bị đứt hoàn toàn sụn sườn 6 và một phần sụn sườn 7 bên trái sát xương ức dạng hình khe, thủng mặt trước tâm thất phải dạng hình khe, dài 1,5 cm vào tận buồng tâm thất phải, xuyên thủng vách liên thất dạng hình khe ở mặt sau tâm thất trái dài 0,8cm, đứt xước mặt sau bao màng ngoài tim. Vết thương có chiều hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên và từ phải sang trái, sâu khoảng 10 cm.

Tại phần kết luận, các văn bản trên đều khẳng định nạn nhân chết do vết thương đâm thủng tim và phổi trái.

Như vậy, lời khai nhận của bị cáo cho rằng 02 vết thương trên thân thể anh Hòa chỉ là kết quả của sự xô đẩy, giằng co qua lại để nói rằng bị cáo không có ý thức tước đoạt mạng sống của anh Hòa là hoàn toàn mâu thuẫn với kết quả giám định tử thi và Biên bản khám nghiệm tử thi. Vì rõ ràng Biên bản khám nghiệm tử thi và kết luận giám định pháp y tử thi đều xác định người bị hại chết do 02 vết đâm vào các nơi nguy hiểm, trọng yếu trên cơ thể con người. Đồng thời bị cáo cũng đã thừa nhận 02 vết thương do lưỡi dao được đâm 02 lần khi bị cáo đang cầm dao. Việc cấp sơ thẩm xác định 02 vết thương trên thân thể người bị hại là do bị cáo “đẩy dao” mà gây nên là không phù hợp thực tiễn khách quan vì nếu chỉ là do giằng co qua lại thì không thể để lại 02 vết thương sâu, và cả 02 vết thương đều có thể gây chết người ngay tức khắc như thực tế đã xảy ra. Hơn nữa, với việc giằng co qua lại (theo bị cáo khai là khoảng 10 phút) và trong khoảng thời gian này đã có tới 02 lần bị cáo giật lại được con dao rồi sau đó anh Hòa giật lại được. Tuy nhiên, cả bị cáo và người bị hại đều không bị thương tích gì ở tay cả là điều hoàn toàn vô lý.

Bên cạnh đó, trong quá trình lấy lời khai tại Cơ quan điều tra( BL số 99), bị cáo khai nhận: “Giằng co với nhau một lúc thì tôi đoạt được con dao trên tay Hòa, tôi cầm dao bằng tay phải và Hòa dùng tay trái nắm cổ tay cầm dao của tôi thì tôi dùng tay trái nắm tay trái của Hòa vặn mạnh một cái thì Hòa hơi xoay lưng lại và tôi đã cầm dao đâm một cái vào vùng lưng của Hòa, tôi nghe Hòa la lên ”cướp, cướp, cướp”. Tôi rút dao ra và vẫn cầm bằng hai tay và Hòa cũng dùng hai tay giữ chặt hai cổ tay của tôi, trong lúc cả hai đang giằng co thì tôi đẩy mạnh hai tay đang cầm dao về phía trước và hai tay của Hòa cản không được nên mũi dao đã được nên mũi dao đã đâm trúng phần ngực của Hòa. Tôi thấy tay tôi ướt do máu của Hòa bắn ra…”

Bằng lời khai này rõ ràng bị cáo đã cầm dao đâm anh Hòa, lực đâm rất mạnh làm anh Hòa chết ngay tại chỗ. Hành vi của bị cáo thể hiện sự quyết tâm cao để đạt được hậu quả chết người nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là chưa có căn cứ, chưa đúng tội danh.

Với những chứng cứ và mâu thuẫn như đã nói ở trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo với tội danh “ Cố ý gây thương tích” theo khoản 3, điều 104 BLHS là không thể chấp nhận. Hành vi và hậu quả mà bị cáo đã gây ra cần phải được khởi tố, truy tố và xét xử theo tội danh “Giết người” mới phù hợp với thực tiễn khách quan đã xảy ra.

Thứ hai: Về hành vi “Cướp tài sản” của bị cáo.

Tại cấp sơ thẩm chưa làm rõ được nguyên nhân, động cơ phạm tội thực sự của bị cáo. Cũng chưa làm rõ sự liên quan giữa việc anh Hòa tri hô “cướp, cướp” với hành vi của bị cáo; chưa làm rõ vì sao bị cáo khai lấy xâu chìa khóa khi tay dính máu nhưng không để lại vết máu trên xâu chìa khóa. Chưa xác định rõ vì sao trong túi quần của bị cáo lại có chiếc điện thoại của nạn nhân bị cáo bị phát hiện, bắt giữ.

Theo quan điểm của chúng tôi, xâu chuỗi các sự kiện lại, hành vi của bị cáo đã hội đủ dấu hiệu của tội “Cướp tài sản”; cụ thể:

– Như phần trên đã trình bày, bị cáo đã thực hiện hành vi giết anh Hòa. Vậy mục đích bị cáo giết anh Hòa để làm gì nếu không phải là để cướp tài sản? và trên thực tế trong túi quần của bị cáo khi đang tìm đường tẩu thoát thì bị bắt đang có chiếc điện thoại của anh Hòa.

– Người làm chứng Nguyễn Thị Diễm Châu (BL 151,152,154) đều khai: Khi đi ngang qua vách ngăn giữa nhà tôi và nhà anh Hòa (Quang) thì tôi nghe rõ tiếng kêu “Chị Châu ơi cứu em, cướp, cướp giết em”.

– Lời khai này phù hợp với lời khai của Nguyễn Thanh Trí- người làm chứng (BL 46) “.. Vợ tôi bảo là tiếng Quang (Hòa) kêu cứu anh ơi, lúc đó tôi chỉ nghe tiếng Quang hô cướp, cướp rồi thôi”.

– Việc anh Hòa kêu” cướp, cướp” cũng đã được chính bị cáo khai nhận tại BL 93, BL 99“… Lúc này anh Quang liên tiếp kêu “ cướp, cướp” nên tôi sợ quá bỏ chạy…”.

Vậy trong lúc nguy cấp, tính mạng đang bị đe dọa nghiêm trọng, giả sử bị cáo không có hành vi cướp tài sản của anh Hòa, liệu nạn nhân có bột phát – không có chủ đích kêu lên “cướp, cướp” không?

– Bên cạnh đó, theo lời khai của bị cáo thì xâu chìa khóa bị cáo lấy bỏ vào túí quần sau khi tay bị cáo đã đầy máu nhưng trong Biên bản thu giữ vât chứng (BL 18) lại thể hiện xâu chìa khóa không có dính máu trong khi những tang vật khác như quần đùi của anh Hòa, nệm, mùng đều có dính máu của anh Hòa.

VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ.

Do quan điểm của chúng tôi là đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra xem xét lại từ đầu nên về trách nhiệm của bị cáo trong việc bồi thường về dân sự chúng tôi không đặt ra. Sau này khi vụ án được tiến hành xét xử lại, cùng với việc xem xét về trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở yêu cầu của gia đình người bị hại, căn cứ theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ yêu cầu về trách nhiệm dân sự đối với bị cáo sau.

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Kính thưa Hội đồng xét xử!

Như đã phân tích ở phần trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đến các tình tiết khách quan của vụ án, thể hiện hành vi của bị cáo đã có đủ cơ sở xét xử về tội “Giết người” cũng như có dấu hiệu của tội “Cướp tài sản” là có thiếu sót. Tòa án cấp phúc thẩm không thể điều tra làm rõ tại phiên tòa được. Vì vậy, để việc giải quyết vụ án được chính xác, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên Hủy toàn bộ bản án số 48/2012/HSST ngày 01/3/2012 của Tòa án nhân dân quận T.B, giao hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM điều tra theo thẩm quyền; nhằm khởi tố, truy tố và xét xử đối với bị cáo Trương Văn Mạnh theo đúng tội danh mà bị cáo đã phạm phải.

Trân trọng cám ơn Hội đồng xét xử đã chú ý lắng nghe!

theo vanphongluatsucholon.vn

» Luật sư bảo vệ cho người bị hại

» Luật sư bào chữa vụ án giết người

Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại trong vụ án hình sự: