Khi nào công dân phải thông báo lưu trú? Theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 lưu trú được hiểu là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
Đã có nghị định thay thế từ năm 2021: Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Như vậy, khi cá nhân di chuyển đến một địa điểm khác ngoài nơi cư trú của mình, nhưng không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định để thực hiện mục đích nhất định của mình như: thăm gặp người thân, thực hiện công việc, đi du lịch,… trong một thời gian thì cần thực hiện việc thông báo lưu trú theo quy định. Trong trường hợp này, cá nhân lưu trú thường xác định rõ mục đích ở nơi lưu trú cũng như thời gian đến, thời gian rời đi khỏi nơi lưu trú đó.
Chủ thể có trách nhiệm thông báo khi có người lưu trú?
Theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 những người có trách nhiệm phải thông báo lưu trú bao gồm:
– Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú.
– Người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú.
Thủ tục thông báo lưu trú
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư 35/2014/TT-BCA người đến lưu trú có trách nhiệm xuất trình với người có trách nhiệm thông báo lưu trú một trong các loại giấy tờ sau:
– Chứng minh nhân dân;
– Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng;
– Giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh có giá trị thay thế;
– Giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp;
– Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;
Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở Công an xã, phường, thị trấn.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương quyết định thêm địa điểm khác để tiếp nhận thông báo lưu trú. Trước 23 giờ hàng ngày, cán bộ tiếp nhận thông báo lưu trú tại các địa điểm ngoài trụ sở Công an xã, phường, thị trấn phải thông tin, báo cáo số liệu kịp thời về Công an xã, phường, thị trấn; những trường hợp đến lưu trú sau 23 giờ thì báo cáo về Công an xã, phường, thị trấn vào sáng ngày hôm sau.
Lưu ý: Để tạo thuận lợi và giảm bớt phiền hà cho công dân, đồng thời cũng bảo đảm cho công tác quản lý lưu trú có hiệu quả thì trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
Xử lý hành vi vi phạm
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu vi phạm quy định về đăng ký lưu trú thì tùy chủ thể mà sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền như sau:
– Cá nhân, chủ hộ gia đình: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với trường hợp á nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú.
– Cơ sở kinh doanh lưu trú: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 khi không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú.