Khi nào có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện? Quyền Khiếu nại, quyền tố tố cáo là hai hoạt động cơ bản trong ngăn ngừa và đấu tranh với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hành chính nói riêng và trong chấp hành pháp luật nói chung của mọi tổ chức, cá nhân. Sử dụng quyền khiếu nại, quyền tố cáo cũng chính là cách để mọi cá nhân, tổ chức đấu tranh với những việc làm sai trái của cơ quan nhà nước hoặc các cá nhân, tổ chức khác. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp đều có quyền khiếu nại hoặc là tố cáo.
Mục lục bài viết
Khi nào có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện?
Có rất nhiều trường hợp do không hiểu biết về pháp luật đã làm đơn kiện cáo gây ảnh hưởng đến tổ chức cá nhân, làm thiệt hại về mặt xã hội cần được ngăn chặn.
1. Quyền khiếu nại
Khiếu nại, theo quy định tại điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi “có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Như vậy, việc khiếu nại được đặt ra khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính. Cụ thể để giải thích kỹ hơn cho 3 trường hợp thì phải xuất hiện một trong 3 căn cứ sau:
- Có quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
- Có Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
- Có quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Quyền tố cáo
Tố cáo, theo quy định tại điều 2 Luật Tố cáo 2011 thì tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về “hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.
Như vậy, khi có hai căn cứ sau thì người tố cáo có thể gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ:là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
- Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực: là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Việc phân biệt khiếu nại với tố cáo là cần thiết để đảm bảo việc giải quyết theo đúng trình tự, thẩm quyền và chọn luật áp dụng phù hợp. Bởi quá trình giải quyết khiếu nại và giải quyết tố cáo hoàn toàn khác nhau.
3. Quyền khởi kiện vụ án
Quyền khởi yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Bộ luật tố tụng dân sự như sau:
“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.”
Về Quyền khởi kiện vụ án quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự:
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”