Khi nào văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu? Cần hiểu rõ các vấn đề: Công chứng là gì, văn bản công chứng là gì, các trường hợp văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu, ai có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi nào?
1. Thế nào là công chứng, văn bản công chứng
Theo quy định tại Điều 2 Luật Công Chứng 2014 thì:
- Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
- Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật công chứng. Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.
2. Các trường hợp văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu
Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, một văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu khi không đáp ứng được điều kiện nêu trên. Căn cứ theo Điều 52, Luật công chứng 2014 thì người có quyền yêu cầu thực hiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là:… “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật..” Cụ thể là:
+ Người yêu cầu công chứng có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài và phải có năng lực hành vi dân sự.
+ Người làm chứng văn bản công chứng là người được quy định tại Luật Công chứng và phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ về tài sản liên quan đến việc công chứng.
+ Việc công chứng có vi phạm pháp luật là các trường hợp vi phạm luật công chứng như:
Người yêu cầu công chứng không tự nguyện yêu cầu công chứng,
Người làm chứng không đủ điều kiện theo quy định của Luật Công chứng.
Cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng nhưng đã công chứng tại văn bản công chứng,giả mạo người yêu cầu công chứng,
Người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo hoặc bị tẩy xóa, sửa chữa trái pháp luật để yêu cầu công chứng,
Người làm chứng, người phiên dịch có hành vi gian dối, không trung thực.
Như vậy nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong văn bản công chứng thì Tòa án sẽ có quyền tuyên bố văn bản công chứng này vô hiệu theo quy định của pháp luật công chứng.